Thế giới mỹ phẩm nối bước theo lối đường xanh
Các thương hiệu làm đẹp uy tín trên thế giới đã và đang khám phá những giải pháp mang tính đột phá trong quy trình sản xuất và thiết kế bao bì nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần mở ra viễn tưởng hứa hẹn về tương lai xanh cho nhân loại.
Những năm gần đây, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ngày càng được nhấn mạnh cùng với lợi ích của môi trường và tự nhiên. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên “Anthropocene” – nơi loài người tác động đáng kể đến địa chất và hệ sinh thái, do đó, trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích là hành động góp phần xây dựng sự kết nối hài hòa giữa thế giới tự nhiên và con người. Vào những năm 2000, làm đẹp vẫn chưa được xem là lĩnh vực gắn liền với phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trước những quy định và sáng kiến mới từ chính phủ nhiều nước, cộng với ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao ở người tiêu dùng, phát triển bền vững đang trở thành trung tâm của các chiến lược sáng tạo và phát triển của những doanh nghiệp mỹ phẩm. Delphine Viguier-Hovasse – Giám đốc Điều hành toàn cầu của L’Oréal Paris – tuyên bố: “Đã đến lúc chúng ta cần dung hòa sự cải tiến, tiến bộ khoa học và phát triển bền vững để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn, giảm tác động đến môi trường”.
Trong khoảng thời gian 10 năm, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp đã thay đổi tầm nhìn và đặt ra những tiêu chuẩn mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại: tìm kiếm những sản phẩm và phương pháp thân thiện với môi trường. Các tập đoàn mỹ phẩm lớn đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình bằng cách đặt ra mục tiêu cụ thể trong các ấn phẩm và báo cáo thường niên. Đơn cử như các chiến dịch: L’Oréal for the Future; Life 360 của tập đoàn LVMH; triết lý 5R của Shiseido – Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế), Reduce (Giảm rác thải), Replace with Respect (Thay thế bằng sự trân trọng); Kế hoạch Chuyển đổi Khí hậu của Estée Lauder; chương trình bảo tồn đa dạng sinh học của Clarins với We Care… Bên cạnh những thay đổi tích cực về mặt xã hội và công nghiệp mà các dự án này mang còn là những dự án hợp tác đầy hứa hẹn của các doanh nghiệp vốn từng là đối thủ của nhau để hướng đến một tương lai bền vững hơn.
ELLE xin chia sẻ cùng bạn 9 biện pháp lâu dài đang được các thương hiệu mỹ phẩm uy tín trên toàn cầu áp dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mở ra tương lai xanh đầy hứa hẹn.
1. Thiết kế thẩm mỹ để sử dụng lâu dài
Làm thế nào để hạn chế lãng phí và giảm rác thải? Một phương án được nhiều thương hiệu cao cấp đề xuất là tạo ra các sản phẩm có thiết kế thu hút và ấn tượng khiến người dùng muốn giữ chúng lâu hơn. Những thiết kế mang tính nghệ thuật được chế tác từ chất liệu bền bỉ với màu sắc trang nhã, độ tinh xảo cao, các thông số, tỷ lệ đều được nghiên cứu kỹ lưỡng… là biểu trưng của sự tinh tế, thể hiện đẳng cấp của người sở hữu. Những thỏi son, những hộp phấn nước… sau khi dùng hết, người dùng hoàn toàn có thể đến các cửa hàng chính hãng để thay lõi mới và giữ lại những chiếc vỏ cũ. Điển hình của sáng kiến này là dòng son Le Rouge 31 của Chanel – thỏi son đầu tiên được đặt trong chiếc vỏ bằng thủy tinh và kim loại, được lấy cảm hứng từ chai nước hoa N°5 và những chiếc gương ốp dọc theo các bậc thang trong căn hộ của Gabrielle Chanel tại số 31 rue Cambon, Paris. Sylvie Legastelois, Giám đốc Sáng tạo Bao bì và Nhận diện Thương hiệu tại Chanel giải thích: “Chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm tối ưu, bền bỉ theo mọi định nghĩa.
Điều đó có nghĩa là những thiết kế trường tồn với chất lượng hảo hạng, thách thức quy luật băng hoại của thời gian và người dùng sẽ yêu thích những mỹ phẩm này đến mức muốn để lại chúng cho những thế hệ tiếp theo”. Tương tự, Dior cho ra mắt dòng son Le Rouge Premier với vỏ kim loại được phủ vàng và các họa tiết gốm tao nhã do Bernardaud sản xuất. Những chiếc vỏ hai màu nhã nhặn của những thỏi son đến từ thương hiệu Dries Van Noten hay các phiên bản giới hạn của dòng son Rouge Hermès do Pierre Hardy thiết kế đều thể hiện vai trò của mình trong xu thế làm đẹp xanh và bền vững.
2. Mỹ phẩm tái sử dụng bao bì bằng hệ thống refill
Với mục tiêu giảm thiểu sử dụng bao bì một lần, hệ thống refill dành cho các chất thải rắn như chai lọ thủy tinh đã được tiến hành ở một số quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu được thực hiện vào tháng 10/2023 bởi Leko – tổ chức sinh thái thế hệ mới được Pháp phê duyệt với mục đích hiện đại hóa lĩnh vực bao bì gia dụng ở Pháp và Circul’R – công ty tư vấn về kinh tế tuần hoàn và đổi mới bền vững: 94% người tiêu dùng sẵn sàng chuyển sang tái sử dụng vỏ chai dầu gội của mình. Một số thương hiệu nước hoa cũng đã ứng dụng hệ thống làm sạch và đổ đầy lại các lọ nước hoa cho khách hàng. Ví dụ như nước hoa Abeilles có thể được refill tại các cửa hàng Guerlain; những lọ nước hoa do Marc Newson và Frank Gehry thiết kế cho Louis Vuitton; hay nước hoa Angel và Alien của Mugler đều có thể refill tại Mugler Fountain – tháp thơm Mugler – được đặt tại các boutique của nhà hương này suốt nhiều năm qua.
3. Giảm tiêu thụ nước
Trái đất được tạo thành từ 97,2% nước mặn và chỉ 2,8% nước ngọt. Theo Liên hợp quốc, do sự gia tăng dân số và mức tiêu thụ cho chăn nuôi và nông nghiệp ngày càng nhiều, nhu cầu về nước ngọt của thế giới sẽ tăng 50% từ nay đến năm 2030. Ngành mỹ phẩm là ngành tiêu thụ nước đáng kể, sử dụng nước trong nhiều giai đoạn khác nhau từ trồng trọt nguyên liệu thô đến quy trình sản xuất và sử dụng hằng ngày. Sự gia tăng của các sản phẩm làm đẹp dạng khô như xà phòng đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lượng nước được sử dụng trong công thức chế tạo các sản phẩm truyền thống. Thương hiệu Yodi Beauty và Attitude đến từ Canada là những thương hiệu mỹ phẩm đi đầu giới thiệu các sản phẩm không dùng nước, chẳng hạn như que khan đựng trong bao bì không chứa nhựa. Bạn cũng có thể tiết kiệm 100 lít nước một ngày bằng cách tắm nhanh hơn và sử dụng các sản phẩm cần xả ít hơn. L’Oréal Professionnel đã hợp tác với Gjosa để phát triển hệ thống vòi hoa sen tiết kiệm nước cho các salon tóc, giúp giảm 69% lượng nước tiêu thụ. Sự đổi mới này đã được áp dụng ở 3.100 salon trên toàn cầu.
4. Mỹ phẩm đóng gói bằng bao bì làm từ sợi thực vật
Để hạn chế các loại bao bì dùng một lần, một số nước hoa và sản phẩm chăm sóc da cao cấp được bọc trong kén phân hủy sinh học làm từ sợi thực vật và bột giấy phân hủy sinh học được chế tạo từ gỗ của những loài cây trong các khu rừng được quản lý bền vững. Những chiếc kén này bọc vừa khít sản phẩm, là giải pháp đóng gói thẩm mỹ và thân thiện với môi trường. Dior đã sử dụng loại bao bì đột phá này cho dòng sản phẩm Sauvage mới, bao gồm cả nước hoa và sản phẩm chăm sóc da.
5. Mỹ phẩm bảo vệ đại dương
Đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ CO2 và hỗ trợ đa dạng sinh học. Vì vậy, để bảo vệ môi trường biển khỏi các mối đe dọa từ sự nóng lên toàn cầu, axít hóa đại dương và ô nhiễm rác thải, chúng ta cần giảm sử dụng nhựa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm và bảo tồn sinh vật biển. Các bao bì kem chống nắng thường nêu bật điều này vì đây là sản phẩm thiết yếu, được sử dụng hằng ngày và có tác động không nhỏ đến môi trường. Lancaster đã hợp tác với Prince Albert III của Monaco Foundation (tổ chức hoạt động để ứng phó với biến đổi khí hậu) và ra mắt Kem dưỡng thể bảo vệ cơ thể SPF 50 thế hệ mới với ống và nắp được cải tiến, sử dụng nhựa ít hơn 54% so với sản phẩm thông thường. Công thức phổ rộng đã được thử nghiệm không gây hại hệ sinh thái biển, đặc biệt là thực vật, sinh vật phù du trong các rạn san hô. Các thương hiệu khác như La Roche-Posay và Garnier cũng đang từng bước giảm rác thải nhựa và đánh giá tác động môi trường đến từ sản phẩm của họ thông qua việc phát triển, chế tạo ống nửa nhựa, nửa bìa cứng. Các thương hiệu này cũng ghi rõ chỉ số tác động môi trường và xã hội toàn cầu cho từng sản phẩm của họ (bao gồm cả giai đoạn sản xuất và sử dụng) trên website thương hiệu.
6. Minh bạch về tác động đến môi trường
Những năm qua, ngành làm đẹp đã đối diện với vô vàn thách thức từ đại dịch, xung đột chính trị, bất ổn về khí hậu cho đến chuỗi cung ứng phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố trung gian. Sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng gây khó khăn cho việc giám sát nguồn cung cấp nguyên liệu (từ gỗ, kim loại đến đậu nành và dừa). Trong khi đó, sự minh bạch là một trong những yếu tố chính mà người tiêu dùng quan tâm và họ cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn các thương hiệu địa phương có chuỗi cung ứng ngắn. Để giải quyết vấn đề này, theo gợi ý của Chanel với sự hỗ trợ của Fédération des Entreprises de la Beauté, một liên minh gồm 15 công ty mỹ phẩm lớn bao gồm Chanel, Dior và Estée Lauder, đã thành lập TRASCE (Traceability Alliance for Sustainable Cosmetics – Liên minh truy xuất nguồn gốc cho mỹ phẩm bền vững) nhằm mục đích chia sẻ quy trình truy xuất nguồn gốc và vạch ra chuỗi cung ứng trên nền tảng kỹ thuật số chung để giám sát tác động của sản phẩm đối với con người và môi trường. Ngoài ra, Clarins đã giới thiệu T.R.U.S.T – một hệ thống theo dõi quá trình sản xuất mỹ phẩm của họ, người tiêu dùng có thể truy cập thông qua số lô trên trang web của thương hiệu. Những nỗ lực này đánh dấu một bước quan trọng hướng đến sự minh bạch và bền vững hơn trong ngành làm đẹp.
7. Mùi hương từ các thành phần tự nhiên
Nhờ những tiến bộ trong khoa học môi trường, các nhà điều hương sẽ tạo ra những loại nước hoa có mùi hương giống hoa thật nhất có thể. Công nghệ mới này chỉ sử dụng không khí để thu giữ các phân tử thơm dễ bay hơi của hoa, quả mà không cần đến quy trình chưng cất truyền thống hay dung môi hóa học. Barbara Lavernos – Phó Giám đốc điều hành nước hoa L’Oréal và Cosmo International – giải thích rằng quy trình đột phá này có thể bảo tồn tính toàn vẹn của hoa và được tái sử dụng cho lần chiết xuất thứ hai, góp phần giảm chất thải. Công nghệ chiết xuất hoa huệ không dùng nước, sử dụng ít năng lượng đầu tiên sẽ được áp dụng trong BST nước hoa Valentino, dự kiến ra mắt vào tháng 7/2024.
8. Chọn thương hiệu với cam kết bền vững
Một số thương hiệu mỹ phẩm mới đang định nghĩa lại khái niệm sản phẩm sạch bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe. Một trong số đó là Nissaba, thương hiệu nước hoa trẻ được thành lập bởi một cựu quản lý phụ trách công việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu tự nhiên. Nissaba góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô quan trọng từ các khu vực trên thế giới, chẳng hạn như vani từ Madagascar, palo santo từ Paraguay và hoắc hương từ Indonesia. Những loại nước hoa được chế tạo bởi các nhà điều hương hàng đầu không chỉ thỏa mãn các giác quan mà còn góp phần hỗ trợ cho các dự án mang lại lợi ích cho công nhân trong dây chuyền sản xuất. Chai thủy tinh có thể tái sử dụng của Nissaba không dán nhãn, không in mực và không dùng keo, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon và có thể tái chế dễ dàng. Nắp chai bằng gỗ nguyên chất cũng có thể được tái chế.
9. Canh tác trách nhiệm và thân thiện với môi trường
Nông lâm kết hợp, nông học sinh thái và canh tác hữu cơ đều là những phương pháp canh tác ngày càng phổ biến đối với những người tiêu dùng quan tâm đến mỹ phẩm có chiết xuất thực vật. Những phương pháp này không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thúc đẩy tái tạo đất và đa dạng sinh học cũng như sử dụng các kỹ thuật truyền thống để trồng trọt. Một số thương hiệu như L’Occitane đang khôi phục các phương pháp canh tác này bằng việc trồng cây hạnh nhân ở Provence. Các doanh nghiệp khác, như tập đoàn Pierre Fabre và Clarins, đã nắm quyền kiểm soát quá trình canh tác bằng cách sở hữu và quản lý các cánh đồng của riêng mình để sản xuất nguyên liệu cho sản phẩm của họ. Ví dụ, Pierre Fabre trồng 180 ha yến mạch rhealba để sản xuất A-Derma và nhiều loại cây khác nhau như hoa cúc, hoa ngô và bạc hà để sản xuất Klorane. Nhiều năm trước, thương hiệu Clarins đã quyết định đầu tư 10 ha đất ở trung tâm dãy Alps và hiện đang sản xuất nước tẩy trang với chiết xuất từ cây khổ sâm vàng và dầu chanh Alpine. Ngoài ra, trang trại Verdura ở Sicily cung cấp nguyên liệu cho thương hiệu Irène Forte, bao gồm chiết xuất hạnh nhân, chanh, cam và ô liu. Những thương hiệu này đang áp dụng các kỹ thuật truyền thống và kiến thức địa phương để tạo ra các sản phẩm làm đẹp bền vững và thân thiện với môi trường.
Bài: Monique Le Dolédec
Chuyển ngữ: Taylor Phạm