Giấc mơ là những ảo giác tìm đến giấc ngủ của chúng ta và rất khó để lý giải về chúng. Mỗi lần xuất hiện, chúng dường như đều có những màu sắc khác nhau, có thể là giấc mơ ngập tràn màu hồng hạnh phúc, một màu xám xịt đáng sợ hay là dãy phim trắng đen đơn giản. Tuy không có sự đồng thuận rõ ràng nào, các nhà nghiên cứu vẫn luôn cố gắng giải mã bí ẩn đằng sau những giấc mơ.
1. Tất cả mọi người đều mơ
Không chỉ riêng người lớn, các bé sơ sinh đều có những giấc mơ khi an giấc. Dù một số người khẳng định không mơ thấy bất cứ điều gì nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều có vài giấc mơ mỗi đêm. Chúng có thể chỉ xảy ra trong 5 phút ngắn ngủi hoặc kéo dài đến tận cả tiếng đồng hồ. Thông thường, giấc mơ đầu tiên dài khoảng 5 phút, giấc mơ cuối cùng trước khi bạn tỉnh giấc có thể “trình chiếu” từ 45 phút đến 1 tiếng. Theo ước tính, một đời người dành tận 6 năm cho những giấc mơ.
2. Giấc mơ của đàn ông và phụ nữ khác nhau
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt trong giấc mơ của nam và nữ giới. Nam giới thường mơ thấy vũ khí và hoạt động thể chất diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, phụ nữ lại có xu hướng mơ đến những bộ trang phục hay mua sắm và những cuộc trò chuyện. Giấc mơ của phụ nữ thường kéo dài, xuất hiện nhiều nhân vật hơn và tỷ lệ mơ về nam giới lẫn nữ giới đều như nhau. Khác với phụ nữ, nam giới lại có xu hướng mơ thấy những người đàn ông khác.
3. Không phải mọi giấc mơ đều có màu
Trong khi hầu hết mọi người đều khẳng định hình ảnh trong mơ luôn tràn ngập màu sắc, một số người lại tiết lộ phiên bản của họ chẳng khác gì bộ phim trắng đen. Trong các cuộc nghiên cứu diễn ra từ năm 1915 đến 1950, phần lớn mọi giấc mơ đều chỉ có hai màu đen trắng. Nhưng kết quả đã dần thay đổi, ngày nay, chỉ còn khoảng 12% số người mơ thấy hai màu đen và trắng. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này được giải thích là do sự biến đổi của công nghệ, truyền thông và TV trắng đen được thay thế bằng màn hình “sống động như thật”. Một nghiên cứu khác được thực hiện cho biết, những tông màu pastel nhẹ nhàng được nhiều người chọn để miêu tả màu sắc trong giấc mơ của mình.
BÀI LIÊN QUAN
4. Không nhớ rõ diễn biến trong mơ
Có đến 95% diễn biến trong mơ nhanh chóng bị “xóa sổ” ngay khi bạn thức dậy. Theo một giả thuyết được đặt ra, chúng ta không thể nhớ được mình mơ thấy gì là vì não bộ không hỗ trợ xử lý và lưu trữ những thông tin diễn ra trong mơ.
Ảnh quét não bộ của những người đang ngủ cho thấy thùy trán – khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí nhớ – không hoạt động khi chúng ta ngủ chuyển động mắt nhanh. Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM – rapid eyes movement) là giai đoạn chúng ta ngủ nhưng mắt vẫn chuyển động nhanh. Đây là thời điểm não bộ hoạt động mạnh nhất, tạo nên những hình ảnh kỳ lạ và các giấc mơ cũng hình thành trong giai đoạn này.
5. Động vật cũng có thể mơ
Cũng như con người, động vật cũng trải qua các giai đoạn ngủ bao gồm chu kỳ REM và Non-REM. Một số nghiên cứu được thực hành trên các loài động vật cho thấy sóng điện não của chúng giống với con người khi ở trạng thái trong mơ. Bạn có thể quan sát một chú chó đang quẫy đuôi, đạp chân hay bé mèo ngẩng cao đầu, cong lưng khi ngủ, điều đó chứng tỏ chúng đang chìm trong giấc chiêm bao của mình.
BÀI LIÊN QUAN
6. Có thể kiểm soát được giấc mơ
Thật khó tin rằng chúng ta có thể kiểm soát được nội dung diễn ra trong mơ, nhưng sự thật chính là như vậy. Giấc mơ sáng suốt là thuật ngữ được đặt ra bởi nhà văn – bác sĩ tâm thần người Hà Lan – Freverik Van Eeden, đề cập đến việc chúng ta nhận thức được mình đang mơ dù bản thân vẫn trong giấc ngủ. Đây là trạng thái tích hợp cả ý thức và chu kỳ REM, bạn có toàn quyền kiểm soát, định hướng giấc mơ của mình.
7. Cảm xúc tiêu cực phổ biến hơn
Trong khoảng thời gian hơn 40 năm, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Calvin S.Hall đã thu thập hơn 50.000 giấc mơ từ các sinh viên. Sau đó, sinh viên của ông – William Domhoff – đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 1990. Báo cáo cho biết có rất nhiều cảm xúc diễn ra trong cơn mơ nhưng phổ biến nhất vẫn là trạng thái tiêu cực. Ngoài ra, ba cảm xúc xuất hiện nhiều nhất là buồn bã, sợ hãi và tức giận.
BÀI LIÊN QUAN
Giấc mơ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
8. Người khiếm thị cũng có thể mơ
Ngay cả những người khiếm thị từ khi mới chào đời, chưa từng được nhìn thấy ánh sáng vẫn có những giấc mơ thú vị của riêng mình. Dù không nhìn thấy nhưng họ vẫn còn những giác quan khác giúp cảm nhận cuộc sống như xúc giác, khứu giác, thính giác…. Dựa vào đó, người khiếm thị có thể tưởng tượng ra được thế giới xung quanh mình.
Một nghiên cứu về người khiếm thị cho biết họ vẫn có những trải nghiệm hình ảnh trực quan trong giấc mơ. Dù chuyển động mắt trong giấc ngủ của người khiếm thị diễn ra ít hơn người bình thường, nhưng cảm giác vẫn giống nhau, tạo ra nội dung giấc mơ từ nhiều cách thức khác.
9. Tê liệt trong giấc mơ
REM là một trong những trạng thái con người phải trải qua trong giấc ngủ. Ở giai đoạn này, các cơ lớn hoàn toàn bị liệt, bạn không thể cử động chân tay. Nghe thì có vẻ đáng sợ nhưng thực chất là do các tế bào thần kinh vận động không được kích thích nên dẫn đến việc bạn không thể di chuyển. Hiện tượng này xảy ra để đảm bảo bạn không chuyển động theo những diễn biến trong mơ.
10. Nhiều giấc mơ phổ biến
Tuy những giấc mơ thường bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm của mỗi cá nhân, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết vẫn có một số chủ đề phổ biến. Chắc hẳn bạn đã từng mơ thấy bị rượt đuổi, phản bội, tấn công hay té ngã và hầu hết mọi người đều có những giấc mơ tương tự như thế. Việc có nhiều chủ đề phổ biến là do trạng thái của con người tác động. Ví dụ như việc bạn mơ thấy mình bị truy đuổi là do bạn đang căng thẳng vì vấn đề nào đó.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Hồng Tuyết Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: verywellmind