Suốt những ngày đi học, mới ra trường, hay thậm chí tới tận lúc này, bạn bè vẫn thường nghĩ tôi là người chân đi không chạm đất. Lâu lâu, khi tôi cho đăng một vài câu thơ lên Facebook, tôi biết chắc sẽ có một cô bạn nào đó (đặc biệt là những cô đã có chồng con hoặc thành đạt) vào nói: “Mày vẫn hay vẩn vơ như xưa nhỉ?”. Thế nhưng, vẩn vơ có lẽ là điều tôi đã thèm từ lâu mà chưa được hưởng. Tôi chẳng còn mấy thời gian để đọc một lèo hết cuốn sách, để có thể ngẩn ngơ nhìn mây trời rồi tự hỏi hình dáng đang bay trên kia là gì. Công việc này nối tiếp công việc khác, đầu óc bắt đầu chai lì, nhìn thấy món đồ gì cũng có xu hướng tự hỏi: “Ồ, mình dùng cái này vào việc gì được nhỉ?”. Tóm lại, vẩn vơ cũng không phải chuyện dễ dàng đâu.
Trước đây, tôi có một quãng thời gian làm việc tại một nhà xuất bản. Thời ấy, tôi nhận thấy trong số các bản thảo gửi về chẳng hề có lấy một tập thơ nào. Nhiều lúc, tôi còn tự hỏi các nhà thơ đã đi đâu, hay giờ không ai làm thơ nữa, không ai đọc thơ nữa?
Để đọc thơ, tôi thỉnh thoảng vào “đọc trộm” Facebook của các bạn thi sĩ (những người cũng lâu lắm rồi chẳng ra tập thơ nào), lâu lâu lại hình dung những câu thơ lỡ cỡ mình từng làm từ khi còn bé lắm. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình lại phải “lén lút” làm những việc ấy? Cũng lạ thật. Trong thời đại mọi thứ đều phải thực tế, đều phải được định giá cụ thể, thơ ca bỗng thành cái gì đáng thẹn. Người ta không cười khi nghe một cô gái nói cô ấy mê thời trang, mê xe hơi, mê du lịch… nhưng có thể sẽ cười khi cô bảo mình mê thơ. Những người mê thơ dường như đang là tàn dư của một thời đã qua. Họ chỉ còn lại một nhóm, một vài người như lạc từ một thế giới khác.
Thế nhưng tôi vẫn ở lại với thơ, chẳng phải vì sự “nỗi niềm hoài niệm” về một thời đã qua, chẳng phải vì muốn khác biệt bên cạnh những cô bạn say mê hàng hiệu hay những thú vui khác thời thượng hơn. Thơ ca tạo ra cho tôi cảm giác chia sẻ, sự an ủi, cân bằng và cả những lời giải đáp. Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi tại sao rất nhiều người trẻ bây giờ không nhận ra rằng những câu thơ có thể ngay lập tức nói lên tiếng lòng của họ. Có cái gì tràn đầy cảm xúc hơn thơ? Có điều gì lắng đọng hơn thơ? Và bao nhiêu người cho rằng đây không phải là thời của cảm tính cũng đã bỏ lỡ những bài thơ chiêm nghiệm, chỉ ra cho họ ý nghĩa cuộc đời theo một cách súc tích và dễ nhớ hơn nhiều những cuốn sách dạy cách sống đẹp?
Thế nhưng, thơ ca thì làm sao có thể đổ lỗi cho cộng đồng? Cũng như hầu hết mọi điều, cuộc sống nhanh và gấp này đang đẩy dần những điều không phù hợp với nó về phía sau cánh cửa. Những bài thơ dần dần bị lãng quên, như thi sĩ Lưu Quang Vũ từng viết: “Nỗi buồn ấy ai nào biết được”. Dẫu vậy, tôi vẫn tin là chẳng có điều gì tốt đẹp sẽ thực sự mất đi, nếu nhân loại còn tồn tại thì thơ ca sẽ còn ở đó mãi, như một nơi trữ tình êm đềm để người ta trở về, và kinh ngạc thấy rằng có những câu trả lời họ hằng tìm kiếm đã ở sẵn đó rồi. Thơ ca, có thể bạn chưa nhận ra, cũng giống như tình yêu trong quan niệm của Rabindranath Tagore:
“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”.
Nhóm thực hiện
Blog Phương Huyên Ảnh Tư liệu