Làm đẹp / Xu hướng & Cảm hứng

Cùng ELLE khám phá những món đồ làm đẹp vượt thời gian

Từ tờ son giấy đến hộp phấn cầu kỳ hay chiếc bánh mascara, mỗi món đồ làm đẹp dưới sự nhào nặn của thời gian và sáng tạo của con người đã dần thay đổi để ngày càng hoàn thiện hơn. Hãy cùng ELLE lội ngược dòng thời gian để chiêm ngưỡng các bước ngoặt lịch sử tạo nên những sản phẩm làm đẹp mà ngày nay ta đang yêu.

Phấn má

Vào những năm 20, phấn má (blush) được gọi bằng cái tên rất lãng mạn: “rouge”. Những hộp phấn má rouge xuất hiện đa dạng từ phấn tới kem, được đặt trong hộp thiếc tròn nhỏ nhắn. Khi đó, phấn má vừa có thể được dùng cùng puffer như phấn mặt hay có thể được thoa lên mặt trực tiếp bằng tay.

Sự thay đổi lớn nhất về phấn má ở đầu thế kỷ 20 chủ yếu dựa vào màu sắc và cách trang điểm. Những cô gái của năm 20 rực rỡ sẽ chọn sắc hồng hay hồng đỏ tươi sáng và đánh phấn má thành hình tròn để trông trẻ trung, ngây thơ và tươi sáng. Đến thập niên 30, phong trào “tạo khối” (contour) bắt đầu hình thành. Phấn má được đánh từ má tới đuôi mắt và một chút ở tai để tạo cảm giác thon gọn hơn cho khuôn mặt.

Đến năm 50 – thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp trang điểm, phấn má màu hồng phấn cùng cách đánh phấn tự nhiên hơn trở thành xu hướng. Những icon nổi tiếng của thập niên 50 như Marilyn Monroe hay Grace Kelly đều sử dụng sản phẩm làm đẹp này để tạo khối cho gương mặt, nâng cao vẻ đẹp trong trẻo, tự nhiên.

làm đẹp phấn má hồng

Ngày nay, món đồ làm đẹp này đã trở thành một món đồ trang điểm không thể thiếu của bất kỳ cô gái nào. Với xu hướng từ TikTok, các loại phấn nền dạng kem và dạng lỏng ngày càng phổ biến. Tuýp màu má Cloud Paint đình đám của Glossier là một ví dụ nổi bật. Thiết kế không khác gì tuýp màu vẽ với chất màu nhẹ nhàng, tự nhiên.

Cloud Paint làm điên đảo giới mộ điệu thế giới ngay từ khi ra mắt. Vì tông màu rất nhẹ và mỏng nên những màu rực rỡ như Spark (đỏ hồng) hay Dawn (cam cháy) rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên nếu bạn muốn hoài niệm và chọn cho mình một hộp phấn má thiết kế hơi vintage đặt trong lớp vỏ ánh kim như những hộp “rouge” của thập niên 20-30, hãy chọn Pillow Talk Lip & Cheek Glow của Charlotte Tilbury màu Colour of Dreams. Sắc hồng ấm như nụ hồng e ấp trong ánh bình minh rất hợp với tông da châu Á. Là sản phẩm được thiết kế để dùng cho cả môi và má, Pillow Talk Lip & Cheek Glow có kết cấu mỏng và hơi ướt. Khi đánh lên má sẽ mang lại sắc ửng hồng tự nhiên, dễ chịu và không bí. Khi lên môi lại cho cảm giác giàu dưỡng, mềm mại và giữ màu khá tốt.

Phấn nền

So với những hộp phấn gọn gàng, những chiếc cọ kabuki tao nhã hay những miếng mút nhàm chán thì tôi thích những hộp phấn được trang trí cầu kỳ cùng chiếc puffer mềm mại như mây đậm chất boudoir hơn.

Trong gia đình mỹ phẩm, phấn thoa mặt có lịch sử rất lâu đời khoảng 2.000 năm trước. Từ nền văn hóa Á Đông, Ai Cập cổ đại cho tới thời kỳ trung cổ ở châu Âu, ở đâu cũng tìm được dấu tích của phấn mặt. Đầu thế kỷ 20, phấn vẫn được sử dụng như một lớp nền. Khi đó, những chiếc puffer được làm thủ công một cách cầu kỳ bằng lông tơ đà điểu hay thiên nga và được bọc trong lụa tơ tằm mềm mại. Thay vì chỉ có một màu trắng sứ thuần như thời kỳ Victorian, lúc này các loại phấn nền đã có nhiều màu sắc hơn và gần với da tự nhiên hơn. Để lớp phấn có thể giữ được ở trên da, phái đẹp sử dụng một lớp kem dưỡng giống như primer gọi là vanishing cream (hay powder cream). Một trong những vanishing cream nổi tiếng nhất được Pond’s cho ra đời vào năm 1904.

Dù bắt đầu xuất hiện từ những năm 20, nhưng tới thập niên 50, phấn nén như chúng ta biết của ngày nay mới trở nên phổ biến đại trà. Đầu tiên là những thương hiệu đến từ London như Kigu hay Stratton. Nếu Kigu nổi bật với thiết kế hộp phấn độc đáo và họa tiết cầu kỳ thì Stratton mang tới những phiên bản giới hạn kết hợp cùng các ngôi sao lúc bấy giờ khiến giới mộ điệu điên đảo.

làm đẹp phấn nền

Trong khi đó tại New York, Charles of the Ritz cho ra đời dịch vụ sản xuất phấn nén bespoke. Khách hàng tới quầy hàng của Charles of the Ritz để được pha trộn tông màu phù hợp riêng của mình. Sau đó món đồ làm đẹp này sẽ được đưa vào máy nén để ra thành phẩm. Dịch vụ này được kéo dài cho đến những năm 70.

Ngày nay, những hãng phấn nổi tiếng như Kigu hay Stratton đã không còn nữa, nhường chỗ cho những thương hiệu mới và thành công hơn. Đứng đầu các bảng xếp hạng chắc chắn là Airbrush Flawless Finish Setting Powder của Charlotte Tilbury. Lớp bột siêu mịn, công thức chứa dầu hạnh nhân và sáp hoa hồng, phấn như tan trên da, mang lại lớp nền mềm mịn như nhung.

làm đẹp phấn nền thế hệ mới

Khi phong trào baking lên ngôi, phấn phủ dạng rời cũng được ưa chuộng hơn. Những cái tên như Translucent Loose Setting Powder của Laura Mercier hay Hourglass Veil Translucent Setting Powder là 2 loại phấn phủ không màu có độ kiềm dầu cao, chất phấn mịn và giá thành tầm trung phù hợp với mọi khách hàng. Laura Mercier có 2 phiên bản matte và glow, còn Hourglass Veil Translucent Setting Powder chứa các hạt phản sáng cùng bột kim cương giúp che mờ khuyết điểm, tạo cảm giác sáng da.

Phấn phủ tôi yêu thích nhất vẫn luôn là Dior Forever & Ever Control Loose Powder. Công thức matte, chất phấn mịn cùng tông màu sáng đi kèm với chiếc cọ kabuki rất tiện sử dụng. Lớp lưới siêu mảnh và nắp hộp được thiết kế khôn khéo giúp khắc phục nhược điểm lỗ phấn to của phần lớn các loại phấn phủ dạng rời.

Son

Ấn tượng đầu tiên của tôi về son môi đọng lại ở những tờ son giấy trong phim cổ trang xem khi còn bé. Chỉ khi lớn lên tôi mới biết được lịch sử của màu son đỏ không thơ mộng như trong trí tưởng tượng thời bé mà lại là những câu truyện về cuộc đua quyền lực, sự nổi loạn và kỳ thị dành cho phái đẹp.

Son môi cũng là một trong những món đồ làm đẹp có lịch sử lâu đời kéo dài 5.000 năm. Thời Ai Cập cổ đại, nữ hoàng Cleopatra tạo nên màu son môi đỏ đặc trưng bằng cách kết hợp các loại hoa, vẩy cá, kiến, thuốc màu và sáp ong. Khi đó son môi được các thành viên hoàng gia và tầng lớp thượng lưu sử dụng để thể hiện địa vị xã hội – do đó, nam giới cũng trang điểm và sử dụng son.

Tiến tới thời trung cổ ở châu Âu, trang điểm là một điều không được chấp nhận được vì Giáo Hội cho rằng đây là hành vi thách thức với Chúa và tự nhiên. Tuy nhiên, tại Anh quốc, khi mối quan hệ của Giáo Hội Công Giáo và Hoàng Gia Anh quốc trở nên căng thẳng, việc sử dụng đồ trang điểm đặc biệt là phấn mặt và son môi dần trở nên phổ biến. Đỉnh điểm là nữ hoàng Elizabeth đệ I luôn sử dụng một màu son môi đỏ chói thách thức mọi sự phản đối. Tuy nhiên màu son môi của bà chứa rất nhiều chì và một trong những giả thuyết về sự ra đi của vị nữ hoàng tài ba là vì nhiễm trùng máu do lạm dụng mỹ phẩm chứa chì.

làm đẹp sản phẩm son

Trong lịch sử, món đồ làm đẹp này cũng gắn liền với cuộc đua đòi lại quyền bình đẳng cho phái đẹp. Đầu thế kỷ 20 ở Anh và Mỹ, phong trào đòi quyền lợi bầu cử cho phụ nữ bùng nổ với cái tên “suffragettes” – sự khổ đau. Trong một cuộc biểu tình của suffragettes năm 1912 tại New York, Elizabeth Arden đã trao những hộp son đỏ cho những người phụ nữ tham gia biểu tình. Những người phụ nữ mới “New Women” nên được tự do lựa chọn họ muốn trông như thế nào và họ muốn trở thành người như thế nào.

Sau thời kỳ của nữ hoàng Elizabeth, việc sử dụng đồ trang điểm, đặc biệt là son môi đã trở thành điều bình thường được chấp nhận. Nhưng phải tới thế kỷ 19, son môi mới thực sự trở mình khi Monsieur Guerlain cho ra đời những “thỏi” son đại trà đầu tiên, mở ra thời kỳ son thỏi.

Ngày nay, khi nhắc tới những thỏi son môi được khao khát nhất, Guerlain vẫn luôn nằm trên top của bảng xếp hạng. Cô gái nào cũng nên sở hữu một thỏi son Rouge G hình viên đạn trong BST son môi của mình. Ngoài ra có thể kể đến vô số những thỏi son đáng mơ ước khác từ Chanel, YSL, Hermès hay Christian Louboutin.

Mascara

Một trong những thương hiệu khởi xướng phong trào trang điểm mắt ở nước Mỹ ở đầu thế kỷ 20 và xây dựng nên một đế chế làm đẹp từ mascara chính là Maybelline. Nguồn cảm hứng cho nhà sáng lập Thomas Williams đến từ chị gái của ông, Mabel – một cô gái luôn tự ti về vẻ ngoài giản dị của mình.

Vào thời đó, một cô gái không phải là minh tinh màn bạc nhưng trang điểm kỹ càng sẽ dễ bị coi thường và kỳ thị. Tuy nhiên Thomas tin rằng, nếu như chị của ông, một cô gái giản đơn, nhạt nhòa có thể đẹp hơn nhờ trang điểm cho đôi mắt và lông mày thì tất cả những người phụ nữ khác đều có thể làm được. Từ đó, sản phẩm “Lash – Brown – Ine” được ra đời dưới thương hiệu Mabell Laboratories dựa theo tên của chị ông. Lash – Brown – Ine khi đó chỉ là sự phối hợp của petrolatum (thành phần chính của Vaseline), tinh dầu, mùi hương và chưa có màu nhưng đã được hàng chục ngàn phụ nữ Mỹ chào đón và đặt hàng qua bưu điện. Sau đó Maybelline tiếp tục khẳng định mình với hàng loạt sáng tạo đình đám như Great Lash hay Lash Sensational Sky High Mascara.

làm đẹp sản phẩm mascara

Nhắc tới tượng đài làm đẹp của thế kỷ 20, chúng ta không thể nào bỏ qua người phụ nữ thiên tài Helena Rubinstein. Vào năm 1957, Helena cho ra đời loại mascara với công thức dạng kem đặt trong tuýp và dùng đầu cọ kim loại dưới cái tên đậm chất vị lai Mascara-Matic. Công thức kết hợp với dầu nhựa thông giúp chống nước cùng kết cấu lỏng giúp mascara được sử dụng dễ dàng hơn. Một trong những chiếc mascara đình đám khác có thiết kế “gần giống” chính là Curator Lash Instrument của Hourglass. Đầu cọ siêu mảnh của Curator Lash Instrument giống đầu cọ kim loại của Mascara-Matic đến 90% nhưng độ cắt góc chuẩn xác hoàn hảo cùng công thức chuyên dụng của Curator giúp bạn có được hàng mi dài, chuốt kỹ và tách sợi một cách dễ dàng, khác xa với tiền bối cách 50 năm Mascara-Matic.

Hôm nay bắt đầu từ hồi ức, và tương lai khởi nguồn từ hôm nay, trong một vũ trụ đầy rẫy đẹp xinh.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Clarke Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)