Sinh sống và học tập tại Pháp trong 3 năm nhưng may mắn thay, chưa năm nào tôi phải đón một cái Tết cổ truyền nào trong cô đơn. Tết của du học sinh thì chắc chắn là một cái Tết xa nhà nhưng không vì thế mà thiếu đi không khí sum vầy hay hương vị của những món ăn cổ truyền. Nỗi nhớ nhà nhờ thế mà vơi đi phần nào.
Tôi may mắn được trải nghiệm cả không khí đón Tết của hội sinh viên Việt Nam tại Pháp và của cả cộng đồng người Việt tại Đức. Những dịp lễ Tết cổ truyền của dân tộc cả hội sinh viên và người Việt định cư lại tụ tập chuẩn bị y như khi còn ở Việt Nam. Bạn dễ dàng cảm nhận không khí Tết cổ truyền của người Việt ở châu Âu: cũng chộn rộn náo nức và đầy tình thân như ở quê nhà.
Cộng đồng người Việt ở Đức và Pháp có lẽ là cộng đồng người Việt đông đảo và phát triển mạnh mẽ nhất châu Âu, thậm chí người Việt ở Đức lấn át hơn hẳn cộng đồng người Hoa, việc chưa bao giờ có tiền lệ ở các quốc gia khác trên thế giới trong kỷ nguyên mà “người Hoa đang đô hộ thế giới” như hiện nay.
Cộng đồng người Việt và những cái Tết cổ truyền xa quê đủ đầy
Người Việt dù đang định cư ở bất cứ quốc gia nào đều cố gắng đón Tết theo nghi thức cổ truyền một cách tươm tất nhất. Người Việt ở châu Âu có một đặc trưng là họ sinh sống rải rác ở khắp nơi chứ không tập trung như khu Little Saigon ở Mỹ. Nhưng không vì thế mà không khí đón Tết ở các nước châu Âu kém phần ấm áp.
Lễ Giáng sinh và năm mới được nghỉ khá dài nên tôi thường sang Đức thăm họ hàng bên đó và tranh thủ ở thêm vài ngày chờ đến Tết cổ truyền. Phải nói rằng những chuyến thăm thân như vậy khiến tâm hồn nhạy cảm của một người con xa xứ như tôi vơi bớt đi rất nhiều nỗi nhớ nhung bồn chồn. Và có lẽ muốn biết người Việt ở châu Âu đón Tết như thế nào bạn chỉ cần sang Đức là có thể cảm nhận sâu sắc và trọn vẹn nhất.
Hiện Cộng hoà liên bang Đức gồm có 16 tiểu bang và có khoảng 120.000 người Việt sinh sống, luôn được nhận xét là một cộng đồng với những sinh hoạt đều đặn và đa sắc. Tôi đã trải qua một cái Tết Việt kiều thật ý nghĩa tại ngay giữa thành phố Lepzig, một trong những thành phố lớn của vùng Đông Đức. Dù thời tiết mùa Đông ở Đức khá khắc nghiệt nhưng người Việt tại đây vẫn tổ chức ăn Tết cổ truyền với đầy đủ phong tục như ở nhà.
Người Việt ở đây chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm dù ít dù nhiều phải giữ gìn văn hoá dân tộc nơi xứ người để con cháu chúng tôi sau này không mất đi bản sắc. Chúng phải hiểu về quê hương về đất nước mình bởi vốn quý nhất của con người chính là gốc gác”. Để giáo dục được con trẻ về sự quan trọng và thiêng liêng của bữa ăn tất niên cổ truyền là điều không dễ dàng khi mà văn hoá Tây phương là thứ văn hoá mà bọn trẻ lĩnh hội từ khi mới lọt lòng. Nhưng họ đã, đang và chắc chắn sẽ làm tốt sứ mệnh mà họ tự ý thức gánh trên vai vì một cộng đồng người Việt vững mạnh nơi đất khách.
Chợ Đồng Xuân là khu chợ Việt Nam nổi tiếng nhất ở Đức với đủ loại nhu yếu phẩm phục vụ bà con. Lá chuối, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng, bánh tét không còn là những thực phẩm quá xa xỉ với cộng đồng Việt Nam tại Đức. Một mâm cỗ Tết với đầy đủ thịt mỡ dưa hành, giò thủ, canh măng, bánh chưng để cúng ông bà tổ tiên giờ gia đình nào cũng có thể chuẩn bị. Mỗi dịp Tết đến khu chợ này lại tấp nập khách vãng lai tụ họp để cùng nhau hoà chung vào không khí đón xuân.
“Tết Việt kiều” gắn liền với khu chợ Việt, với đĩa nhạc hải ngoại Thuý Nga Paris by night, với hình ảnh háo hức chuẩn bị bày cỗ tết cúng giao thừa của các bậc phụ huynh, với hình ảnh hội “trẻ con Việt kiều” thế hệ F2 xúng xính váy áo đón lễ mừng năm mới. Đôi khi mâm cơm ngày Tết cổ truyền hay những thủ tục lễ lạt đón Giao Thừa của cộng đồng người Việt xa xứ còn đủ đầy và câu nệ hơn ở quê nhà. Bởi họ xa quê hương quá lâu, nỗi nhớ nhà chỉ được bộc lộ vào mỗi dịp lễ truyền thống như thế này nên bao nhiêu tâm tư tình cảm đều vun vén vào ngày lễ mừng năm mới, cơ hội để cả nhà quây quần bên nhau.
Cộng đồng người Việt tại Đức quây quần bên mâm cơm tất niên…
Người Việt ở Đức thường chơi với nhau theo vị trí địa lý hoặc theo quan hệ bạn bè trước đây từ thời tị nạn. Có những gia đình đi từ Tây Đức sang Đông Đức để có thể gặp gỡ bạn bè và tụ tập với nhau quanh mâm cỗ tất niên cùng đón giao thừa và ôn lại kỷ niệm xưa.
Trong không khí tất bật chuẩn bị cho bữa ăn cuối năm, không ai quên việc hẹn đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ở Việt Nam để gọi ngay điện về cho người thân trao nhau những lời chúng mừng năm mới an lành. Tết cổ truyền cũng là dịp để thế hệ con trẻ của cộng đồng Việt nô nức xúng xinh áo dài truyền thống, một nét văn hóa đẹp được người Việt tại nước ngoài luôn cố gắng gìn giữ trân trọng.
Phải trực tiếp chuẩn bị và quy quần bên mâm cỗ tất niên nơi xứ lạnh bạn mới cảm nhận sâu sắc tình cảm hướng về quê cha đất Tổ. Những câu chuyện từ thời chiến được kể lại, những niềm vui hay khó khăn trong cuộc sống được chia sẻ cùng nhau trong không khí ấm cúng của mùi hương trầm và tiếng nhạc xuân mừng vui của băng đĩa Tết. Tất cả thật thân thương và quen thuộc.
Tết của du học sinh, cơ hội giới thiệu văn hoá Việt cho bạn bè quốc tế
Tết của hội sinh viên Việt Nam tại châu Âu đong đầy tình đồng hương và thậm chí cả tình hữu nghị với bạn bè quốc tế. Bởi đây là dịp tuyệt vời để sinh viên Việt Nam giới thiệu nét văn hoá truyền thống của dân tộc cho các bạn bè thế giới.
Trước đêm giao thừa khoảng 2 ngày mọi người bắt đầu rục rịch tụ họp nhau lại lên danh sách các món ăn và bắt đầu gói bánh chưng. Chính những dịp này đã rèn giũa những “cậu ấm cô chiêu” biết quán xuyến công việc gia đình mà thường ngày khi còn ở nhà họ ít khi để ý tới. Tự tay gói những ciếc bánh chưng vuông vắn, tự tay nấu nồi canh măng đúng vị, tự tay cắm một bình hoa trang hoàng nhà cửa mỗi người mới thấy thấm thía nỗi nhớ nhà và biết trân trọng hơn những giá trị cổ truyền của dân tộc.
Vào ngày chính lễ, các bạn bè quốc tế được mời đến bữa tiệc tất niên của Hội. Họ vô cùng háo hức và phấn khích khi được trải nghiệm không khí tết rất Việt Nam ngay trên đất nước mình. Họ không ngần ngại nếm thử những món ăn cổ truyền và khoác lên mình những chiếc áo the khăn đống để chụp ảnh lưu niệm.
Tại các thành phố lớn, việc tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ có quy mô được đông đảo du học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Những chương trình như «Gala chào năm mới» hay cuộc thi «Miss Xuân» đã trở thành những hoạt động thường niên mỗi dịp Tết đến của Hội du học sinh Việt Nam tại Pháp. Cùng nhau đoàn kết và phát triển, hoà nhập chứ không hoà tan luôn là tôn chỉ hoạt động của Hội du học sinh Việt Nam không chỉ ở Pháp mà chắc chắn là trên toàn thế giới. Chính vì thế mà bản sắc văn hoá Việt càng ngày càng tiếp cận gần hơn, thậm chí trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế.
Các bạn đừng ngạc nhiên khi ghé thăm châu Âu vào đúng dịp Tết cổ truyền lại tình cờ nhìn thấy những tà áo dài tung bay trong gió đang sải bước chụp ảnh lưu niệm trên đường phố. Khi đó bạn biết Tết đã về rất gần rồi.
—
Xem thêm:
Bộ tranh “Tết xưa Tết nay”: Để có những ngày Tết cổ truyền đúng nghĩa
Phiên chợ Tết Đinh Dậu tại chợ Tết Đinh Dậu
Thuê biệt thự ăn Tết tại Novotel Phu Quoc Resort
Nhóm thực hiện
Loan Phùng (Tạp chí Phái Đẹp ELLE)