Sau thời kỳ thống trị của lớp nền mịn lì, xu hướng làm đẹp đang dần chuyển sang làn da căng mịn, sáng khỏe như vừa được dưỡng ẩm nhiều giờ liền. “Butter skin” – hiệu ứng nền da mềm mượt, ngậm nước – đã trở thành tiêu chuẩn cho cách tiếp cận mới. Thay vì cố gắng che phủ, kỹ thuật đánh nền hiện nay hướng đến việc tôn lên độ ẩm, độ trong và kết cấu tự nhiên của làn da.

BÀI LIÊN QUAN
Hiệu ứng “butter skin” là gì?
Từ sàn diễn, thảm đỏ đến những bức ảnh cận mặt trên mạng xã hội, hiệu ứng đánh nền “butter skin” đang dần thay thế lớp nền siêu bóng bẩy từng thống trị nhiều năm qua. Không quá lì, cũng không bóng dầu, “butter skin” mang lại cảm giác mềm mại, căng mọng và mịn màng như chính tên gọi của nó – như lớp bơ được phết mỏng lên bánh mì nướng vào buổi sáng sớm. Lấy cảm hứng từ triết lý chăm sóc da Hàn Quốc, xu hướng này nhấn mạnh vào việc dưỡng ẩm sâu và phục hồi hàng rào bảo vệ da, mang lại vẻ ngoài tự nhiên, khỏe khoắn nhưng vẫn đầy sức sống.
“Cách đánh nền butter skin tập trung vào việc đạt được làn da cực kỳ mịn màng, căng mọng và ngậm nước sâu, giống như độ mềm mại và độ béo của bơ”– Ifeoma Ejikeme, chuyên gia da liễu và là người sáng lập ZKIN và Adonia Medical Clinic.
Trên thảm đỏ Oscar 2025, hàng loạt mỹ nhân như Mikey Madison, Margaret Qualley hay Anok Yai đã chọn lớp nền dịu nhẹ, ngậm nước thay vì kiểu trang điểm bóng loáng thường thấy. Theo chuyên gia trang điểm của Chanel Anna Payne, điểm nổi bật của lớp nền này nằm ở sự cân bằng hoàn hảo giữa dưỡng và trang điểm, giữa làn da đủ độ ẩm để căng mịn nhưng không hề lấp lánh, trông như được phủ nhẹ một lớp satin tinh tế.
BÀI LIÊN QUAN
Cách thực hiện lớp nền “butter skin”
Luôn bắt đầu với dưỡng da bằng sự ưu tiên cho cấp ẩm và phục hồi
Theo chuyên gia về da Ifeoma Ejikeme, khi dưỡng da nên tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: làm sạch dịu nhẹ, dưỡng ẩm nhiều lớp và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Khi lựa chọn sản phẩm, bạn nên ưu tiên các thành phần như ceramides, acid béo, peptides, hyaluronic acid và glycerin – những “trợ thủ” giúp da trở nên căng mọng, mềm mượt và luôn đủ nước. Để làm sạch bề mặt da mà không gây tổn thương hay khô ráp, lactic acid hoặc PHA là lựa chọn nhẹ nhàng và lý tưởng, đặc biệt phù hợp với làn da nhạy cảm.
Bước cuối cùng trong chu trình dưỡng da nên là một loại kem dưỡng, giúp khóa ẩm hiệu quả và củng cố sự mềm mại cho làn da. Vào buổi sáng, hãy hoàn thiện bằng một lớp kem chống nắng có độ bóng nhẹ, vừa giúp bảo vệ da mà còn mang lại hiệu ứng rạng rỡ từ bên trong, sẵn sàng cho bước đánh nền tiếp theo.
BÀI LIÊN QUAN
Các bước đánh nền “butter skin”
Theo chuyên gia trang điểm Jamie Genevieve, điều tuyệt vời nhất của hiệu ứng “butter skin” là bạn không cần đánh nền một lớp dày. Nếu đã chăm sóc da đúng cách từ trước, lớp nền chỉ cần tiệp nhẹ vào da, không che phủ hoàn toàn mà tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, mềm mượt vốn có.
Bạn nên bắt đầu với kem lót có độ bóng nhẹ, làm ấm bằng lòng bàn tay để sản phẩm tan đều và thấm nhanh vào da. Tiếp theo là lựa chọn kem nền hoặc kem che khuyết điểm có kết cấu mỏng nhẹ như serum, chẳng hạn như skin tint, tinted moisturizer hoặc kem nền có hiệu ứng soft-focus/velvet.
Highlighter chính là linh hồn của hiệu ứng “butter skin”. Nhưng thay vì chọn sản phẩm bắt sáng dạng bột quá lấp lánh, Jamie Genevieve khuyên bạn nên ưu tiên kết cấu kem hoặc lỏng. Ngoài ra, để gương mặt thêm ấm áp và mềm mại, hãy dùng thêm bronzer dạng kem. Chuyên gia trang điểm Anna Payne gợi ý: “Hãy tán bronzer lên những điểm cao của khuôn mặt, sau đó làm mềm các viền bằng chính cọ nền để tạo hiệu ứng liền mạch, tự nhiên.”
Một điểm thú vị trong kỹ thuật đánh nền này chính là việc chỉ dùng duy nhất một chiếc cọ cho cả kem nền, bronzer và highlighter và hầu như không làm sạch cọ giữa các bước, để các lớp sản phẩm hòa quyện tự nhiên với nhau.
“Chính sự pha trộn nhẹ nhàng ấy đã tạo nên hiệu ứng mềm mại và liền mạch, không có ranh giới rõ ràng giữa lớp nền, tạo khối và bắt sáng” – chuyên gia trang điểm Jamie Genevieve.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lam
Ảnh: Tổng hợp