Vì sao các ông lớn trong ngành công nghiệp thời trang quyết định nhảy vào địa hạt làm đẹp?
Việc các thương hiệu thời trang cao cấp của thế giới cho ra những dòng sản phẩm riêng trong lãnh địa chăm sóc da và mỹ phẩm (gọi tắt là ngành công nghiệp làm đẹp) không còn là chuyện xa lạ.
Dior và Chanel là hai nhà mốt lẫy lừng đã đặt dấu chân của mình trong lĩnh vực này và tạo được vị thế nhất định trong lòng các tín đồ làm đẹp. Tháng 2 năm nay, François Henri Pinault, giám đốc điều hành của tập đoàn thời trang Kering, đã tuyên bố Gucci – viên ngọc quý của tập đoàn – cũng đang chuẩn bị bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên. Cũng trong vài ngày trước, thông tin thương hiệu thời trang nổi tiếng Hermès của Pháp dự kiến sẽ tiếp cận 2 khía cạnh mới trong ngành mỹ phẩm là sản phẩm dưỡng da và trang điểm khiến người tiêu dùng thích thú.
Mạo hiểm hay cơ hội?
Nhìn từ bên ngoài, không ngạc nhiên khi các thương hiệu thời trang đang hướng đến lĩnh vực làm đẹp ngày càng sinh lợi này. Các nhà thời trang đang đầu tư mạnh vào các dòng sản phẩm làm đẹp vì họ thừa nhận sự thật rằng thương hiệu của mình có thể được tiếp cận nhiều hơn trên một thị trường rộng lớn mà đơn cử là thông qua mỹ phẩm cao cấp.
“Rõ ràng chúng tôi hy vọng sẽ có được phạm vi lớn nhất có thể. Chúng tôi đang cố gắng làm điều đó một cách khiêm tốn và thận trọng, đó là một thị trường rộng lớn đã đầy đủ những những tay chơi mạnh, do đó chúng tôi phải tìm cho được vị thế của mình trong đó”, Axel Dumas – Chief Excutive của thương hiệu Hermes đã phát biểu.
Hermès dự tính sẽ phát triển sản phẩm nội bộ nhưng sản xuất bởi một nhà cung cấp thứ ba – chủ yếu ở Pháp hoặc Ý. Thực tế, Hermès không phải là cái tên hoàn toàn mới trong ngành công nghiệp làm đẹp. Giống như Gucci, Hermès đã tạo sự cạnh tranh với các thương hiệu làm đẹp khác trong phân khúc nước hoa. Dòng sản phẩm nước hoa bao gồm Twilly d’Hermès, Terre d’Hermès và Un Jardin Sur La Lagune của Hermès mới phát hành đã bán được 355 triệu đô la vào năm 2018. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, sản phẩm làm đẹp duy nhất của Hermès mới chỉ có Eau de pamplemousse rose Moisturising face and body balm – kem dưỡng dùng dùng được cho cả môi và cơ thể.
Không nhiều thông tin về những sản phẩm cụ thể sẽ ra mắt, mặc dù vậy ta có thể tưởng tượng rằng Hermès sẽ tiếp bước theo con đường dưỡng da và mỹ phẩm của các nhà mốt uy tín khác như Chanel hay Dior trong những dòng sản phẩm làm đẹp cơ bản: sửa rửa mặt, tẩy trang, dưỡng ẩm,…
Thách thức nào được đặt ra?
Không chỉ những thương hiệu thời trang cao cấp nhìn thấy tiềm năng đang lên trong ngành công nghiệp làm đẹp. Những nhà bán lẻ thời trang như Boohoo, H&M, Primark, New Look, Topshop cũng tung dòng sản phẩm làm đẹp rất riêng của họ.
Rõ ràng, một thị trường càng có nhiều “kẻ khổng lồ” tham gia, càng khó để tạo mối liên kết dài lâu với khách hàng. Tuy nhiên có một số ví dụ chứng minh ngành công nghiệp làm đẹp chính là thị trường màu mỡ trong khi doanh số thời trang đang đình trệ trong những năm gần đây.
Lấy Topshop làm ví dụ, lần đầu tiên ra mắt sản phẩm làm đẹp vào năm 2009. Bây giờ các cửa hàng của Topshop đã có một khu vực riêng cho những sản phẩm makeup của hãng. Sự sắp xếp riêng biệt này nói lên tầm ảnh hưởng của các BST mỹ phẩm với khách hàng thân thuộc của hãng: đó là những sản phẩm chất lượng tạo được vị trí nhất định trong lòng người mua chứ không phải chỉ là thứ họ ghé xem trong những phút shopping cuối cùng.
Tầm nhìn dài lâu
Bên cạnh việc cung cấp những dòng hàng hoá mới ngoài thời trang, sản xuất sản phẩm làm đẹp còn là cách để các ông lớn thời trang giữ chân khách hàng. Đơn cử như chuỗi thời trang Primark, thành công nhờ chiến lược kinh doanh mang giá trị độc đáo: cung cấp từ quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp. Khi người tiêu dùng bước vào một cửa hàng phức hợp tiện ích như thế, liệu họ có còn muốn tìm kiếm sản phẩm từ một nơi khác hay không?
Tất nhiên khả năng mua sắm còn phụ thuộc vào cả ngân sách và lựa chọn cá nhân, nhưng phần lớn chúng ta chỉ có thói quen mua quần áo vào đầu mỗi mùa hoặc khi BST của nhãn hàng mình yêu thích ra mắt thì mỹ phẩm hay các sản phẩm chăm sóc da luôn trong danh sách nhu cầu tối thiểu. Tức là người tiêu dùng luôn phải mua sản phẩm làm đẹp khi chúng đã hết. Thậm chí ngay cả khi còn rất nhiều trên bàn trang điểm, phụ nữ cũng có xu hướng thêm thật nhiều món mới vào giỏ hàng online chỉ vì thấy lạ, thấy đẹp, hay thậm chí chỉ vì muốn đạt được mức giao hàng miễn phí. Ngoài ra, mỹ phẩm cũng là món đồ dễ tặng, dễ mua trong những dịp cần thiết.
Tận dụng sự nổi tiếng của các ngôi sao đại sứ
Một số thương hiệu thời trang đã hợp tác thành công với những người có tầm ảnh hưởng (mà chúng ta có thể gọi là các đại sứ thương hiệu) trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng. Không cần tốn quá nhiều công sức, các thương hiệu lớn cũng có được đối tượng khách hàng phù hợp tiêu chí họ nhắm đến.
Theo nghĩa này, những người ngôi sao, người mẫu hay nhân vật truyền cảm hứng giúp cho các nhãn hàng tiếp cận người tiêu dùng theo cách hoàn toàn mới. Theo nghiên cứu, 92% người tiêu dùng được cho là tin tưởng một người có ảnh hưởng khi họ làm quảng cáo cho một thương hiệu nào đó. Tất nhiên, các thương hiệu thời trang không chỉ dựa vào nội dung này để tiếp cận các tín đồ làm đẹp. Chất lượng, giá thành sản phẩm và cả phong cách sống của các đại sứ thương hiệu cũng là yếu tố giúp các thương hiệu thời trang hình thành chỗ đứng vững chắc trong thế giới làm đẹp.
—
Xem thêm:
Phụ nữ ăn gì mỗi ngày để da luôn mịn màng, căng mướt?
Bất ngờ chia sẻ bí quyết dưỡng da, Michelle Phan chuẩn bị quay trở lại?
Bài: Sophie Thanh Huyền
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: econsultancy, businessoffashion
Ảnh: Tổng hợp