Mỹ phẩm thuần chay – Hướng đi mới an toàn cho môi trường

Đăng ngày:

Đã bao giờ bạn cầm thỏi son và chai nước hoa của mình lên tự hỏi: Những sản phẩm này có liên quan hay gây hại đến bất kỳ loài vật nào hay môi trường không?

Mỹ phẩm thuần chay

Tờ báo The Economist đã tuyên bố: 2019 là năm của Vegan với 1 phần 4 của thế hệ Millennials trên thế giới nhận rặng mình ăn chay hoặc ăn chay trường. Tại Mỹ, trong 3 năm vừa qua, số lượng người ăn chay đã tăng lên 300% trong khi tại Anh Quốc, con số này là 350%. Tuy nhiên, xu hướng ăn chay cũng như ăn chay trường ngày nay đã vượt qua giới hạn của khía cạnh ẩm thực. Nó đã phát triển thành một phong cách sống được giới trẻ toàn cầu cũng như những ngôi sao và cầu thủ hàng đầu theo đuổi.

Trong bài phát biểu nhận giải thưởng Oscar cho nam chính xuất sắc nhất, ngôi sao “Joker” Joaquin Phoenix đã không kìm nổi cảm xúc khi nhắc tới sự xấu xí của ngành công nghiệp chăn nuôi cũng như tình yêu của anh dành cho tất cả những sinh vật sống. Bức hình của anh cùng vị hôn thê Roony Mara ngồi trên bậc thềm cầu thang với chiếc burger chay và nụ cười rạng rỡ đã làm điên đảo internet và người hâm mộ toàn thế giới. 

Bên cạnh Joaquin Phoenix, Scalett Johanson, Natalie Portman, Ellen Degeneres hay Beyonce theo đuổi xu hướng ăn chay trường từ nhiều năm nay. Ăn chay trường không chỉ giúp những minh tinh giữ gìn vóc dáng hay thể lực mà còn là yếu tố quan trọng cho một làn da đẹp. Tuy nhiên, Vegan không chỉ đơn thuần là một chế độ ăn uống nữa, nó đã trở thành một phong cách sống, một sự lựa chọn sống “xanh” hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn. Hãy cùng Elle tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng sống “chay” cũng như sức ảnh hưởng của nó tới ngành công nghiệp mỹ phẩm nhé.

mỹ phẩm thuần chay bảo vệ môi trường

Mỹ phẩm Vegan là gì?

Nếu như trong chế độ ăn uống, vegan được biết tới là chế độ ăn chay trường: không bao gồm tất cả nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật thì trong ngành mỹ phẩm, Vegan beauty được biết tới là “Mỹ phầm thuần chay”. Cũng giống như tên gọi, mỹ phẩm thuần chay không chứa bất kỳ thành phần nào từ động vật hay gây hại tới động vật trong quá trình thu hoạch. 

Bạn có bất ngờ khi biết mỹ phẩm có chứa rất nhiều thành phần từ động vật không? Bên cạnh những nguyên liệu từ động vật thường thấy như sáp ong, mật ong hay sữa còn có rất nhiều thành phần từ động vật khác mà bạn không thể nghĩ đến như: Keratin. Nhắc tới những sản phâm chăm sóc tóc, chúng ta không thể bỏ qua một thành phần vô cùng quan trọng: Keratin. 

Keratin là một dạng protein thường thấy trong tóc, móng, lông của con người, cũng như động vật. Trong mỹ phẩm, keratin là một thành phần được ưa chuộng cho các sản phẩm chăm sóc tóc như dầu gội, dầu xả hay dầu dưỡng tóc. Nó hoạt động bằng cách làm mịn các tế bào tạo thành sợi tóc. Các lớp tế bào này sẽ hấp thu keratin giúp cho mái tóc trở nên bóng mượt và dày dặn hơn. Phần lớn keratin trong mỹ phẩm được lấy từ thành phần không sử dụng trong lò mổ: lông, sừng, móng. Một trong những loại keratin hiệu quả nhất nhờ kết cấu giống với keratin trong cơ thể người nhất được chiết xuất từ len cừu New Zealand. Hiện nay, keratin có thể được tổng hợp từ amino acid từ thực vật. Tuy nhiên, khả năng hấp thu cũng như hiệu quả của chúng không thể so sánh với keratin từ động vật. Do đó phần lớn các hãng mỹ phẩm vẫn ưu ái keratin từ động vật hơn. 

mỹ phẩm thuần chay keratin

Vegan ảnh hưởng tới môi trường như thế nào?

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, trong khi thịt gia súc chiếm một phần rất nhỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày của con người, ngành công nghiệp chăn nuôi lại sử dụng một lượng tài nguyên vô cùng lớn tới 80% số lượng đất nông trại được sử dụng cho chăn thả. Vậy ngành công nghiệp chăn nuôi  ảnh hưởng đến môi trường như thế nào? 

Trước tiên, để chăn thả cần có đất. Do đó ngành chăn nuôi là một trong những lý do lớn nhất của tình trạng phá rừng. Theo thống kê của World Bank, từ năm 1990 đến năm 2016, trái đất đã mất đi 1.3 triệu km2 rừng. Ở Amazon, chăn thả gia súc chiếm tới 80% lý do dẫn tới phá rừng. Khoảng 450 ngàn km2 rừng già Amazon đã mất đi để lấy chỗ chăn nuôi gia súc cũng như gieo trồng thức ăn cho gia súc. Nạn phá rừng trầm trọng không chỉ thu hẹp lá phổi xanh của trái đất mà còn làm mất đi ngôi nhà chung cung như môi trường sống của 80% động vật và thực vật sống trên cạn trong đó bao gồm những loài động vật bên bờ vực tuyệt chủng như đười ươi hay hổ Sumantra.  

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn đóng góp vào ảnh hưởng khí hâu toàn cầu. Khi nhắc tới sự ấm lên của trái đất, chắc hẳn bạn đã nghe tới khí nhà kính. Bên cạnh CO2, khí nhà kính còn bao gồm  khí Mêtan (CH4). Khi các động vật chăn thả đặc biệt là bò nhai và tiêu hoá thức ăn, chúng thải ra 1 lượng không nhỏ khí nhà kính này. Theo thống kê từ National Geographic, hiện này có khoảng 1.4 tỷ gia súc trên thế giới. Cùng với các động vật chăn thả khác, chúng đóng góp tới 40% lượng khí mêtan vào bầu khí quyển hàng năm. Tuy lượng khí mêtan trong bầu khí quyển thấp hơn rất nhiều lần so với CO2, chúng hoạt động mạnh hơn gấp 28 lần CO2 trong tác động làm ấm trái đất. Ngoài ra, mêtan có khả năng giữ nhiệt rõ rệt do đó, chỉ cần tăng thêm một chút khí mêtan vào khí quyển nó có thể tác động đến cả mức độ và tốc độ nóng lên của trái đất. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, nếu như cả thể giới theo lối sống vegan tới năm 2050 thì lượng khí nhà kính có thể giảm đi 75%. 

Thiên nhiên không chỉ bao gồm cây xanh, nguồn nước hay không khí mà còn là một tổ hợp hệ sinh thái với vô vàn các loại động thực vật. Vì vậy bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu rác thải mà còn bảo về từng km2 rừng và những loài động thực vật sinh trưởng và tồn tại trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Trong ngành công nghiệp nước hoa, một nguyên liệu thường thấy để tạo nên các note hương gỗ, trầm chính là resin (nhựa hay mủ) được chiết xuất từ các loài cây. Nhiều loại resin phố biến như elemi tuy được chiết xuất từ thân cây nhưng không được tính là vegan vì rất nhiều loài kiến cũng như ấu trùng của côn trùng sẽ bị giết đi trong quá trình lấy mủ. Do đó PETA không công nhận những nguyên liệu này thuộc danh sách Vegan.  

mỹ phẩm thuần chay tác động tới môi trường

Vậy xu hướng chay trường ảnh hưởng thế nào tới ngành công nghiệp mỹ phẩm?

Kế tiếp thực phẩm, đó là mỹ phẩm. Khi phong trào ăn chay trường phát triển rầm rộ, một số lượng lớn các bạn trẻ theo xu hướng ăn chay trường đã đi theo lối sống Vegan: không sử dụng các sản phẩm từ động vật bao gồm da thuộc cũng như lựa chọn sử dụng mỹ phẩm thuần chay

Cuối năm 2017, trang thương mại điện tử cao cấp Net-a-porter cho ra đời danh mục “Mỹ phẩm sạch” bao gồm những dòng mỹ phẩm thuần chay, hữu cơ cũng như bền vững. Họ thêm vào 11 hãng mỹ phẩm thuần chay vào năm 2018 và tăng 50% doanh thu so với năm trước. Trong đó, hạng mục chăm sóc da sạch tăng lên 70% còn mỹ phẩm trang điểm tăng lên 30%. Trong khi đó, chuối mỹ phẩm bình dân Superdrug tại Anh cũng cho ra mắt 1 cửa hàng pop-up về mỹ phẩm thuần chay ở London và nghi nhận tăng 60% doanh số của mỹ phẩm thuần chay trong năm 2018. 

Vì sao lại chọn Mỹ phẩm Vegan?

Ngày nay làn sóng mỹ phẩm “xanh” ngày nay đã không chỉ dừng lại ở những dòng mỹ phẩm hữu cơ (organic), mỹ phẩm thiên nhiên (natural) hay mỹ phẩm cruelty-free. Trong làn sóng bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật mạnh mẽ, các hãng mỹ phẩm thuần chay dần dần hình thành để đáp ứng nhu cầu của phái đẹp. Le Labo chính là một ví dụ điển hình trong sự nỗ lực của một hãng nước hoa trở thành thương hiệu 100% thuần chay. Le Labo nằm trong danh sách những hãng mỹ phẩm thuần chay được PETA công nhận. 

mỹ phẩm thuần chay nước hoa Santal Le Labo

Ngoài ra, rất nhiều bạn chọn lối sống vegan không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn vì niềm tin vào một phong cách sống lành mạnh hơn. Một trong những hãng mỹ phẩm thiên nhiên cao cấp thuần chay đáng kể tới chính là Tata Harper. Nhà sáng lập Tata Harper đã từng nói: “Mỹ phẩm đi sau thực phẩm vì chúng dùng chung rất nhiều nguyên liệu. Nếu như nguyên liệu tiêu hoá tốt thì chúng cũng tuyệt vời để bôi lên da.” Dòng sản phẩm dưỡng da của Tata Harper tràn đầy những nguyên liệu hữu cơ hiệu quả như nước hoa hồng Damascena, chiết xuất rau má hay vỏ cây liễu trắng. Những sản phẩm nổi bật nhất của Tata Harper có thể kể đến mặt nạ Resurfacing và serum Resurfacing cho da lão hoá hay sữa rửa mặt hoạt tính sinh học Purifying Cleanser. 

mỹ phẩm thuần chay essence Tata Harper

mỹ phẩm thuần chay mặt nạ Tata Harper

mỹ phẩm thuần chay sữa rửa mặt Tata Harper

Vậy mỹ phẩm thiên nhiên có phải là mỹ phẩm Vegan không?    

Hầu hết mỹ phẩm Vegan sử dụng rất nhiều thành phần thiên nhiên. Tuy nhiên không phải hãng mỹ phẩm thiên nhiên hay mỹ phẩm hữu cơ nào cũng là thuần chay. Hãng mỹ phẩm hữu cơ KORA của siêu mẫu Miranda Kerr là một ví dụ điển hình. Hơn 90% sản phẩm của KORA là thuần chay. Tuy nhiên KORA vẫn có 2 sản phẩm là Noni Glow Face Balm và Noni Glow Body Balm chứa sáp ong. 

Nếu bạn muốn tìm một hãng mỹ phẩm thuần chay, bạn có thể tìm những nhãn hàng có chứng nhận Vegan của Vegan society hay nằm trong danh sách công nhận của PETA. Một trong những hãng mỹ phẩm Vegan tuyệt vời được nhiều người ưa chuộng đó chính là Aesop. Với những bạn yêu thích những sản phẩm chăm sóc da có hương thơm thảo mộc thiên nhiên không thể bỏ qua dòng sản phẩm chăm sóc cơ thể Geranium (hoa phong lữ) đặc trưng từ Aesop. Đặc biệt trong mùa dịch, bạn có thể chọn nước rửa tay khô Resurrection Rinse-Free Hand Wash với hương quýt và gỗ tuyết tùng dễ chịu.

mỹ phẩm thuần chay nước rửa tay Aesop

Nếu nước Úc có Aesop thì Anh Quốc có Neal’s Yard Remedies, một hãng mỹ phẩm hữu cơ thuần chay tuyệt vời. Neal’s Yard Remedies không chỉ nổi tiếng với những loại tinh dầu hữu cơ nguyên chất mà còn bởi dòng sản phẩm dưỡng da chống lão hoá Frankincense hiệu quả. Bên cạnh đó Neal’s Yard Remedies cũng ủng hộ rất nhiều những tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật cũng như đạt chứng nhận “trung hoà carbon” (Carbon Neutral) toàn cầu. Để đạt được chứng nhận này, Neal’s Yard Remedies cân bằng lượng khí thải carbon bằng cách tài trợ những chương trình tiết kiệm lượng carbon tương đương ở những nơi khác trên thế giới. Để cắt giảm lượng khí thải carbon, Neal’s Yard Remedies có tới 700m2 bảng năng lượng mặt trời ở nhà máy thân thiện môi trường tại Dorset. Bên cạnh đó, Neal’s Yard Remedies còn sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho cả nhà máy cũng như những chuỗi cửa hàng.

mỹ phẩm thuần chay serum Franskincense

Sự nở rộ của mỹ phẩm Vegan

Tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của xu hướng mỹ phẩm thuần chay, rất nhiều nhãn hàng đã và đang mang lại nhiều sản phẩm thuần chay hơn tới tay người tiêu dùng. Hãng mỹ phẩm cao cấp Hourglass đã cam kết trở thành 100% vegan trong năm nay 2020. 

Một trong những trở ngại trở thành thương hiệu vegan với những hãng mỹ phẩm nổi tiếng với dòng sản phẩm makeup đó chính là Carmine. Với những món đồ trang điểm đặc biệt là son môi, đó là một nguyên liệu tạo màu không thể thiếu. Carmine (hay còn được gọi là cochineal, natural red 4, E120 và C.I.75470) là sắc tố đỏ được tạo nên từ việc nghiền nát con rệp son cái. Theo thống kê, để tạo nên khoảng 1kg phẩm màu đỏ carmine cần tới 150,000 con rệp son cái. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất của các hãng mỹ phẩm trong việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế có Carmine. Những sắc tố đỏ có nguồn gốc thực vật như phẩm màu từ khoai tây, củ dền đỏ hay cà rốt hoạt động tốt hơn khi hoà tan trong nước trong khi son môi là một sản phẩm gốc dầu. 

Trong khi đó nhiều hãng mỹ phẩm đang dần trở nên minh bạch hơn khi chủ động đưa danh sách sản phẩm vegan tới tay người tiêu dùng. Charlotte Tilbury, Urban Decay, Bobbi Brown, Sunday Riley, hay Murad là những ví dụ điển hình trong việc đẩy mạnh dòng sản phẩm Vegan. Trong đó, dòng kem dưỡng da mới nhất nhất từ Bobbi Brown Hydrating Water Fresh Cream cũng là một sản phẩm thuần chay có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm da tuyệt vời. 

Nếu như thị trường mỹ phẩm phương Tây đang phát triển mạnh mẽ về xu hướng mỹ phẩm thuần chay, ở châu Á xu hướng này mới chỉ ở bước đầu. Dear Dahlia là thương hiệu làm đẹp thuần chay uy tín từ Hàn Quốc lấy cảm hứng từ đoá hoa thược dược yêu kiều. Dear Dahlia không chỉ đốn tim mọi cô gãi với thiết kế cẩm thạch trắng viền ánh kim sang trọng mà còn bởi những màu son ngọt ngào tan chảy. 

mỹ phẩm thuần chay son lì Dear Dahlia

mỹ phẩm thuần chay son lì Dear Dahlia màu đỏ

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Clarke

Ảnh: Dzung Yoko, Tư liệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more