Làm đẹp / Xu hướng & Cảm hứng

Cách gọi tên mùi hương

Thật khó để trở thành một chuyên gia về nước hoa nếu khả năng cảm nhận mùi của bạn quá tệ hại. Nhưng với một ít kiến thức và lòng quyết tâm cải thiện năng lực của chiếc mũi, bạn vẫn có thể trở thành người sành mùi hương.

-000

Từ nhỏ, tôi đã được xếp vào hàng thính mũi nhất nhà. Tôi có thể biết được hôm nay nhà mình ăn món gì dù không xuống bếp. Tôi thích dạo vòng quanh phố vào buổi sáng chỉ để đi ngang qua cánh cửa tỏa ra mùi thơm phức của cửa hàng bánh mì; tôi ước mình có thể đóng chai và tắm trong mùi hương của tấm drap giường mới sấy khô. Mỗi lần ngửi thấy mùi lá khô là tôi nhớ đến mùa thu Hà Nội, bởi tôi hay dạo bộ trên những con đường quanh hồ Hoàn Kiếm vào sáng sớm.

Tôi thích sử dụng cái mũi của mình, chẳng hạn khi gặp một người lạ, tôi hay dự đoán tính cách của họ qua mùi hương. Tôi luôn đánh dấu các địa điểm bằng mùi: nhà là mùi cà phê (gần nhà tôi có tiệm rang xay cà phê), trường học của con là mùi kem sữa vì đối diện là cửa hàng bánh kem to đùng. Khi ngửi mùi nhang phảng phất, tôi bảo đó là mùi của Tết.

Với tôi, mỗi hương thơm gắn với một xúc cảm đặc biệt, không có quy tắc cũng chẳng có luật lệ, tôi cảm nhận theo cách của mình. Thời gian đầu dùng nước hoa, tôi cũng gặp khó khăn trong phân biệt mùi hương nhưng bây giờ tôi đã có thể biết một người đang dùng nước hoa của nhãn hiệu nào, đoán biết được vài thành phần trong đó và thậm chí tính cách của người sử dụng. Tôi có hẳn một bộ sưu tập hoành tráng, chiến lợi phẩm từ các chuyến đi, với tôi đó thật sự là báu vật.

Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng khi mới được sinh ra, với khả năng ngửi mùi, tất nhiên, chúng ta không biết được những gì mình ngửi. Thay vào đó, não sẽ ghi nhớ mỗi phân tử mùi chúng ta tiếp xúc và ngày càng tổng hợp nhiều hơn theo thời gian. Giống như một đứa trẻ đang đói có sự cảm nhận liên tưởng hương vani trong sữa với sự xoa dịu cơn đói, khi chúng ta tiếp xúc một mùi hương nào đó lần thứ hai, chúng ta thường nhớ đến ấn tượng ban đầu.

Thậm chí nếu bạn không thể xác định được thì có lẽ chúng vẫn đang ẩn náu đâu đó trong một góc nhỏ của não bộ. Điều này có thể giải thích tại sao rất khó diễn tả các mùi hương: vì mỗi mùi hương gắn kết với một kỷ niệm, mỗi người có một cách cảm nhận và diễn tả nó khác nhau.

Ở Paris có hẳn một trường dạy về mùi hương, trường Cinquieme Sens, nơi mà các khóa học về nước hoa của họ đã giúp hoàn thiện những chiếc mũi tài tình cho ngành công nghiệp nước hoa, trong số đó có các hãng như Dior, Chanel và Cartier. Hiện nay, trường đã có văn phòng tại Manhattan, Mỹ và cung cấp các khóa học thường xuyên cho những người đam mê nước hoa nghiệp dư.

Cinquieme Sens dạy học trò phân tích các mùi hương bằng cách dùng từ vựng của các giác quan khác. Nếu mùi hương có màu sắc, thì nó sẽ là màu gì? Hình dạng nó ra sao? Nó phát ra âm thanh gì? Những hình ảnh trong đầu đó sẽ nhắc nhớ bạn đang ngửi mùi hương gì.

Năm ngoái, tôi đã rất thích thú khi đọc bài viết của Maggie Bullock viết trên tạp chí Elle Mỹ kể về ngày đầu tiên đến trường Cinquieme Sens: “Người giáo viên mở nắp chiếc lọ thủy tinh nhỏ bí ẩn đánh số 25, nhúng bốn mẩu giấy nhỏ vào đó rồi chuyền cho mọi người trong phòng. Bạn học của tôi cầm lấy mẩu giấy và đưa lên mũi, hít một cách nhiệt tình, mắt nhắm, sau đó viết vội những ghi chú vào tập. Lần lượt từng người cho nhận xét của mình.

“Mùi tùng lam” một người nói. “Nhẹ dịu với con nít đúng không?” người khác lại nói. “Nghe như mùi da!” người thứ ba xen vô. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi cúi nhẹ xuống để ngửi cho kỹ thêm. Cô ấy nhíu mày. Cánh mũi phập phồng. Hơi thở gấp và mạnh, rồi cô nàng ngẩng đầu lên, hoan hỉ. “Mùi dịu ngọt, giống như một loại quả của Nhật Bản” – cô nói – “Quả hạnh!”

Giáo viên nhìn tôi mỉm cười chờ đợi. “Cô thì sao?”

Than ôi! Trong cuốn vở của tôi, tôi chỉ viết vỏn vẹn ba chữ: “Không ngửi được.”

Tôi hoàn toàn có thể chắc chắn rằng tất cả mọi chiếc mũi đều không được tạo ra như nhau. Ví dụ, chiếc mũi của nhà tư vấn nước hoa Ann Gottlieb quả là vô giá. Gottlieb giữ vai trò như một người phiên dịch đứng giữa những người thực sự pha chế ra nước hoa và người kinh doanh chúng. Khi Marc Jacobs hay Calvin Klein hay Carolina Herrera muốn tung ra loại nước hoa mới, họ đều thuê Gottlieb, người có khả năng kỳ lạ trong việc ngửi và thẩm định các sản phẩm. Bà sẽ phân tích và làm rõ loại nào hội đủ các điều kiện để đem ra bày bán tại các trung tâm thương mại.

Nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác không thể đạt được trình độ đó. “Mũi cũng giống như cơ bắp” Gottlieb khẳng định. “Bạn nâng tạ càng nhiều, bạn càng săn chắc. Chiếc mũi cũng vậy – cho dù đó là mũi của bạn hay của ai”.

Như vậy chẳng phải cách bà nói cũng giống như Michael Phelps đã từng bảo việc giành huy chương vàng Olympic không có gì khác với quá trình luyện tập cùng đồng đội hàng ngày! Tôi thì nghĩ rằng tài năng của Gottlieb giống như một vận động viên ưu tú, được mài giũa cật lực và chí ít cũng có một phần là do gene bẩm sinh.

Xem thêm Nước hoa – Designer hay Niche?

Xem thêm Mùi hương không tuổi

Xem thêm Mùi hương qua các vùng đất

Và các bài viết khác về nghệ thuật nước hoa

Nhóm thực hiện

Thái Huy ghi theo lời kể của Vũ Quỳnh Nga - Chuyên viên nước hoa
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)