Không phải đến mùa Hè thì vấn đề lựa chọn kem chống nắng mới gây đau đầu. Tuy nhiên trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, việc xa văn phòng để về với làn nước trong xanh đúng là giấc mơ tuyệt vời. Hễ đi biển thì không thể không thoa kem chống nắng, trái lại phải thoa thật nhiều là đằng khác. Nhưng bạn có biết rằng một số thành phần trong kem chống nắng hóa học có thể tác động xấu đến làn da? Ví dụ có những lo ngại rằng oxybenzone có thể gây ra sự gián đoạn nội tiết tố và retinyl palmitate có thể đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ác tính. Không dừng tại đó, một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy kem chống nắng hóa học có thể gây hại tới sinh vật biển nói chung và nhất là rạn san hô nói riêng.
Kem chống nắng hóa học là gì?
Kem chống nắng hóa học chứa các hợp chất hữu cơ như oxybenzone, avobenzone, octinoxate, homosalate, octisalate, octocrylene… Các thành phần hoạt tính trong kem chống nắng hóa học có hiệu quả vì chúng hấp thụ các tia UV. Sau đó, thông qua một phản ứng hóa học làm thay đổi các tia tử ngoại thành nhiệt và sau đó giải phóng nhiệt ra khỏi da. Điều này có nghĩa là làn da của bạn được bảo vệ vì các tia UV không bao giờ thực sự chiếu vào cơ thể bạn.
Tuy nhiên, trước khi kem chống nắng hóa học phát huy khả năng chống tia cực tím, da chúng ta đã phải hấp thụ các chất hóa học của kem chống nắng. Điều này có thể gây kích ứng và khó chịu, đặc biệt đối với trẻ em có làn da nhạy cảm.
Một số thành phần hóa học trong kem chống nắng có thể ngấm vào máu
Theo một nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học trực thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào ngày 6/5/2019 vừa qua, một số thành phần hóa học trong kem chống nắng có thể ngấm vào máu sau 24 giờ sử dụng. Trong số hàng chục hóa chất mà FDA cho rằng các nhà sản xuất kem chống nắng hóa học cần nghiên cứu kỹ tính an toàn cho người dùng trước khi đưa vào sản xuất, có avobenzone, oxybenzone, ecamsule và octocrylene là 3 thành phần quen thuộc trong sản xuất kem chống nắng hóa học.
Tuy nhiên việc chứng minh một số thành phần của kem chống nắng có thể ngấm vào máu không có nghĩa rằng chúng gây hại cho sức khỏe hay bạn nên ngừng việc dùng kem chống nắng. Trái lại, kem chống nắng chính là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước tác hại của ánh mặt trời, giảm nguy cơ gây ung thư da. Ung thư da xếp ở vị trí thứ 19 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả nam giới và phụ nữ trên thế giới theo thông tin từ Quỹ nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế. Nghiên cứu trên chỉ nhằm mục đích khuyến cáo các nhà sản xuất kem chống nắng cần cẩn trọng hơn và nên thực hiện các thử nghiệm nghiên cứu việc cơ thể chúng ta hấp thụ những hóa chất đó thì có hại hay không.
Từ những con số thực tế
Các số liệu thống kê cho biết: 14.000 tấn kem chống nắng được cho là bị “hòa” vào các đại dương mỗi năm; 82.000 hóa chất từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể gây nhiễm độc biển; khoảng 80% san hô ở Caribbe đã bị mất trong 50 năm qua do ô nhiễm, phát triển ven biển và do nước biển ấm lên.
Theo “The Archives of Environmental Contamination and Toxicology”, oxybenzone có làm chết san hô, gây ra hiện tượng tẩy trắng, làm hỏng DNA và làm gián đoạn khả năng sinh sản của san hô. Trong khi đó, butylparaben, octinoxate (ethylhexyl methoxycinnamate) và l4-methylbenzylidene camphor (4MBC) đã được chứng minh là gây ra tẩy trắng san hô. 6.000 – 14.000 tấn kem dưỡng da chống nắng đã chấm dứt sự sống của các rạn san hô mỗi năm do các hoạt động bơi lội và xả thải của con người.
Giải pháp được đưa ra
Từ phía chính phủ
May mắn thay, chúng ta hiện có những giải pháp tích cực cho tình hình trên. Một số điểm đến, chẳng hạn như Hawaii và Palau, đã đưa ra lệnh cấm đối với các loại kem chống nắng có hại; những lệnh cấm này sẽ có hiệu lực trong những năm tới.
Hawaii là nơi đầu tiên thông qua dự luật cấm các loại kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate (sẽ có hiệu lực vào năm 2021) trong nỗ lực ngăn chặn việc tẩy trắng san hô trên diện rộng, với những nơi bao gồm quần đảo Palau và Key West.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2018, quốc đảo nhỏ Palau tuyên bố họ cũng sẽ cấm bán hoặc sử dụng kem chống nắng có chứa hóa chất gây hại cho các rạn san hô. Palau là một quần đảo nguyên sơ, được biết đến là nơi có một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất trên hành tinh.
Từ phía người tiêu dùng
Bạn nên sử dụng kem chống nắng an toàn cho rạn san hô, loại không chứa oxybenzone. Chọn các loại kem chống nắng có chứa thành phần oxit kẽm hoặc titan dioxide bởi không chứa các hạt có kích thước nano khiến san hô nuốt phải và được FDA công nhận là an toàn khi hấp thụ qua da.
Phòng thí nghiệm môi trường Haereticus mỗi năm đều công bố danh sách kem chống nắng nào an toàn cho môi trường và Nhóm công tác môi trường (Environmental Working Group) đánh giá các sản phẩm chống nắng với SPF – bao gồm 650 kem chống nắng và 250 loại kem dưỡng ẩm về các tác động của nó với môi trường.
Ngoài ra, hãy cẩn thận khi sử dụng sản phẩm chống nắng dạng xịt. Bình xịt làm cho phần lớn kem chống nắng của chúng ta bị phát tán vào không khí và rơi xuống cát, từ đó nó có thể dễ dàng rửa trôi vào đại dương.
Những loại kem chống nắng không gây hại môi trường
Tin vui là các thương hiệu mỹ phẩm cũng đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dòng sản phẩm chống nắng thân thiện với môi trường. Đây là cách chúng ta có thể bảo vệ cả da và rạn san hô. Biodegradable sunscreens – kem chống nắng phân hủy sinh học là sản phẩm giúp bạn bảo vệ làn da trước tia UV mà vẫn không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển. Cụ thể, biodegradable sunscreens sử dụng các thành phần không độc hại để ngăn chặn tia UV.
Một số sản phẩm Biodegradable sunscreens bạn có thể tham khảo hiện nay trên thị trường gồm:
Caudalie – Beautifying Suncare Oil SPF30
Loại dầu chống nắng từ thương hiệu mỹ phẩm Caudalie nằm trong danh sách những sản phẩm chống nắng thân thiện môi trường. Với chỉ số SPF 30 và một lượng chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ nho, sản phẩm hứa hẹn mang đến công dụng chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm sáng da. Beautifying Suncare Oil SPF30 – giàu dưỡng chất, thẩm thấu vào da rất nhanh mà không gây nhờn rít như đặc tính của mọi loại dầu khô khác. Làn da của bạn sẽ được bao phủ bởi những nốt hương của hoa frangipani.
Green People – Scent Free Sun Lotion SPF30
Kem chống nắng Green People chứa hơn 80% thành phần hữu cơ đã được chứng nhận, bao gồm cả lô hội làm dịu, edelweiss và trà xanh. Công thức thoáng khí đủ dịu nhẹ để sử dụng cho trẻ em và đặc biệt tuyệt vời cho bất kỳ ai dễ bị rôm sảy (vì không gây bít tắc lỗ chân lông). Hơn nữa, bộ sưu tập mới nhất được đóng gói trong tuýp/chai làm từ mía, hoàn toàn có thể tái chế và bền vững với môi trường. Đây là loại kem chống nắng cam kết không gây hại đến rạn san hô.
Hãng Green People ủng hộ Hiệp hội bảo tồn biển, tổ chức từ thiện của Anh bảo vệ biển, bờ biển và động vật hoang dã. 30% doanh thu sẽ được tặng cho Hội Bảo tồn Biển từ mỗi lần bán sản phẩm này.
SVF – Sun Secure Dry Oil SPF 50
SVF Sun Secure Dry Oil SPF 50 kết hợp khả năng chống nắng cao, bảo vệ các thành viên trong gia đình bạn từ đầu đến chân. Là dầu khô, Sun Secure Dry Oil dùng được cho mặt, cơ thể và thậm chí là tóc. Kết cấu chống dầu, chống khô độc đáo giúp nuôi dưỡng làn da mà không để lại một lớp màng nhờn. Sản phẩm dễ dàng thẩm thấu vào da, cho làn da sáng và đều màu.
Thành phần không comedogenic, không photosensitizing, không paraben, không alcohol và không Octocrylene. Dùng cho trẻ em trên 3 tuổi và người lớn.
Soleil Toujours – Organic Sheer Sunscreen Mist SPF 50
Kem chống nắng dạng phun truyền thống thường là nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm môi trường ven biển, vì ứng dụng phun sương để lại rất nhiều chất trên cát, từ đó bị cuốn vào đại dương. Tuy nhiên, chai chống nắng dạng xịt Organic Sheer Sunscreen Mist SPF 50 Soleil Toujours sử dụng các bộ lọc phân hủy sinh học để mang lại khả năng bảo vệ làn da trước tia UV cao mà không gây bất kỳ tác động xấu với môi trường. Nha đam giúp làm dịu da, trong khi chiết xuất trà xanh hữu cơ giúp tăng cường làn da với sức mạnh chống oxy hóa.
Nhóm thực hiện
Bài: Sophie Thanh Huyền Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: nationalgeographic, harpersbazaar Ảnh: Tổng hợp