Vì thế, ELLE lần này sẽ dành chỗ cho những dòng hoài niệm của người lớn về những ngày xưa ấy.
Tết Trung thu theo âm lịch là vào rằm tháng Tám hàng năm. Trung thu được gọi là ngày Tết của trẻ em, hay “Tết trông trăng”. Vào ngày này, người ta thường bày cỗ trông trăng, tặng đồ chơi cho trẻ em. Ngày trước mỗi khi chuẩn bị đến Trung thu là cậu bé Hà Nội là tôi sung sướng lắm, được bố mẹ dẫn đi Hàng Mã, Lương Văn Can mua đồ chơi. Cái không khí tấp nập, rộn ràng mỗi Trung thu ngày trước khiến cho tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.
Đèn lồng ở khắp mọi nơi, mùi bánh nướng thơm lừng, âm thanh vui nhộn phát ra từ những món đồ chơi sặc sỡ, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh. Gió Thu mát lộng và trăng sáng như gương. Đâu đó là tiếng trống của điệu múa lân ngoài đường phố, tiếng pháo kêu rộn rã trên khắp các nẻo đường. Những chiếc đèn ông sao năm cánh tươi hồng lung linh huyền ảo, mâm cỗ trông trăng với đầy đủ các “đặc sản” như bánh nướng, bánh dẻo, ngũ quả… Bấy nhiêu thứ đó tạo nên hai từ “Trung thu”.
Ngày ấy, nhà bác tôi ở phố Hàng Đường (Hà Nội) đều làm bánh nướng bánh dẻo. Bánh hồi đó không có hình thức đẹp như bây giờ nhưng ăn một lần nhớ mãi cái vị thơm lừng của bánh nướng, vị ngọt đến tê đầu lưỡi của bánh dẻo. Bây giờ bánh Trung thu làm cầu kỳ hơn, vỏ hộp lịch sự hơn và vị của nó cũng khác biệt rất xa – ngon thì có ngon nhưng hương vị không còn thân thuộc.
Mỗi khi đến Trung thu, trẻ con thường thắc mắc rất nhiều câu hỏi mà không có lời giải đáp như “Có chị Hằng Nga không nhỉ?”, “Chú Cuội ngồi gốc cây đa liệu có tồn tại thực sự?”. Ngay đến người lớn cũng không biết giải thích thế nào cho trẻ con. Nếu bảo là “có” thì là lừa dối nhưng nếu bảo “không” thì chả khác nào phủ nhận một truyền thuyết đã có từ lâu đời truyền qua biết bao nhiêu thế hệ.
Ký ức Trung thu xưa trong tôi còn có hình ảnh đèn ông sao và đèn kéo quân – hai món đồ chơi không biết đã có từ bao giờ và trở thành biểu tượng không thể thiếu trong Tết Trung thu của Việt Nam. “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…” – trẻ con ngày xưa còn có thú vui là rước đèn đi chơi trong đêm Trung thu. Lũ lượt từng đứa trẻ tay cầm đèn ông sao, tay cầm đèo kéo quân đi ngoài đường phố, vừa đi vừa đọc một câu vè hay hát một bài hát.
Mâm cỗ Trung thu cổ truyền có một chú chó được làm bằng tép bưởi, được gắn hai hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh đó có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm. Tới Trung thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai… Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút “phá cỗ”, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.
Tôi vẫn nhớ những ngày còn đi học cấp hai, mỗi dịp Trung thu sẽ tổ chức ở nhà một người, tất cả lớp cùng đến phá cỗ thật vui. Khi lên đến cấp ba là vào những năm 2002, 2003 thì không còn khái niệm phá cỗ ở nhà nữa mà thay vào đó, tất cả “rồng rắn” lên phố Hàng Mã để tận hưởng cái cảm giác “Hà Nội đất chật người đông”. Đến nay, Trung thu đã khác quá nhiều so với ngày xưa. Nhiều đứa trẻ hiện đại đã không còn thích chơi đèn ông sao, đèn kéo quân, cũng không ăn lấy một miếng bánh nướng bánh dẻo và cũng chẳng còn mấy ai tin vào truyền thuyết Hằng Nga, chú Cuội nữa. Những mâm cỗ đắt đỏ, cầu kỳ bày ra mà không có ai “phá”.
Trẻ em ngày nay thích đạp xe đi chơi dạo quanh đường phố chứ không còn thích rước đèn hay kèn trống múa lân. Thanh niên thì kiếm những quán cà phê hay bar để đón Trung thu… Nhưng có một thứ mà Trung thu ngày trước hay ngày nay vẫn giống nhau, là ánh trăng. Mặt trăng vào đêm Trung thu bao giờ cũng to nhất, đẹp nhất, phát ra những vầng hào quang rực rỡ nhất và “tròn như cái bát ôtô”.
Từ khi trưởng thành và đi làm, công việc khiến tôi không còn quan tâm nhiều tới ngày lễ này nữa. Tuy nhiên, mỗi dịp tháng Tám và tình cờ nghe được giai điệu “tùng rinh rinh, tùng rinh rinh… Đây ánh sao vui…” ở đâu đó là tôi bỗng như thấy có một sự háo hức, chờ đợi. Với việc “Retro” đang trở thành một xu thế, tôi vẫn hy vọng trong tương lai gần những hình ảnh như rước đèn kéo quân, gương mặt thích thú của những đứa trẻ lúc cầm trên tay chiếc đèn ông sao làm thủ công của Việt Nam và cả những bài vè rất vần… sẽ trở lại trên đường phố Hà Nội vào mỗi dịp Trung thu.
Xem thêm: Các bài viết khác về Trung thu
Nhóm thực hiện
Bài: Nick M. Biên tập: Phương Thủy Chỉ đạo Mỹ thuật: Dzũng Yoko Hình ảnh minh họa: Bobby Nguyễn Người mẫu: Helly Tống Trang điểm: DY - Làm tóc: Daniel Wong