Tình yêu đẹp nhất khi lòng tin dành cho nhau xô đổ mọi rào cản và gắn kết hai con người bằng sự chân thành. Thế nhưng, với những người sống trong thế giới có HIV, tình yêu của họ cần một niềm tin lớn hơn rất nhiều những gì có thể cất lên thành lời.
“Một cái nắm tay hay vài ba chiếc kẹo đã khiến mình thức suốt đêm vì vui sướng”.
“Ba mẹ tui kết hôn 21 năm rồi. Tui là kết tinh tình yêu của họ nè”.
“Tôi yêu qua mạng nhiều rồi, nhưng lần này, tôi không quên được”.
(trích từ 1.096 câu chuyện có thật sưu tầm từ cộng đồng về chủ đề “Yêu mới khó”)
Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về tình yêu. Và với những người sống cùng HIV (gọi là người có H) hoặc những người có “nửa kia” là người có H, tình yêu là kết tinh của sự chân thành và tin tưởng. Chữ “tin” trong mối quan hệ đáng giá hơn bất cứ điều gì: không cần xa hoa, chỉ cần tin tưởng để đến bên nhau. Nhưng liệu có hay không sự đồng cảm và chấp nhận trong thế giới có H?
Tình yêu của những người có H cũng giống như bao chuyện tình khác, đều trải qua thăng trầm để rồi xúc cảm thăng hoa khi ta đặt trọn niềm tin vào nhau. Ai nói những mối tình trong thế giới có H không thể có kết thúc có hậu? Những chuyện tình “trái dấu” (một trong hai người có H) đã vượt qua bao thăng trầm sẽ khiến ta không thể ngừng suy ngẫm về hai chữ “tình yêu”.
“Cũng đã 10 năm rồi từ ngày chị và anh quen nhau”
10 năm – con số biểu trưng cho một cột mốc trọn vẹn trong mối quan hệ. Ánh mắt của chị Vy (47 tuổi, sinh sống tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đã phần nào lột tả được niềm hạnh phúc ấy ngay khi nhắc đến chồng mình, anh Đạt, người đồng hành cùng chị trong suốt một thập kỷ vừa qua. Bản thân chị là một người có H và điều trị bằng thuốc kháng virus ARV (một người có H điều trị bằng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ, hay còn gọi là trạng thái K=K – “Không phát hiện = Không lây truyền”)
Trong suốt 10 năm, chị và anh không ít lần phải đối diện với những thăng trầm trong tình yêu. Bắt đầu từ khoảnh khắc chị mở lòng chia sẻ với anh về cuộc sống của bản thân, cho đến khoảng thời gian 2 tháng anh bỏ đi vì không chấp nhận sự thật về quá khứ của chị. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn, hai anh chị đã có khoảng thời gian chung sống hạnh phúc.
Tình yêu với chị Vy là bến đỗ của lòng tin trong một mối quan hệ. Người chồng hiện tại chấp nhận quá khứ của chị – chấp nhận khoảng thời gian “ăn chơi lông bông”, chấp nhận việc chị từng có một đời chồng đã mất vì AIDS. Với chị, anh Đạt không chỉ là người yêu, người thân, mà còn là người bạn sát cánh bên chị qua những gian khó.
Nhờ sự ủng hộ và tin tưởng của anh mà chị đã có thêm niềm tin để sống tốt hơn mỗi ngày. Chị Vy nhớ mãi giây phút anh quay trở lại sau 2 tháng bỏ đi khi biết chị là người có H. “Thời điểm quay lại, anh thổ lộ mình đã tự tìm hiểu thông tin rất nhiều và cảm ơn chị vì đã chia sẻ chân thật với anh”. Đơn giản và chân thành, anh đi để tìm câu trả lời cho tình yêu của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Không chỉ sinh hoạt và làm việc như bao gia đình khác, chị Vy và anh Đạt còn tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Chị là một trong những thành viên nòng cốt trong Hội Phụ nữ của phường. Trong giai đoạn Covid–19 vừa qua, chị đã đăng ký hỗ trợ tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Đồng hành với nhau sau một thời gian dài như thế, chị mới nhận ra rằng tin tưởng để yêu nhau trọn vẹn mới thực sự là thử thách, mọi điều còn lại đều có thể cùng nhau vượt qua.
“Biết mình nhiễm HIV mà vẫn không bỏ, thì lúc đó tâm hồn hai người đã gắn kết rất chặt, đó là gia vị cao trào của tình yêu”
Khác với chị Vy, anh Nhân (29 tuổi, sống tại quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) là một chàng trai thuộc cộng đồng người nam có quan hệ đồng giới (gọi tắt là MSM – “Men who have sex with men”). Đồng thời, anh cũng là một thành viên tích cực của các dự án cộng đồng hỗ trợ người nhiễm H tại Việt Nam. “Nhưng mà, cũng giống như bà bán bún bò không bao giờ ăn bún bò, thì người đi tư vấn HIV không bao giờ nghĩ mình bị nhiễm HIV tại vì mình không bao giờ bị”. Và rồi trong một lần anh đang làm mẫu để tuyên truyền về bộ xét nghiệm OraQuick, anh phát hiện mình “02 vạch”, đồng nghĩa dương tính với HIV dựa theo kết quả thể hiện trên bộ xét nghiệm.
Bất ngờ và hoảng hốt, anh Nhân bẻ gãy thanh xét nghiệm trước mặt tất cả mọi người. Suốt khoảng thời gian sau đấy anh vẫn không điều trị vì ngại rằng hầu hết các trung tâm điều trị HIV đều biết mặt mình, cho đến khi phát hiện bản thân bị ung thư dạ dày.
Cuộc sống của anh khi ấy hoàn toàn đảo lộn. Chỉ có duy nhất một điều vẫn không thay đổi, là tình yêu của “nửa kia” dành cho anh. Người bạn trai là chỗ dựa tinh thần giúp anh dần tìm lại động lực để tiếp tục sống. Dù khá kiệm lời về chuyện tình cảm, nhưng qua những kỷ niệm hiếm hoi mà anh chia sẻ, ai cũng có thể cảm nhận được sự ấm áp/nguồn khích lệ mà mối quan hệ này mang lại cho anh.
Sau khoảng thời gian ấy, anh tiến hành điều trị ARV và đạt được trạng thái K=K. Dù vậy, anh vẫn có một giai đoạn mặc cảm. Lúc chưa biết tải lượng của mình có thật sự đạt ngưỡng ức chế được hay không, anh Nhân không dám “gần gũi” với người yêu. Ấy thế mà người yêu của anh Nhân vẫn yêu thương hết mực, dẫu cho “nhu cầu” cá nhân khi ấy không thể được thỏa mãn.
Mãi đến một thời gian sau, khi được trực tiếp gặp và trò chuyện với người đề xuất mệnh đề K=K là anh Bruce Richman, khao khát cảm giác được âu yếm không rào cản với người mình thương của anh mới trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Anh Nhân tâm sự, khoảnh khắc anh quyết định “yêu” một cách chân thật nhất cùng “nửa kia” là phút giây vô cùng ý nghĩa trong tình yêu của mình.
Đối với người yêu của anh Nhân, phút thăng hoa trở lại đó là sự tha thứ cho những chuyện buồn trong quá khứ. Sự đồng cảm và thấu hiểu từ bạn trai đã khiến anh tin rằng mình luôn “được chấp nhận”, và trạng thái sức khỏe K=K là an toàn cho cả hai để yên tâm không sử dụng biện pháp bảo vệ mỗi khi gần nhau.
BÀI LIÊN QUAN
Đối với anh Nhân, chỉ cần tìm được sự tin tưởng trong tình yêu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Hai câu chuyện, hai mảnh đời nhưng có một điểm chung là họ tìm được tình yêu sau những biến cố của cuộc sống. Có gian khổ, khó khăn, nhưng khi yêu ai chẳng phải đương đầu với thử thách. Chỉ cần tin tưởng, không một giới hạn nào có thể ngăn cản chúng ta đi đến bến đỗ hạnh phúc. Hãy từng bước viết nên chữ “yêu” từ chữ “tin” với nửa kia của mình.
*Lưu ý, tên nhân vật đã được thay đổi để phù hợp với nội dung bài viết
Thông tin về chiến dịch “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì”
“Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” là một chiến dịch y tế công cộng nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV và loại bỏ những kỳ thị liên quan đến HIV.
Chiến dịch quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất – so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng vi rút để dự phòng HIV. Với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV thì không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của người khác. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở trong các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe.
Chiến dịch được xây dựng bởi Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), cùng các đối tác Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) tại Việt Nam, và Quỹ Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) cùng với sự tham gia tích cực của các đối tác tại cộng đồng.
Thông tin về ARV, K=K
Thuốc ARV có thể được sử dụng theo 2 cách để dự phòng lây nhiễm HIV:
- Những người không có H có thể dùng ARV để duy trì trạng thái Không HIV. Cách dùng này/Thuốc dùng theo cách này được gọi là PrEP.
- Người có H sử dụng ARV để điều trị HIV (còn được gọi là ART). Điều trị này giúp làm giảm tải lượng virus, hay lượng virus được phát hiện trong cơ thể. Khi không còn phát hiện được virus trong cơ thể, trạng thái này được xem là dưới ngưỡng phát hiện. Nếu một người có H đạt trạng thái dưới ngưỡng phát hiện, virus HIV sẽ không thể lây truyền từ người này sang cho những người khác khi quan hệ tình dục. Điều này còn được biết đến qua thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền (Undetectable = Untransmittable) hay K=K.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE