Giải mã xu hướng làm đẹp “Gluten-Free”
Sau làn sóng mỹ phẩm không chứa paraben, không chứa chất bảo quản, không chứa dầu… từ khoá mới nhất hứa hẹn sẽ tạo nên một cơn sóng khác là “gluten free” – Không chứa gluten. Vậy Gluten là gì? Nó ảnh hưởng đến sức khoẻ và vẻ đẹp của bạn như thế nào? Và bạn có nên đi theo xu hướng “gluten-free” hay không?
Gluten là một loại protein có trong bột mì, lúa mạch, lúa mạch đen và luôn hiện diện trong bánh mì, các loại mì, pasta… Có thể hiểu nôm na rằng gluten là chất ở dạng hơi nhầy giúp tạo độ kết dính khi bạn trộn nước với các loại bột mì để tạo bột nhào (dough) để làm bánh. Nhờ gluten mà bột trở nên dẻo, mịn hơn, từ đó giúp chất lượng của bánh mì hay các loại pasta ngon hơn.
Khái niệm gluten-free khởi nguồn từ lý do sức khoẻ vì gluten là nguyên nhân gây nên bệnh celiac do đường ruột không dung nạp được chất này. Bệnh celia không thể chữa được, có thể dẫn đến tử vong. Cách duy nhất để phòng bệnh là tránh tất cả các thức ăn có chứa gluten, đồng nghĩa với việc không ăn bánh mì, không ăn các loại bánh tart, không ăn các loại spaghetti hay pasta… Tuy nhiên, số lượng người mắc bệnh celiac chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng dân số.
Trong khi đó, số người “nghĩ” rằng mình nhạy cảm với gluten lại nhiều hơn rất nhiều (chiếm gần 30% ở Mỹ) và đó là khởi điểm cho nhu cầu và xu hướng gluten-free. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở thức ăn mà đã lan sang thị trường mỹ phẩm với các loại xà phòng hay sản phẩm tạo kiểu tóc không chứa gluten.
Bác sĩ Peter Green, Giám đốc của Trung tâm bệnh Celiac của Bệnh viện New York-Presbyterian và Trung tâm Y khoa của Đại học Columbia cho biết: “Tình trạng mẫn cảm với gluten thường là do tự chuẩn đoán. Một số người cho rằng họ cảm thấy khoẻ hơn khi cơ thể không dung nạp gluten. Về mặt y khoa, chưa có một loại xét nghiệm nào có thể chứng minh cho tình trạng này”.
Vậy vai trò và ảnh hưởng của gluten trong mỹ phẩm và việc làm đẹp là như thế nào? Đầu tiên, bạn cần biết rằng số mỹ phẩm có chứa gluten là rất ít vì các loại lúa mì, lúa mạch không phải là một nguyên liệu phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp. Có thể một số sản phẩm tạo kiểu tóc có chứa gluten cho tác dụng làm dầy, cứng và làm phồng tóc.
Dĩ nhiên, bệnh nhân mắc bệnh celiac chắc chắn sẽ phải thận trọng vì gluten hít vào cơ thể thông qua đường mũi cũng dẫn đến nguy hiểm. Còn lại, tất cả chỉ là những chiến thuật marketing tận dụng việc người tiêu dùng luôn muốn lựa chọn sản phẩm có lợi cho sức khoẻ.
Có thể kết luận rằng, bạn chỉ thật sự cần quan tấm đến mỹ phẩm không chứa gluten nếu bạn có lý do chính đáng liên quan đến sức khoẻ. Ngoài ra, trong lĩnh vực làm đẹp, gluten không phải là “kẻ thù” mà bạn phải lo sợ hay tránh xa.
Bài: Liên Chi
Ảnh tư liệu