Mỹ phẩm sử dụng công nghệ nano
Sự xuất hiện của các loại mỹ phẩm sử dụng CÔNG NGHỆ NANO và hiệu quả vượt bậc mà phụ nữ được trải nghiệm là minh chứng cho sự phát triển của việc ứng dụng khoa học vào lĩnh vực làm đẹp.
Công nghệ nano (nanotechnology) là một cụm từ đang trở nên quen thuộc trong thời gian gần đây. Ứng dụng của công nghệ nano trong việc làm đẹp cũng đang dần dần trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, trước khi cụm từ này được đưa vào từ điển, sự xuất hiện của các hạt có kích thước cực kỳ nhỏ này đã có từ rất lâu. Từ các hạt bụi do phun trào của núi lửa đến những hạt trong gốm sứ để tạo nên độ trong và độ bóng, các hạt nano đã là một phần của cuộc sống của chúng ta từ xa xưa đến nay. Vậy công nghệ nano là gì và nó có lợi-hại gì đến việc làm đẹp của chúng ta? ELLE sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về chủ đề nóng bỏng này nhé.
1. Hạt nano là gì?
Khi đã học qua chương trình hóa học và vật lý ở phổ thông, chắc hẳn bạn đã biết nano là một tiếp đầu ngữ để miêu tả một vật có kích thước hoặc trọng lượng nhỏ hơn 10-9 (một phần tỷ) lần một vật khác. Vì vậy, một nanomet bằng 10-9 mét. Một kích thước rất nhỏ, nhưng nhỏ như thế nào thì xin bạn hãy tưởng tượng với tôi một chút nhé:
Giả sử bạn có một căn nhà với chiều ngang là 10 mét, đường kính của một sợi tóc của bạn bằng 1/100.000 lần chiều ngang của căn nhà. Chẻ sợi tóc đó ra 100.000 lần nữa thì bạn sẽ có được đường kính của carbon nanotube (carbon nano hình ống).
Một giọt mưa có đường kính là 2,5 milimet. Một con vi khuẩn có chiều dài là 2,5 micromet, nhỏ hơn 1.000 lần so với giọt mưa. Và DNA của bạn chính là phân tử có kích thước nano trong thiên nhiên với đường kính là 2,5 nanomet, nhỏ hơn 1.000 lần so với vi khuẩn!
Trong khi ví dụ đầu tiên chỉ mang tính minh họa, giúp bạn dễ hình dung thì ví dụ thứ hai chính là một trong những đặc tính lợi hại của công nghệ nano cho ứng dụng sinh học liên quan đến con người. Vì kích thước của các phân tử nano rất nhỏ và có thể len lỏi vào trong cơ thể và cả tận trong tế bào, công nghệ nano được xem là một công nghệ đầy hứa hẹn trong cuộc sống.
2. Công nghệ nano là gì?
Công nghệ nano là một lĩnh vực khoa học tiên tiến bao gồm thiết kế, định tính, sản xuất và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng cách kiểm soát hình dạng và kích thước ở quy mô nanomet, với phạm vi kích thước từ 1-100 nanomet (nm).
Khi phân tử ở kích thước nano, một số các tính chất của phân tử đó trở nên thay đổi và một số đặc tính mới cũng phát triển. Một số chất vốn không có từ tính hoặc quang tính ở dạng khối sẽ phát huy các khả năng này khi ở dạng nano. Ở một số chất khác thì màu sắc, độ trong suốt, độ hòa tan cũng như tốc độ phản ứng cũng thay đổi khi kích thước hạt trở nên nhỏ đi. Vì lẽ đó mà các công ty mỹ phẩm lớn trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ nano từ lâu. Các nhà sản xuất sử dụng phiên bản nano của các thành phần quen thuộc để tăng độ bảo vệ tia cực tím, giúp thành phần chủ động của sản phẩm thâm nhập sâu hơn vào da, tăng ảnh hưởng lâu dài của sản phẩm lên da, tăng màu sắc và chất lượng của sản phẩm. Vào năm 2012, thị trường mỹ phẩm toàn cầu với ứng dụng của công nghệ nano được xem là đã vượt ngưỡng 150 triệu đôla.
3. Các ứng dụng của công nghệ nano trong mỹ phẩm
Nano kẽm oxit và titan dioxit: Là hai thành phần quen thuộc và rất hiệu quả ở kem chống nắng nhưng hai oxit kim loại này thường có màu trắng đục khi thoa lên da. Ở dạng nano với kích thước 20nm, kẽm oxit và titan dioxit trở nên trong suốt nhưng không gây hại đến sức khỏe.
Nano vàng và nano bạc: Nano bạc rất nổi tiếng với tính kháng khuẩn cao và từ lâu đã được thêm vào khẩu trang y tế đắt tiền. Ngày nay, nano bạc được thấy ở các bông phấn để diệt khuẩn và cũng đang được nghiên cứu để chế tạo kem lăn nách với khả năng kháng khuẩn trong 24 giờ. Nano vàng cũng có tính kháng khuẩn tương đương với nano bạc và được nghiên cứu để kháng khuẩn ở vùng miệng. Trên thị trường thế giới đã xuất hiện kem đánh răng có chứa nano vàng.
Buckminsterfullerene: Cấu trúc hình trái banh carbon 60 này là một cấu trúc cổ điển của lịch sử công nghệ nano. Với đường kính 1nm, fullerene có mặt ở nhiều sản phẩm, từ thực phẩm đến mỹ phẩm. Sự hiện diện của cấu trúc này ở các kem dưỡng da sang trọng đóng vai trò của một chất chống gốc tự do. Đây là một cấu trúc được đầu tư mạnh mẽ với nhiều tiềm năng ứng dụng trong tương lai.
Liposome: Là những cấu trúc hình cầu với lớp màng phospholipid không thấm nước bên ngoài và phần nhân chứa dung dịch lỏng bên trong, liposome là những “con thoi” vận chuyển hữu hiệu. Với khả năng đưa dung dịch đến những nơi cần thiết và có thể đi xuyên qua màng tế bào, lipsome là ứng viên quan trọng để đưa những sản phẩm dưỡng da, chống lão hóa và chống oxy hóa đi sâu hơn dưới da. Một lợi thế của liposome là nhà sản xuất hoàn toàn có thể kiểm soát được kích cỡ. Ba loại liposome phổ biến ở dạng nano là transferosome, niosome và ethosome.
Nanoemulsion: Tạm gọi là chất nhũ tương dạng nano, những hạt nanoemulsion là cấu trúc hạt-trong-hạt. Ở dạng này, ta sẽ thấy một hạt cực nhỏ được nằm trong một hạt khác lớn hơn một chút nhưng vẫn ở kích thước nano. Cấu tạo này bảo đảm sự an toàn khi di chuyển thành phần chính, tăng độ bền cũng như tuổi thọ của sản phẩm.
Nanocapsule: Con nhộng nano là những hạt cực nhỏ được làm bằng polymer có chứa chất lỏng và chất dầu ở bên trong. Kỹ thuật này được ứng dụng để làm tăng tuổi thọ của kem chống nắng hóa học, vốn có tính chịu nhiệt kém.
Hydrogel: Là một thành phần thường thấy ở một số sản phẩm dưỡng da của Hàn Quốc và Nhật Bản, hydrogel là một mạng lưới polymer ba chiều ưa nước có khả năng nở ra trong nước hoặc các loại dung dịch sinh học. Hydrogel hoàn toàn không tan trong dung dịch nhưng chỉ tạo ra các cầu nối giữa dung dịch và chính bản thân nó mà thôi. Chính vì đặc điểm này, hydrogel có khả năng thay đổi tính chất theo các điều kiện khác nhau để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa những thiệt hại lên da của người sử dụng.
4. Công nghệ nano cho mỹ phẩm: Lợi hay hại?
Khoảng 10 năm về trước, công nghệ nano có vẻ chỉ là một suy nghĩ phù du có trong các câu truyện khoa học viễn tưởng. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, cụm từ này chính là từ khóa hot nhất trên các tạp chí khoa học lớn nhất thế giới với vô vàn ứng dụng về năng lượng, môi trường, vật liệu… Trong mỹ phẩm, các đại gia mỹ phẩm thế giới như L’Oréal đã đầu tư rất nhiều tiền với hy vọng có được những bằng sáng chế liên quan đến chống lão hóa và làm đẹp.
Một lợi ích rất lớn của công nghệ nano là khả năng giúp các thành phần quan trọng với khả năng chống lão hóa và chống oxy hóa tế bào thẩm thấu sâu hơn vào da. Trước kia, chúng ta phải dùng một lượng lớn sản phẩm phủ dầy trên bề mặt da và nhờ vào tác động của thiên nhiên để giúp sản phẩm thẩm thấu. Ngày nay, với các cấu trúc như liposome, microemulsion hoặc microcapsule, chỉ cần một lượng nhỏ của các thành phần này là có thể thẩm thấu sâu hơn vào da rồi.
Ngoài ra, một số thành phần vốn không bền nhiệt hoặc dễ bị phân hủy dưới ánh nắng mặt trời sẽ hoạt động tốt hơn khi được bao phủ ở dạng nano. Một ví dụ điển hình là retinoid, một phái sinh của vitamin A, vốn là một thành phần dễ bị phân hủy dưới ánh sáng thiên nhiên. Thế nhưng, khi ở dạng nanocapsule, retinoid được bảo vệ cho đến khi đi xuyên sâu hơn vào da để phát huy khả năng chống oxy hóa rất tuyệt vời. Trong tương lai, một số thành phần có cấu trúc phân tử lớn như botox hoặc hyaluronic acid (trong filler như Restylane) sẽ xuất hiện dưới dạng nano. Với khả năng thẩm thấu sâu tận trung bì mà không gây hại đến sức khỏe, trong tương lai, việc chích botox hoặc tiêm filler chống nhăn sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Tuy chứa nhiều hứa hẹn tươi sáng, nhưng công nghệ nano không hoàn toàn vô hại. Do kích thước hạt nhỏ nên phản ứng của các chất dưới dạng nano thường diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần so với các hạt ở kích thước thông thường. Ngoài ra, khả năng tích tụ sản phẩm dưới da và ở nội tạng là có thật. Các hạt nano rất nhẹ nên dễ bay lơ lửng trên không trung và dễ bị hít vào. Vì thế, các hãng mỹ phẩm rất hạn chế đưa ra thị trường các sản phẩm nano dưới dạng bột. Cuối cùng, khi sử dụng mỹ phẩm thì việc tẩy rửa sẽ dẫn đến lượng hạt nano trong sản phẩm sẽ tiếp xúc với môi trường. Thông thường việc phát hiện ra tác hại của một hướng kỹ thuật mới luôn đi sau. Vì thế, mặc dù có những dự đoán về tác hại của hạt nano lên môi trường và cơ thể con người nhưng đến mức độ nào thì chúng ta vẫn chưa hình dung được.
Công nghệ nano là một lĩnh vực khoa học tiên tiến có tầm quan trọng lớn đến tương lai của nhân loại. Việc sản xuất và sử dụng một cách an toàn các sản phẩm có ứng dụng của công nghệ nano đang được nhiều quốc gia trên thế giới xem xét. Chúng ta không nên quá lo sợ đến ảnh hưởng của hạt nano mà bỏ mất những sản phẩm có khả năng trẻ hóa làn da thực sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm để có thể làm đẹp mà không gây hại đến bản thân.
—
Xem thêm
Mỹ phẩm đa dụng: Xu hướng mới của năm
Mỹ phẩm làm đẹp hiệu quả và an toàn
Bài: Tường Dao