Net Zero là gì?
Net Zero (Net Zero Emissions) – trung hòa carbon – là khái niệm chỉ lượng phát thải ròng bằng 0 khi lượng khí thải ra được cân bằng bởi việc loại trừ carbon khỏi khí quyển.
Tầm quan trọng của Net Zero trong mỹ phẩm
Dựa trên Hiệp Định Paris, để ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu và giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC, lượng khí thải cần phải giảm là 45% cho đến năm 2030 và phải đạt mức trung hòa vào năm 2050. Vì vậy, có thể xem Net Zero là một trong những thử thách lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt. Để đạt được mục tiêu, một liên minh Liên Hợp Quốc đã được thành lập gồm hơn 140 quốc gia, 1.000 thành phố, 9.000 công ty, hơn 1.000 cơ sở giáo dục và hơn 600 tổ chức tài chính, cam kết giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Với “bền vững” là xu hướng làm đẹp nổi bật trong những năm trở lại đây và thị trường mỹ phẩm “sạch” dự tính đạt 22 tỷ USD vào năm 2027, Net Zero sẽ trở thành tâm điểm chiến lược phát triển của các tập đoàn lớn trong ngành.
Phạm vi và tín dụng carbon
Để có thể đạt được mục tiêu Net Zero, các công ty phải đo lường lượng phát thải, giảm thiểu lượng CO2 sản sinh cũng như có các hoạt động bù đắp. Greenhouse Gas Protocol, chuẩn mực tính toán khí nhà kính được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, chia các loại khí thải mà một công ty tạo ra trong quá trình vận hành thành 3 “phạm vi” chính: (1) khí thải trực tiếp từ công ty, (2) khí thải từ việc mua năng lượng và (3) các khí thải gián tiếp khác.
Trong đó, phạm vi (1) và (2) thường dễ tính toán và xử lý hơn. Một trong những cách thường thấy để giảm phạm vi (1) và (2) là sử dụng năng lượng tái tạo cho hệ thống văn phòng và nhà xưởng hoặc giảm lượng khí thải trong toàn bộ vòng đời sản xuất. Đây là 2 trong số những hành động chiến lược của hãng mỹ phẩm KAO trong mục tiêu hướng tới Net Zero 2040.
Phạm vi (3) thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng phát thải nhưng lại khó đo lường và khó xử lý nhất. Nhiều công ty hiện nay đã đạt được mục tiêu Net Zero ở phạm vi (1) nhưng còn rất xa để đạt được mục tiêu ở phạm vi (2) và (3).
Tín dụng carbon (carbon credit hay carbon offset) là giấy phép cho phép doanh nghiệp thải ra một lượng khí nhà kính nhất định. Chi phí của tín dụng là số tiền cần thiết để loại trừ một lượng CO2 tương đương khỏi môi trường. Khi một doanh nghiệp không sử dụng hết lượng tín dụng carbon, họ có thể bán số còn lại cho một doanh nghiệp khác. Số tiền tạo ra từ tín chỉ carbon sẽ được đầu tư vào các dự án giảm lượng carbon cũng như phòng chống phá rừng.
BÀI LIÊN QUAN
Tiên phong
Một cái tên quen thuộc trong ngành chăm sóc tóc chuyên nghiệp, Davines, đã đạt chứng nhận B-Corp – đại diện cho tiêu chuẩn về hiệu quả hoạt động môi trường, xã hội, tính minh bạch cũng như trách nhiệm. Thương hiệu này đã bắt đầu trên con đường giảm khí carbon từ 2006 và trở thành công ty trung hòa carbon vào năm 2018, trước khi phong trào Net Zero nở rộ. Đến năm 2019, dầu gội đầu 100% carbon trung hòa A Single Shampoo ra đời. Đây là dầu gội đầu tiên mà lượng khí thải liên quan đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm được bù đắp hoàn toàn, chỉ trừ giai đoạn sử dụng tại nhà hay salon. Với 98,2% thành phần có thể phân hủy sinh học và 95% thành phần nguồn gốc thiên nhiên, đây là loại dầu gội lành tính giúp làm sạch tóc và da đầu nhẹ nhàng.
Không chỉ nhận chứng chỉ B-Corp mà còn là một thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên được ưa chuộng trên toàn thế giới, Aveda cũng là một thương hiệu tiên phong trên đường đua Net Zero. Vào năm 2007, Aveda là công ty làm đẹp đầu tiên sản xuất bằng 100% năng lượng gió trong cơ sở sản xuất chính. Cơ sở sản xuất của Aveda cũng đạt tiêu chuẩn không chất thải công nghiệp chôn lấp. Hiện nay, Aveda cũng sử dụng 100% điện tái tạo được cung cấp bởi năng lượng gió và mặt trời cùng với tín dụng carbon. Aveda cũng là công ty mỹ phẩm đầu tiên sử dụng 100% nhựa PET tái chế sau tiêu dùng cho bao bì sản phẩm.
Dịch chuyển xuống Nam bán cầu, hãng mỹ phẩm thiên nhiên Aesop đã được chứng nhận trung hòa carbon cho các hoạt động vận hành tại Úc theo chương trình Climate Active của chính phủ Úc. Bên cạnh đó, Aesop cũng sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho văn phòng và các cửa hàng trên toàn thế giới. Aesop cũng làm việc với Transform to Net Zero để xây dựng kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu, hướng đến áp dụng quá trình khử cacbon trong toàn bộ quy trình kinh doanh, chuỗi cung ứng và sản xuất. Transform to Net Zero là một nền tảng liên kết liên ngành nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu đến Net Zero.
Tương lai của ngành mỹ phẩm
Đối với nhiều thương hiệu, bền vững vẫn luôn là nền móng phát triển ngay từ những ngày đầu tiên như Nécessaire, thương hiệu mỹ phẩm tối giản đạt chứng nhận Climate Neutral từ năm 2020. Để đạt được chứng nhận Climate Neutral, thương hiệu phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải bằng cách đo lường, giám sát và có chiến lược cụ thể để giảm lượng khí thải cũng như đầu tư vào tín chỉ carbon. Bên cạnh những kế hoạch giảm thiểu carbon từ năng lượng sử dụng trong chuỗi cung ứng, bao bì sản phẩm và giảm thiểu nhựa mới trong sản xuất, Nécessaire đang hướng đến giảm thiểu 50% phạm vi (1) và (2) vào năm 2030 so với 2021. Bên cạnh đó, Nécessaire cũng đầu tư vào dự án chống phá rừng, cải thiện quản lý rừng với tổng số tiền khoảng 64 ngàn USD.
Nếu như A Single Shampoo của Davines là chai dầu gội trung hòa carbon đầu tiên thì The Alchemist’s Garden Where My Heart Beats của Gucci là chai nước hoa đầu tiên của thương hiệu sử dụng 100% cồn tái chế từ khí thải carbon của đối tác công nghệ LanzaTech. Điều này mở ra tương lai “xanh” cho các sản phẩm nước hoa cũng như làm đẹp.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Clark
Ảnh: Tư liệu