Nước hoa – Designer hay Niche?
Nếu nước hoa phổ thông được làm ra để thu lợi nhuận thì dòng nước hoa niche thường do các nhà sản xuất độc lập chế tạo lại đề cao hai yếu tố: Nghệ thuật và Sáng tạo mang dấu ấn cá nhân.
Nước hoa – thứ nước màu vô hình vô thanh – nhưng được trang trọng coi như mảnh trang sức cuối cùng để hoàn chỉnh bất kỳ bộ trang phục nào. Đó là thứ cuối cùng người phụ nữ cần khi chuẩn bị cho một vẻ ngoài hoàn chỉnh, và là thứ nàng không chịu rời bỏ ngay cả khi những mảnh vải cuối cùng trên cơ thể đã rơi xuống sàn phòng ngủ. Chẳng thế mà các nhãn hiệu thời trang từ lâu đã thâu tóm và thống lĩnh luôn cả thị trường nước hoa.
Từ khi Coco Chanel đá chân sang lĩnh vực điều chế mùi hương tới nay, hầu hết những chai nước hoa phổ biến nhất trên thị trường đều đến từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng: từ kinh điển như Dior, đến bình dân phổ biến như Zara, đều đều đặn cho ra mắt các mùi hương mang tên riêng mình.
Những chai lọ lung linh với các tên tuổi cao quý mỹ miều ấy là hình ảnh phản chiếu qua gương của những món thời trang cổ điển: cũng có mùa, kén người, có bộ sưu tập, có limited edition, có hàng “hiệu” và hàng “hiếm”. Nhưng bởi là hình ảnh trong gương, nên cái sự ngược không thể không tránh. Trong khi những món thời trang từ Chanel, Jimmy Choo là niềm ao ước của phần lớn phụ nữ, thì những lọ nước hoa của các tên tuổi đình đám này lại được bán tương đối tràn lan ở các trung tâm mua sắm, và cả những chuỗi cửa hiệu drugstore bình dân như Boots hay Superdrug. Cái cao cấp và phù phiếm thường ngày đột nhiên vừa tầm với cho tất cả mọi người.
Ai cũng có thể trở thành Vera Wang hay Tom Ford chỉ với một nhát xịt. Ở đầu kia của quang phổ, nơi những nhà thiết kế nhỏ không ai dám bán một cái đầm với giá bốn chữ số, thì một số ít Parfumerie độc lập chỉ kiếm sống bằng nghề sáng tạo mùi thơm có thể ung dung bán một chai nước hoa chẳng mấy ai biết tới (trừ những tín đồ cuồng nhiệt của nước hoa, tất nhiên) với giá gấp hai lần quý bà Số 5 gần trăm tuổi.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa những Vera Wang, Ralph Lauren, Issey Miyake so với Les Senteurs, Comme des Garçons, hay Creed? Ngoài sự phổ biến của cái tên đối với dân chúng đại đồng, sản phẩm nước hoa của họ nằm ở những dải phân cách khác nhau; và những dải phân cách ấy đôi khi nằm chồng chéo.
Cuộc đại đồng của các mùi thơm và những nguyên liệu lớn lên từ lồng kính
Nước hoa là cánh cổng đầu tiên mời gọi toàn thể dân chúng vào thiên đường của những thương hiệu lớn. Không phải ai cũng sẵn sàng chi £1,200 để mua chiếc áo Burberry MAC danh tiếng, nhưng đa số có thể dành ra chừng £50 để sở hữu Body EDP với những sọc kẻ quyến rũ của cùng một nhãn hàng và cảm thấy cuộc sống xa hoa đã gần hơn một chút. Các hãng thời trang lớn hiểu rõ tâm lý này của người mua nên rất đều đặn sáng tạo những mẫu mùi mới.
Thực tế, Armani đã tuyên bố 75% doanh thu của hãng đến từ nước hoa. Việc sử dụng đa số nguyên vật liệu nhân tạo được làm từ phòng thí nghiệm và thuê các nhà máy chuyên pha chế hương liệu khổng lồ, cũng như hệ thống phân phối sẵn có làm cho giá cả của những dòng nước hoa rất tên tuổi này phù hợp với đại đa số người dùng.
Dòng mùi của những thương hiệu phổ biến thường dễ dùng và hợp thời trang. Ai cũng có thể thích cK In2U nhưng không phải ai cũng chịu nổi Profumum Acqua di Sale. Không phải vì sự phổ biến mà những mùi hương đại chúng này kém hơn về mặt sáng tạo. Envy của Gucci và Three của Bond No.9 đều được ra đời nhờ cái mũi và bản năng mùi tài hoa của Maurice Roucel.
Việc đổ bộ tràn lan của những nhãn hàng tên tuổi trên kệ kính lung linh của những mùi hương giúp cả thế giới thơm hơn và những người phụ nữ bình thường nhất cũng có thể tự cho mình một chút yêu chiều xa xỉ.
Bài: Mai Phương Mackey