Gợi ý cải thiện chất lượng giấc ngủ cùng phương pháp Ayurveda
Những đêm dài mất ngủ khiến sức khỏe bạn trở nên mỏi mệt trong những ngày giãn cách? Hãy tham khảo phương pháp Ayurveda như một gợi ý giúp bạn có thể vào giấc dễ dàng hơn cùng ELLE nhé!
Ayurveda chính là một hệ thống y học Hindu cổ truyền có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ. Phương pháp y học này tập trung chữa lành cho sức khỏe toàn thân bởi lí tưởng từ các yếu tố cấu thành thế giới như: không khí, đất, không gian, nước và lửa. Và lí do mà nhiều người áp dụng các khái niệm từ y học Ayurveda cho một giấc ngủ ngon là bởi các hiểu quả vượt bậc trong việc duy trì sự cân bằng năng lượng trong tâm trí.
Thật vậy, Pratima Raichur – Bác sĩ chuyên về y học Ayurveda và chủ sở hữu của Pratima Spa tại thành phố New York đã nhận định rằng:
—
“Những căng thẳng từ những suy nghĩ quẩn quanh trong tinh thần bạn chính là lí do lớn nhất khiến bạn mắc phải chứng mất ngủ kéo dài. Những mẹo nhỏ từ y học Ayurveda là một gợi ý tốt giúp bạn có thể thoát khỏi những dòng suy nghĩ ấy, từ đó lấy lại trạng thái cân bằng năng lượng và yên tâm vào giấc.”
—
Tắm nước ấm cùng tinh dầu hoa nhài và hoa hồng
Trong y học Ayurveda, hoa nhài và hoa hồng có ý nghĩa đặc biệt trong việc giải phóng lượng lớn năng lượng tiêu cực, cũng như thanh lọc cơ thể. Ngoài ra, với đặc tính làm dịu tinh thần, hai loại tinh dầu này còn giúp bạn cân bằng tâm trí hiệu quả. Bạn cũng có thể sử dụng kết hợp tinh dầu hoa hồng và hoa nhài trong lúc ngâm mình cùng nước ấm. Từ đó, toàn thân của bạn sẽ trở nên thư giãn một đáng kể.
Thực hành hít thở
Ổn định hơi thở chính là mấu chốt giúp bạn có thể duy trì sự an yên trong tâm trí. Nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu thực hành việc này như thế nào thì hãy tham khảo qua bài tập hít thở từ y học Ayurveda nhé! Những động tác hít thở sâu sẽ giúp bạn cân bằng hai bán cầu não, từ đó giúp bạn dễ dàng tiến vào giấc ngủ sâu.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng, nhắm mắt rồi hít sâu và giữ tâm trí an định
- Dùng tay che phần mũi bên phải rồi hít sâu bằng mũi bên trái
- Sau đó, bạn hãy dùng tay che mũi trái rồi thở ra bằng mũi bên phải
- Lặp lại liên tục quá trình này trong 10 phút
Uống sữa ấm trước giấc ngủ
Trong phương pháp trong Ayurveda, sữa ấm được coi là “chìa khóa” giúp chữa bệnh và làm dịu toàn cơ thể. Bởi lẽ, trong sữa ấm có thể giữ toàn vẹn được L-tryptophan – một axit amin tiền thân của serotonin và melatonin, giúp bạn dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp cùng hạt nhục đậu khấu, giúp mang lại cho ly sữa ấm của bạn một vị ngọt dễ chịu. Đặc biệt, loại thực phẩm này cũng hoạt động như một chất tự nhiên, bổ trợ tốt cho giấc ngủ.
cải thiện giấc ngủ bằng việc xoa bóp đầu và bàn chân
Bác sĩ Pratima Raichur nhận định rằng, việc xoa bóp bàn chân là một phương pháp hữu hiệu giúp thư giãn tâm trí trước khi ngủ. Bởi trong bàn chân của chúng ta chứa đến hơn 7000 đầu dây thần kinh và việc massage ở phần này giúp bạn thả lỏng cơ thể, sẵn sàng cho một giấc ngủ an yên. Ngoài ra, phần đầu cũng là nơi khởi nguồn của các dây thần kinh, nên việc xoa bóp đầu cũng mang lại hiệu quả tương đương.
Sử dụng các loại tinh dầu thư giãn
Phương pháp Ayurveda cũng đề cao liệu pháp tinh dầu để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bởi lẽ, hương tinh dầu phảng phất trong phòng sẽ giúp bạn gợi nhớ lại những ký ức và cảm xúc vui, từ đó dễ dàng giữ cho tâm trí ổn định và làm dịu cơ thể. Bạn có thể sử dụng những loại tinh dầu mà bạn ưa thích và nhỏ một vài giọt lên vỏ gối, cổ tay. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn tinh dầu, thì hãy tham khảo những gợi ý từ bác sĩ Pratima Raichur với các loại tinh dầu chiết xuất từ cam, bạch đậu khấu, hoa nhài, húng quế hay vani.
Tắt các thiết bị công nghệ, điện tử trước giấc ngủ
Trong thời đại 4.0 với sự phát triển của công nghệ và thiết bị điện tử, chắc chắn bạn sẽ có thói quen sử dụng điện thoại đọc thông tin, xem phim,… trước khi ngủ để có thể dễ dàng vào giấc. Tuy nhiên, hành động này đôi khi lại gây tác dụng ngược bởi những nội dung bạn đang xem có thể thu hút sự tập trung của bạn, từ đó khiến tâm trí không thật sự thư giãn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Bài: Bửu Nghi
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Yoga Journal, Healthline
Ảnh: Tổng hợp