Làm đẹp / Xu hướng & Cảm hứng

Những đổi mới bền vững trong thế giới mỹ phẩm ngày nay

Những hướng đi mới trong ngành làm đẹp hiện nay đang góp phần thay đổi diện mạo xã hội và môi trường xung quanh. Bức tranh toàn cảnh về đổi mới bền vững trong thế giới mỹ phẩm được ELLE tổng hợp trong bài viết sau.

Đã có rất nhiều dòng mỹ phẩm sạch với nhiều cái “không”: không chứa phthalate, không chứa paraben…, do đó thách thức của những năm tiếp theo sẽ hướng đến mục tiêu khác. Trọng tâm của các thương hiệu mỹ phẩm giờ đây chính là tìm phương pháp sản xuất hạn chế khí thải và giải pháp cho bao bì. May mắn thay các nhà nghiên cứu không xem đây là một hạn chế mà trái lại câu hỏi về độ bền của bao bì đã trở thành nguồn sáng tạo bất tận. Nhưng đó chưa phải là tất cả: tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt vì lợi ích của nhân loại tất nhiên còn đồng nghĩa với việc hạn chế gây ô nhiễm, đồng thời phải hỗ trợ người lao động trong quá trình tạo ra sản phẩm. Không khó để nhận thấy rằng các vấn đề xã hội và đạo đức đang bắt kịp với ngành công nghiệp mỹ phẩm.

1. NÔNG NGHIỆP TÁI TẠO

Bạn có thể gọi là “nông nghiệp sinh thái”, nông nghiệp tái tạo hay nuôi trồng thủy sản. Nói một cách đơn giản, mục đích của phương pháp này là khôi phục đất nông nghiệp về trạng thái khỏe mạnh và màu mỡ. Bằng cách nuôi dưỡng đất, chúng ta chăm sóc cây cối, và sau đó là người dân ở đó. Ý tưởng là khôi phục nền rừng, giữ cho hệ sinh thái giàu mùn, giun đất, sợi nấm và vi khuẩn. Thật không may, các kỹ thuật thâm canh nông nghiệp phát triển từ thế kỷ trước đã để lại ảnh hưởng ngược lại: đất đai ngày càng trở nên khô khốc và cằn cỗi.

Nông nghiệp tái tạo đang bắt đầu truyền cảm hứng cho các thương hiệu. Một số thương hiệu mỹ phẩm như Klorane và Le Champ sử dụng kỹ thuật này để thu hoạch các thành phần cần thiết. Clarins cam kết bảo tồn khoảng một trăm loài có nguy cơ tuyệt chủng với sự hợp tác của hiệp hội ASERS Conservatoire d’Espaces Naturels de Haute-Savoie. Chanel, đã trồng 50 loài thực vật hoang dã và 37 giống cây hạt dẻ ở Nam Alps. Họ cũng đã trồng 2.700 cây hoa trà ở Gaujacq, một ngôi làng ở Tây Nam nước Pháp.

Các thương hiệu mới hơn cũng đang đặt nguyên tắc này làm trọng tâm trong các dự án phát triển, chẳng hạn như dòng sản phẩm trang điểm Eclo vốn đã được chứng nhận hữu cơ Cosmos. Dựa vào lợi ích tái tạo, những nhà sáng lập của thương hiệu đã chọn ra 3 thành phần hoạt tính chính là lúa mạch đen (một loại cây tạo đường thoát nước), rong biển nâu Breton (giúp hấp thụ carbon) và cây gai dầu Breton (được biết đến với khả năng làm thoáng khí cho đất).

mỹ phẩm trang điểm eclo
Sản phẩm trang điểm Eclo đã được chứng nhận hữu cơ Cosmos.

Một thương hiệu tiên phong khác là L’Occitane đã thành lập bộ phận nông học vào năm 2008 gồm 3 nhân viên ở Burkina (để tìm nguồn cung ứng bơ hạt mỡ) và 6 người ở Pháp. Nhóm nghiên cứu này làm việc với những người nông dân trên cao nguyên Valensole, gần Manosque, một điểm nóng của ngành mỹ phẩm vì những nguyên liệu như hoa oải hương, hạnh nhân… được trồng ở đó. Vào năm ngoái, tập đoàn Unilever công bố rằng họ đang đồng thành lập một quỹ đầu tư để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hình thức này. Bên cạnh đó, thương hiệu Lush đã phát động giải thưởng Spring Prize năm 2017 nhằm giúp thúc đẩy và khen thưởng các sáng kiến canh tác tái tạo.

mỹ phẩm tiên phong loccitane

2. CÁC THƯƠNG HIỆU ĐƯỢC TRUYỀN CẢM HỨNG BỞI B-CORP

B-Corp là một tổ chức phi chính phủ với nhiều tham vọng. B-Corp hướng đến các công ty đang nỗ lực thực hiện cam kết tích cực về xã hội và môi trường. Logo của B-Corp có mặt ở khắp mọi nơi.

“Các cơ quan chủ quản được yêu cầu cam kết chịu trách nhiệm. Bất kỳ công ty nào được trao nhãn B-Corp đều phải sửa đổi quy định của mình”, Augustin Boulot – Tổng đại diện của B-Corp France giải thích.

Những giá trị của B-Corp nhắm đến 5 lĩnh vực với tác động khác nhau: sự tham gia của nhân viên, cộng đồng, trách nhiệm với môi trường và tác động tổng thể của mô hình kinh doanh. Ngoài các mục tiêu được liệt kê trên, các thương hiệu cũng có thể thông qua một hệ thống điểm tiêu chuẩn để đo lường tác động thực sự của các chính sách. Tổ chức phi chính phủ sẽ tiến hành kiểm toán 3 năm một lần nhằm kiểm tra điểm số. Không chỉ vậy, họ còn cung cấp một bảng câu hỏi miễn phí để hướng dẫn cho các công ty muốn cải thiện. Toàn thế giới có 4.000 công ty được chứng nhận B-Corp với tổng số 150.000 dịch vụ được sử dụng.

3. XÂY TỔ CHO ONG

Mật ong là một trong những loại thuốc tự nhiên đầu tiên và lợi ích của chúng là vô tận: kháng khuẩn và chữa bệnh, làm sạch vết thương, giảm sẹo, biến đổi tóc, có đặc tính chống lão hóa và là “phương thuốc đa năng”. Kết cấu mịn màng đã khiến nó trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực trong cộng đồng sản xuất mỹ phẩm, được các công ty sử dụng trong nhiều thập kỷ. Nhiều thương hiệu đang tích cực tham gia vào việc bảo tồn loài ong. Guerlain thông qua quan hệ đối tác với UNESCO và Đài quan sát Apidology của Pháp đã cam kết đào tạo những người phụ nữ nuôi ong trên toàn thế giới.

mỹ phẩm chiến dịch nuôi ong
Yon-ka cộng tác với tổ chức phi chính phủ Un toit pour les abeilles nhằm bảo vệ loài ong và trồng những loài hoa có mùi thơm.

Yon-ka, Nuxe… và nhiều công ty khác đang cộng tác với tổ chức phi chính phủ Un toit pour les abeilles, cho phép tài trợ cho các tổ ong và trồng các loài hoa có mùi thơm. Hơn 10.000 tổ ong đã được xây dựng. Esthederm và Sanoflore đã tạo ra các chuỗi cung ứng thân thiện với loài ong nhằm thu hoạch các thành phần cần thiết. Công ty Neals’ Yard Remedies của Anh cũng làm việc với tổ chức phi chính phủ “Save The Bees”.

Nuxe hợp tác với tổ chức từ thiện “Un toit pour les abeilles” (một ngôi nhà dành cho loài ong), tài trợ cho các tổ ong nằm ở vùng Vosges của Pháp, để tạo ra các đàn ong mới và bảo tồn loài này
Nuxe hợp tác với tổ chức từ thiện “Un toit pour les abeilles” (một ngôi nhà dành cho loài ong), tài trợ cho các tổ ong nằm ở vùng Vosges của Pháp, để tạo ra các đàn ong mới và bảo tồn loài này.

4. TÁI ĐỊNH NGHĨA mỹ phẩm “CLEAN BEAUTY”

Độ tinh khiết của các công thức thậm chí không còn là vấn đề cần bàn cãi. “Clean beauty” giờ đây cần có một định nghĩa mới nhằm phản ánh các vấn đề hiện tại. Về điểm này, các nhà mỹ phẩm bán lẻ lớn có thể đóng vai trò quan trọng. Alexia Inge, người sáng lập trang thương mại điện tử Cult Beauty, nhắc lại:

“Clean beauty là một thuật ngữ khó giải thích vì thật khó để có thể định lượng hoặc xác minh được tính “sạch” của một sản phẩm. Thay vì xem xét kỹ lưỡng mọi thành phần, chúng tôi muốn đánh giá các sản phẩm từ một thương hiệu được sản xuất như thế nào trong chuỗi cung ứng”.

Để đạt được mục tiêu này, cô ấy đã tạo ra “Cult Conscious” trong cửa hàng trực tuyến của mình, hợp tác với Provenance, một công ty độc lập để xác minh các tuyên bố từ các thương hiệu được chọn, chẳng hạn như tỷ lệ nhựa tái chế được sử dụng hoặc tính đa dạng của chúng.

“Chúng tôi yêu cầu các công ty cung cấp bằng chứng về những tuyên bố của họ, chẳng hạn như nghiên cứu lâm sàng hoặc bằng chứng rằng công ty đó đạt mức trung hòa carbon. Chúng tôi yêu cầu được xem số tiền và hóa đơn khi các thương hiệu hứa hẹn đóng góp cho các tổ chức từ thiện”.

Trên thực tế, khách hàng có thể bấm vào một biểu tượng bên cạnh sản phẩm, mở ra một trang được tạo bởi Provenance và truy cập về các tuyên bố của các sản phẩm đó. Ứng dụng công nghệ này được ví như một hình thức đảm bảo tính minh bạch trực tuyến.

5. THÀNH PHẦN TÁI TẠO

Làm thế nào để bạn đo lường tác động môi trường của một thành phần làm đẹp? Đây chính là câu hỏi mà ngành công nghiệp mỹ phẩm cần phải giải quyết, vì tất nhiên không phải tất cả các thành phần đều như nhau.

Tập đoàn L’Oréal đã cam kết tìm nguồn cung ứng cho 95% thành phần từ “nguyên liệu tái tạo, sản xuất tuần hoàn hoặc đất giàu khoáng sản” vào năm 2030.

“Mục đích là chỉ sử dụng nguyên liệu thô không có tác động tiêu cực đến môi trường” – theo Delphine Bouvier, Giám đốc dự án chuyển đổi nghiên cứu và đổi mới khoa học xanh tại L’Oréal. “Tóm lại, công ty sẽ không chỉ sử dụng thực vật mà còn sử dụng các “vật liệu sinh học”, tức là “có nguồn gốc từ các sinh vật sống”, chẳng hạn như các chủng vi sinh vật và sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác”.

Điều này đã được tiến hành nhưng cần được thúc đẩy nhanh hơn. Ví dụ, một số thương hiệu đang sử dụng cành hoa, hạt quả, cám quinoa hoặc cá để chiết xuất các hoạt chất hoặc collagen.

L’Oréal cũng cam kết không sử dụng nhiều đất hơn những diện tích hiện có. Danh sách “khoáng chất dồi dào” đang được tổng hợp:

“Đây là những khoáng chất có nhiều trong vỏ trái đất và có thể được sử dụng mà không gây nguy hiểm cho các nguồn dự trữ, chẳng hạn như đất sét, sắt và oxit kim loại, rất hữu ích trong trang điểm”, Delphine Bouvier giải thích.

Nói tóm lại, họ muốn hạn chế sử dụng dầu khoáng vì trữ lượng không thể tái tạo. Nếu một công ty sẵn sàng làm như vậy, đó là vì các lựa chọn thay thế đã tồn tại. Global Bioenergies đã thành công trong việc sản xuất isododecane mà không cần xăng. Điều này đã cho phép công ty tung ra Last, dòng sản phẩm trang điểm không thấm nước đầu tiên sử dụng tất cả các thành phần tự nhiên.

6. RÁC: TỪ PHẾ PHẨM ĐẾN THÀNH PHẦN ĐƯỢC MONG MUỐN

Tôn trọng giá trị từ thực vật hoặc vải vóc, tức là tận dụng mọi nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên là một khái niệm quen thuộc. Một số thương hiệu hiện đang đưa khái niệm này thành cốt lõi trong thông điệp của họ. Ví dụ, Shiseido đã giới thiệu dòng sản phẩm Waso có công thức tái chế từ nước ép táo. Các sản phẩm chăm sóc da Pulpe de Vie có hình ảnh bao bì vui nhộn được tạo ra từ trái cây và rau hữu cơ từ thực phẩm dư thừa và thương hiệu đặc biệt tự hào khi sử dụng bã táo sau khi chiết xuất.

Nước cân bằng Waso Fresh Jelly Lotion SHISEIDO
Nước cân bằng Waso Fresh Jelly Lotion SHISEIDO

Lướt theo làn sóng xanh, các công ty khởi nghiệp đã nâng cấp lý do tồn tại của họ, chẳng hạn công ty Kaffe Bueno ở Scandinavia đã biến chất thải cà phê (được thu gom trong các khách sạn) thành thành phần chăm sóc da. Thương hiệu Hà Lan Honest It’s cũng cung cấp sản phẩm tẩy da chết làm từ bã cà phê. Ở Phần Lan, Innomost tái chế vỏ cây bạch dương được thu thập từ ngành công nghiệp sản xuất gỗ để sản xuất các hoạt chất khác nhau ví dụ như azelaic axit, một chất chống mụn trứng cá.

Mặc dù những sáng kiến này chỉ là những nỗ lực nhỏ ban đầu, nhưng đó chính là những minh họa trực quan cho việc tái chế đang rất được mong đợi trong ngành mỹ phẩm. Thời đại chạy theo nguyên liệu hiếm nhất, kỳ lạ nhất, quý giá nhất đã qua. Người tiêu dùng giờ đây quan tâm đến giá trị của các thành phần thông thường nhưng bền vững với môi trường.

7. mỹ PHẨM HỮU CƠ CHO DA NHẠY CẢM

Phụ nữ có làn da nhạy cảm đều biết một số sản phẩm hữu cơ có thể gây phản ứng bất lợi do chứa tinh dầu. Mọi thứ giờ đây bắt đầu thay đổi. “Nữ hoàng hữu cơ xa xỉ ” Tata Harper cho ra mắt dòng sản phẩm dành cho da nhạy cảm, loại bỏ 75 chất gây dị ứng và kích ứng. Tata Harper nói:

“Tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm là một thách thức thực sự. Chúng tôi đã phát hiện ra một loại AHA có cấu trúc phân tử rộng, giúp hạn chế tác dụng phụ đối với các tế bào chết. Không có nguy cơ lạm dụng, vì vậy không có kích ứng”.

Dòng sản phẩm này được tạo ra nhờ sự hợp tác của Mayo Clinic, một bệnh viện đại học Hoa Kỳ và liên đoàn nghiên cứu, được chứng nhận Skin Safe – An toàn cho Da. Nói tóm lại, các sản phẩm hữu cơ cuối cùng cũng phù hợp với tất cả mọi người, đó là một tin tuyệt vời.

Nhóm thực hiện

Bài: Valentine Petry

Nhiếp ảnh: Dzung Yoko

Người mẫu: Lâm Thu Hằng

Lược dịch: Sophie Thanh Huyền

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)