Lifestyle / Trải nghiệm

Miss Universe 2013: vì sao ta là kẻ bại trận? – blog Nicky Khánh Ngọc

Tuần qua, chủ đề gây xôn xao mạng xã hội nhất không nằm ngoài cơn bão Haiyan và việc Trương Thị May tham gia Miss Universe 2013 ra về trắng tay.

style_thoi_trang_truong_thi_may_o_miss_universe_10
Trương Thị May và đại diện nhan sắc của nước Pháp tại Miss Universe 2013

Rất nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi hoa hậu được cho là có vẻ đẹp hiện đại, tự tin nhất từ xưa đến giờ của Việt Nam không gặt hái được thành tích gì đáng kể. Những bài bình luận được đưa ra nhằm mổ xẻ lý do vì sao Việt Nam chưa bao giờ đạt được một giải thưởng danh giá nào tại đấu trường sắc đẹp quốc tế, trong khi chẳng ai nghi ngờ gì về “độ đẹp” của các cô gái Việt. Trong đó, các phân tích thường cho rằng hai lý do chính dẫn đến việc Việt Nam trắng tay là do quy trình tuyển lựa hoa hậu của ta mang tính hên xui và việc huấn luyện gà chọi đi thi quốc tế chưa được đầu tư xứng đáng. Chưa kể những lý do khác như hoa hậu của ta nói tiếng Anh không giỏi, vẻ đẹp Việt chỉ được coi là dễ thương ưa nhìn chứ không sắc sảo nóng bỏng như các cô gái Nam Mỹ. Liệu đó có phải là những lý do chính?

Trước hết, phải nói ngay rằng nếu ai đó nghĩ Miss Universe là một cuộc thi mang tính giải trí thì họ đã nhầm. Miss World hay Miss Universe đầy tính chính trị và căng thẳng chẳng kém các Hội nghị thượng đỉnh G-20 là mấy. 86 cô gái đến từ 86 nước, họ đại diện cho những thể chế chính trị, những tham vọng, những thế đứng quốc gia khác nhau. Thế nên, việc ai thắng ai bại không bao giờ thuần túy dựa trên số đo ba vòng hay khuôn mặt cái mũi của một cô gái. Diễn tiến và kết quả chung cuộc của Miss Universe phản ánh cục diện quan hệ quốc tế của thời điểm hiện tại.

Cụ thể, hãy nhìn vào Miss Universe 2013.

Forbes đã bầu chọn Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những người quyền lực nhất hành tinh và Miss Universe 2013 được tổ chức ở Nga. Việc Nga được chọn làm nơi đăng cai đấu trường sắc đẹp nhất nhì hành tinh này một lần nữa khẳng định vị trí của quốc gia này. Tại Miss Universe 2013, ta thấy thiếu vắng đại diện của Albania, Kosovo và Georgia. Nga không coi Kosovo là một quốc gia độc lập vì thế họ đã không cấp visa cho Hoa Hậu Kosovo. Hoa Hậu Albania rút lui khỏi cuộc thì vì Kosovo và Albania có quan hệ hữu hảo. Hoa Hậu Georgia không tham gia vì nước này đang bất đồng chính trị với Nga.

Nhìn vào các thí sinh Miss Universe, ta thấy được khuynh hướng chính trị xã hội của nhiều nước. Hoa Hậu Myanmar tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế này là cô gái Miến Điện du học tại Mỹ Moe Set Wine, điều này chứng minh việc Myanmar đang ra sức hội nhập và quốc tế hóa. Hoa hậu Israel là người gốc Ethiopia, điều này làm thế giới có cái nhìn khác đi về quốc gia này. Hoa hậu da đen đầu tiên của Israel đã gặp Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ ông Barack Obama tại Jerusalem tháng 3 vừa qua.

Việc chọn cô gái nào đăng quang trong cả Miss World và Miss Universe cũng không bao giờ thuần túy dựa vào nhan sắc hay các câu trả lời ứng xử. Sự lên ngôi của Hoa Hậu Trung Quốc tại Miss World 2012 hay Hoa hậu Philippines (sinh trưởng tại Mỹ) tại Miss World 2013 đều là những sự lựa chọn không gây bất ngờ bởi chúng phản ánh đúng khuynh hướng chính trị tại thời điểm đó. Miss Universe thuộc sở hữu của tỷ phú Mỹ Donald Trump và Mỹ giữ vị trí độc tôn với 8 lần chiến thắng tại đấu trường này, chưa kể đến việc các người đẹp đến từ Puerto Rico vốn là một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Mỹ đã 5 lần bước lên bục cao nhất.

Việc đại diện của một quốc gia nào đó có chiến thắng tại Miss World hay Miss Universe hay không, không chỉ thuộc trách nhiệm cá nhân của một thiếu nữ ngoài 20 tuổi nào đó, cũng không đổ trách nhiệm cho tổ chức đưa cô đi thi. Kết quả thi sắc đẹp phản ánh sự nhận biết và tôn trọng của cộng đồng quốc tế dành cho một quốc gia.

Và ở ngay tại Mỹ, đại đa số dân chúng rất xa lạ với cả Miss World lẫn Miss Universe.

Blogger Nicky Khánh Ngọc

Nhóm thực hiện

Blog Nicky Khánh Ngọc  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)