Ngày lễ, mẹ xem tivi mãi cũng chán, bèn rủ con gái đi ăn ốc. Con gái hí hửng thay đồ theo mẹ đi ngay (kẻo mẹ đổi ý!). Quán ốc nằm lọt thỏm trong một con hẻm bên hông chợ Hoàng Hoa Thám, giữa những hàng quán ăn vặt khác mà người ta hay gọi là “khu ăn uống” thường gặp ở bất kỳ ngôi chợ nào.
Nói quán ốc cho sang chứ chỗ bán chỉ là bốn cái bàn nhựa thấp ghép lại, đặt sát vào vách tường, bên trên để ốc đã qua sơ chế trong những cái dĩa con con. Khách ngồi phía bên này bàn chỉ việc chỉ loại ốc muốn ăn kèm theo cách chế biến, ví dụ “ốc mỡ xào me” hay “ốc móng tay xào tỏi”, người bán phía bên kia sẽ thoăn thoắt làm ra những đĩa ốc theo ý khách. Nước chấm, muối tiêu, chanh, ớt được để sẵn trên bàn, khách chỉ việc với tay lấy tùy thích.
Hai mẹ con sà vào bàn rồi gọi ngay hai đĩa ốc gạo hấp sả và sò lông nướng mỡ hành. Cô chủ bốc một nắm ốc gạo cho vào nồi nước xâm xấp với thật nhiều sả ớt đập giập. Khi nước sôi thì mở nắp đảo đều tay cho ốc chín hẳn rồi trút hết ra đĩa. Mùi sả ớt cay nồng theo khói bốc lên, hòa quyện với mùi ốc thật khiến người ta thòm thèm! Độ này trời mưa, nước tràn đồng, ốc gạo bắt đầu dày thịt và ruột cũng sạch hơn. Dùng nĩa nhỏ cắm xực vào đầu chú ốc béo, nhẹ nhàng xoay tròn thân ốc để lấy thịt ra khỏi vỏ, chấm ít nước mắm gừng trước khi cho vào miệng. Mọi hương vị cay chua mặn ngọt tan vào nhau, làm người ta xuýt xoa vì nóng, vì cay, vì mồ hôi rịn ướt chân tóc, nhưng vẫn cứ ăn mãi không thôi.
Trong lúc đó, cô chủ quán đặt sò lông lên vỉ than, chan ít mỡ hành rồi phe phẩy chiếc quạt cho lửa bùng lên. Vỏ sò cháy sém cạnh và dầu hơi sôi lên là có thể ăn được. Sò lông nướng thường được ăn kèm với một ít đậu phộng giã nhuyễn. Mà cách ăn tôi thích vẫn là chắt bớt dầu mỡ hành đi, chan nước mắm rồi đưa lên miệng cắn lấy thịt sò, sau đó bứt vài lá rau răm bỏ vào miệng điểm xuyết thêm hương vị. Nước mắm ăn sò lông nói riêng và ăn ốc nói chung chỉ cần pha chua ngọt sao cho vừa miệng. Hơi lạt chút cũng không sao, nhưng phải tránh mặn vì sẽ làm hỏng sự cân bằng hương vị, và cũng làm người ta mất cái thú vui chan lấy chan để.
Món ốc ngon, nhất định thịt phải tươi. Thịt ốc vốn nhạt, cho nên ăn kèm với nước mắm chua ngọt, tỏi ớt, mỡ hành, rau răm cho thêm phần đặc sắc. Nhưng tất cả những thứ gia vị đó cộng lại cũng không thể nào che lấp được mùi hôi đặc trưng của ốc thiu. Ốc tươi có độ dòn và ngọt nhất định. Ngày xưa có lần tôi được một chị bạn ở Phan Thiết đãi món ốc giác luộc mà tôi còn nhớ mãi tới giờ. Chị mua ốc giác còn sống ở chợ, về ngâm nước gạo cho ốc nhả hết nhớt. Sau khi luộc chín, chị lấy ốc ra khỏi vỏ, xắt lát dày, rồi cứ vậy mà chấm nước mắm gừng cay xé lưỡi. Miếng ốc nhai trong miệng nghe sừn sựt và rất ngọt thịt. Chỉ dân dã vậy thôi mà thấy ngon lạ thường!
Hôm đó nghe giọng Bắc của cô chủ quán, tự nhiên tôi có ảo giác như đang ngồi ở một làng quê nào đó, vừa ăn vừa ngắm đồng lúa xanh rì. Ăn ốc ở quán sang được chỗ thoáng mát sạch sẽ, nhưng vẫn chỉ là không gian xô bồ của phố thị. Quán nhỏ coi vậy mà hay! Thời tiết cũng có liên quan. Khi trời nắng, người ta hay nghĩ đến việc uống và ăn những món giải nhiệt, chứ đời nào ăn ốc để mướt mồ hôi. Nhưng khí trời ảm đạm làm người ta cần có một thứ gì đó để xốc dậy tinh thần. Và có thể nói, ăn ốc là một lựa chọn không tồi. Nhưng phải ăn ở hàng nhỏ, lề đường, người ăn ngồi xung quanh người bán, phải thấy khói bốc lên từ nồi, nghe giọng địa phương của chủ tiệm. Bạn sẽ quên đi hết những tiếng ồn của phố, chỉ còn lại hương vị của món ăn dân dã. Và nếu sau lưng còn có một cơn mưa lâm thâm nữa, thì hãy tin tôi, cảm giác ấm cúng đó không gì sánh bằng.
Nhóm thực hiện
Blog Phương Bùi