Những cam kết tỷ đô
Nhắc đến đỉnh cao để phát triển bền vững ở khu vực châu Á không thể không nhắc đến cây đại thụ: Shiseido. Ngay từ trước khi phát triển bền vững trở thành một phần không thể thiếu, Shiseido đã có hẳn quá trình lịch sử và cam kết lâu dài hỗ trợ tiến bộ trong môi trường, xã hội và quản trị.
Vào năm 2019, Shiseido đã làm rung động cả thế giới khi tài trợ “khu rừng” Forest Valley tuyệt mỹ với tổng diện tích lên đến 22.000m2 ở trung tâm của The Jewel tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Giữ vững sứ mệnh “Phát triển làm đẹp vì một thế giới tốt đẹp hơn”, Shiseido lại một lần nữa làm choáng ngợp ngành công nghiệp làm đẹp khi phát hành 20 tỷ Yên (hơn 3.500 tỷ VNĐ) trái phiếu bền vững (Sustainability-Linked Bonds hay SLB) với thời hạn 5 năm. Trái phiếu này sẽ được đo lường dựa trên các mục tiêu hiệu suất bền vững (SPT) của tập đoàn. Các mục tiêu này bao gồm chỉ tiêu trung lập carbon và tỷ lệ 40% lãnh đạo nữ ở Nhật Bản vào năm 2026. Nếu Shiseido không đạt được cả hai SPT, số tiền tương đương với 0,1% số tiền phát hành sẽ được quyên góp cho các hiệp hội, các quỹ vì lợi ích cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên, môi trường.
Là thương hiệu cao cấp nhất trực thuộc tập đoàn mỹ phẩm Shiseido, Clé de Peau Beauté cũng luôn đi đầu trong hành trình phát triển xanh. Bên cạnh thiết kế thân thiện với môi trường, khoảng 80% sản phẩm của Clé de Peau Beauté có thể “refill”. Bên cạnh đó, với nỗ lực giảm thiểu phá rừng, bao bì sản phẩm của hãng được làm từ giấy bã mía – một loại giấy được tạo thành từ sản phẩm phụ tự nhiên của quá trình sản xuất đường mía. Quan trọng nhất, Clé de Peau Beauté đặc biệt quan trọng việc tuyển chọn nguyên liệu. Hầu hết nguyên liệu được sử dụng đều có thể được truy xuất nguồn gốc để bảo đảm tính an toàn cho người sử dụng, giữ vững nguồn cung ứng tuân thủ yêu cầu toàn cầu về tác động môi trường.
Không phải ông lớn nào trong ngành làm đẹp cũng sẵn sàng cho ra mắt trái phiếu liên kết bền vững. Tại thị trường làm đẹp mỹ phẩm châu Âu, L’Oréal Cũng là một thương hiệu mạnh tay trong việc phát hành SLB. Năm ngoái L’Oréal thành công vượt bậc khi chào bán trái phiếu công khai đầu tiên với giá trị 3 tỷ Euro được chia làm 3 đợt. Trong đó bao gồm một đợt trái phiếu SLB có giá trị 1,25 tỷ Euro (khoảng 32.000 tỷ VNĐ) trong 4,25 năm với 3 mục tiêu chính bao gồm: Đạt mức 0 tuyệt đối khí thải nhà kính, giảm 14% lượng khí nhà kính trên mỗi sản phẩm bán ra và 50% nhựa bao bì từ nguồn gốc tái chế hoặc vật liệu sinh học vào năm 2025.
Với đội ngũ chuyên gia khoa học hàng đầu, L’Oréal sẽ cho ra mắt công cụ đo lường SPOT trong bước tiến về phát triển xanh. Công cụ này được L’Oréal nghiên cứu và phát triển độc quyền để đánh giá được tác động môi trường và xã hội của một sản phẩm qua suốt các giai đoạn từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và đồng thời giúp thương hiệu có thể đạt được mục tiêu 100% các sản phẩm được thiết kế thân thiện với môi trường vào năm 2030.
Xanh hóa từng bước đi
Đôi khi phát triển bền vững đơn giản là mang đến những tác động tích cực và lâu dài cho ngôi nhà chung của nhân loại. Những giá trị này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và tái cân bằng khí hậu của Trái đất. Chúng ta đều đã biết rằng biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề lớn nhất và hầu hết các thương hiệu đều nên có trách nhiệm làm chậm quá trình này từ các hoạt động sản xuất cho đến kinh doanh.
Thương hiệu xa xỉ lâu đời Chanel đã mang đến Nhiệm vụ 1,5° – đặt ra mục tiêu xanh cho thập kỷ này theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Đây là cam kết chuyển hóa đường lối kinh doanh để hướng đến mục tiêu hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 1,5°C trên mức tiền công nghiệp. Dựa trên cơ sở khoa học, Chanel đã đưa ra lời hứa sẽ giảm thiểu 50% lượng khí thải carbon đến năm 2030, cũng như chuyển sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Bên cạnh việc giảm thiểu khí nhà kính cũng như chuyển sang năng lượng xanh, Chanel cũng liên kết với các cơ quan và tổ chức nghiên cứu thế giới để thúc đẩy các nghiên cứu về phát triển bền vững, trong đó có: Viện Lãnh đạo Bền vững của Đại học Cambridge (CISL), Trung tâm Khoa học Monaco và RE100. Hiện nay, Chanel hợp tác với École Normale Supérieure (ENS) để tài trợ cho nghiên cứu giúp hiểu rõ về mối liên hệ giữa chu trình carbon và biến đổi khí hậu ở đại dương. ENS là một trường đại học danh giá tại Paris và cũng là một thành viên của Đại học nghiên cứu Paris Sciences et Lettres (PSL). Bên cạnh đó, Chanel cũng hợp tác với ENS trong một nghiên cứu ở Madagascar về đo lượng khả năng thu hồi và lưu trữ carbon tự nhiên trong các rừng ngập mặn.
Giá trị “xanh” của Chanel còn được đặt trong chính những sản phẩm, cụ thể trong dòng sản phẩm N°1 de Chanel. Đây là dòng sản phẩm đầu tiên của Chanel được tạo nên lấy trọng tâm là bảo vệ môi trường trên từng dòng đời của sản phẩm. N°1 de Chanel chứa 97% thành phần có nguồn gốc tự nhiên, trong đó 76% là dẫn xuất từ hoa trà mà một phần trong đó được trồng tại trung tâm thí nghiệm ngoài trời tại Gaujacq, Tây Nam nước Pháp với các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt. Bên cạnh việc giảm thiểu 30% khối lượng thủy tinh sử dụng cho bao bì, kem dưỡng Crème Revitalisante còn có thể “refill” để giảm thiểu thêm 50% lượng khí thải carbon của sản phẩm. Chanel còn đẩy việc “xanh hóa” N°1 de Chanel lên một tầm cao hơn khi sử dụng hơn 90% nguồn nhựa tái chế cho các vật dụng phục vụ hoạt động bán hàng trực quan của N°1 de Chanel.
Dior cũng một công ty không chỉ xanh hóa dần quy trình sản xuất thời trang mà còn trong cả việc phát triển dòng mỹ phẩm. Nếu như hoa trà là trái tim của Chanel thì hoa hồng chính là giá trị cốt lõi của Dior. Nỗ lực phát triển bền vững của Dior không thể thiếu bóng dáng của những khu vườn hồng rực rỡ tại Pháp. Không chỉ khôi phục và trồng lại La Petite Provence, một khu vực trồng hoa ở Jardin des Tuileries vào năm 2022, Dior cũng tài trợ dể trồng lại 600 bụi hoa hồng ở Queen’s Grove trong cung điện Versailles vào năm 2021. Bên cạnh đó, Dior cũng hướng đến giảm thiểu khí thải bằng việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ năm nay. Trong quá trình giảm thiểu rác thải và khí thải carbon, Dior ngày càng cho ra mắt nhiều sản phẩm refill, từ son môi Rouge Dior đến dòng sản phẩm chăm sóc da Dior Prestige hay loạt mùi hương trứ danh Dior Sauvage, và cả dòng nước hoa cao cấp La Collection Privée.
BÀI LIÊN QUAN
Từ những cây xanh
Có những nỗ lực xanh vô cùng thầm lặng, nhưng lại mang đến sức ảnh hưởng vô cùng lớn lao. Một trong những nỗ lực phải kể đến hãng dược mỹ phẩm Caudalie đến từ nước Pháp.
Từ năm 2012, Caudalie đã là thành viên của Hiệp hội 1% cho Trái đất và vẫn duy trì ủng hộ 1% doanh thu cho các tổ chức bảo vệ môi trường. Tính đến nay Caudalie đã trồng được hơn 10 triệu cây xanh tại 8 nước trên thế giới. Trong đó hơn 2 triệu cây xanh được trồng tại rừng Amazon ở khu vực San Martin, Peru – nơi đã mất 40% rừng nguyên sinh. Bên cạnh nỗ lực trồng rừng, Caudalie cũng hỗ trợ trồng lại san hô với 3.000 cây san hô được trồng lại ở Hatamin, Indonesia và ủng hộ Tổ chức Reef World, giúp giảm thiểu các mối đe dọa và thiệt hại đến các rạn san hô do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, Caudalie cho ra mắt dự án Thu gom nhựa 100%. Với dự án này, Caudalie sẽ thu gom 100% số rác thải tương đương với lượng nhựa sử dụng của thương hiệu. Dự án này được thực hiện tại nhiều địa phương và Caudalie sẽ hỗ trợ máy móc để tái chế số nhựa này. Chỉ riêng năm 2021, Caudalie đã thu gom 530 tấn nhựa từ các vùng biển ở Thái Lan. Caudalie đã chứng minh họ là một người hùng thầm lặng trong việc bảo vệ môi trường.
BÀI LIÊN QUAN
Làm đẹp xanh – Trở về với nguyên bản
những nỗ lực “made in Việt Nam”
Ngành công nghiệp mỹ phẩm của nước ta vẫn còn rất non trẻ khi đặt cạnh những tên tuổi hàng trăm năm trên thế giới. Tuy nhiên, là một đất nước có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, môi trường, thiên nhiên cũng như phát triển bền vững cũng đang là điều mà rất nhiều thương hiệu nước nhà hướng đến.
Nổi bật nhất và đáng tuyên dương nhất trong những năm qua là sự xuất hiện của các thương hiệu làm đẹp xanh nội địa, đơn cử như Lam Mộc hay Cocoon. Là một thương hiệu chăm sóc tóc sử dụng nguyên liệu thuần tự nhiên chiết xuất từ thực vật bản địa như bồ kết, hà thủ ô, bồ hòn, dầu argan, dầu jojoba, tinh dầu bưởi, hương thảo… sản phẩm của Lam Mộc không chứa các chất làm sánh, làm đặc, các hóa chất độc hại khác. Chẳng những an toàn, lành tính với da đầu, lưu giữ truyền thống chăm sóc tóc bằng thảo dược từ ngàn xưa của ông cha, mà sản phẩm dầu gội từ Lam Mộc còn được yêu thích nhờ chính sách khuyến khích refill sản phẩm để giảm lượng chai nhựa thải ra môi trường. Hình thức refill không mới, nhưng để xây dựng hệ thống bài bản và duy trì được lâu dài như Lam Mộc lại là một nỗ lực đáng lưu tâm và khen ngợi, chứng tỏ định hướng và tầm nhìn của thương hiệu trên con đường “làm đẹp xanh”.
Song song với Lam Mộc, các tín đồ làm đẹp xanh tại Việt Nam cũng đặc biệt yêu thích Cocoon. Cũng là một thương hiệu làm đẹp “Made in Vietnam” với tuổi đời rất trẻ, Cocoon mang “hồn” dân tộc trong thành phần thiên nhiên được tuyển chọn từ khắp nơi trên dải đất chữ S, đồng thời thổi vào đó những cảm quan hiện đại vô cùng thú vị và hướng đến phát triển bền vững qua thiết kế bao bì thân thiện môi trường, không sử dụng các vi hạt nhựa. Cocoon còn đồng hành cùng các chương trình hướng đến môi trường như “Chung tay bảo vệ loài gấu”, “Chung tay chấm dứt cưỡi voi cùng Tổ chức Động vật châu Á”. Cocoon là thương hiệu Việt Nam đầu tiên được chứng nhận “không thử nghiệm trên động vật và thuần chay” bởi tổ chức PETA và Hiệp hội thuần chay thế giới. Cuối năm 2020, Cocoon vinh dự nhận được bằng chứng nhận của Leaping Bunny – một trong những chương trình đảm bảo quá trình sản xuất không thử nghiệm trên động vật nổi tiếng nhất thế giới. Những nỗ lực trên của Cocoon không chỉ được thế hệ người tiêu dùng trẻ nhiệt liệt ủng hộ, mà còn được ghi nhận bằng những giải thưởng uy tín như ELLE Beauty Awards của Tạp chí ELLE trong hai năm liên tiếp.
Chưa dừng tại đó, sự sáng tạo và tinh thần vì cộng đồng của những thương hiệu Việt còn thể hiện ở nhiều phương diện khác, đơn cử như “Quỹ trị mụn” được thương hiệu Emmie khởi xướng vào năm 2021. Chương trình này sẽ tài trợ 100% giá trị sản phẩm đến từ Emmié by HappySkin và liệu trình chăm sóc da tại HappySkin Medical Spa; xây dựng phác đồ chăm sóc da khoa học, thiết kế riêng bởi ban cố vấn chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc da bài bản và các bí quyết làm đẹp. Đây là một chương trình ý nghĩa và thiết thực cho những bạn trẻ đang gặp vấn đề về mụn, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của thương hiệu đến sức khỏe làn da của cộng đồng làm đẹp trong nước.
Kỷ nguyên xanh cho những thương hiệu làm đẹp quốc tế và Việt Nam với nhiều chiến dịch đầu tư nghiêm túc đã trải qua một quãng đường dài. Tương lai sắp đến sẽ thế nào còn tùy thuộc phần lớn vào thái độ và sự chung tay của người tiêu dùng. Hãy lý trí và quyết liệt để tạo nên một bản hòa tấu của làm đẹp cân bằng: đẹp cho mình – cho môi trường – cho thế hệ sau.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Thảo
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE