Tự nhiên & Nhân tạo: Ai đúng ai sai?

Đăng ngày:

Trong quan điểm sống và làm đẹp của Á Đông, không gì tốt hơn “tự nhiên”. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nhiên mà đẹp. Ngành mỹ phẩm cũng vậy, ngày càng nhiều thương hiệu giới thiệu mỹ phẩm tự nhiên, hữu cơ, mỹ phẩm sạch, thuần chay và gần đây là mỹ phẩm từ thực vật. Tuy nhiên, những xu hướng này có thật sự tốt như chúng ta vẫn luôn tin tưởng hay không? Liệu các sản phẩm tự nhiên có thực sự hiệu quả như ta mong muốn?

Ranh giới của sự tự nhiên Trong địa hạt mỹ phẩm

Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra là: Với bạn, mỹ phẩm tự nhiên là gì? Là những dòng sản phẩm đóng nhãn 100% tự nhiên hay là dòng sản phẩm chứa thành phần tự nhiên? Là thành phần thiên nhiên không qua tinh chế như dầu dừa, dầu hoa anh thảo, lô hội… hay là những thành phần có nguồn gốc thiên nhiên như chiết xuất nhân sâm, chiết xuất hoa trà? Hay đơn giản là chúng không chứa những thành phần có tên hóa học?

Chúng ta thường vạch ra một ranh giới rất rõ ràng giữa tự nhiên và nhân tạo. Mọi thứ trong bảng thành phần có tên hóa học thường sẽ được gọi với một cái tên chung khá đáng sợ là: “hóa chất”. Những thứ thuộc về hóa chất sẽ không thể tính là tự nhiên và sẽ được dán nhãn nguy hiểm, gây hại. Thế nhưng cơ thể của chúng ta là một tổ hợp hóa chất và trên một góc độ nào đó, hầu hết “hóa chất” trong mỹ phẩm đều được tổng hợp từ các thành phần tự nhiên.

mỹ phẩm tự nhiên và nhân tạo

Hãy lấy Squalane làm ví dụ. Chúng ta rất dễ nhầm lẫn Squalane và Squalene vì chúng chỉ khác nhau 1 ký tự mà thôi. Squalene là một chất béo tự nhiên được sản xuất bởi cơ thể để bảo vệ làn da. Squalene có thể tìm thấy ở động vật (trong gan cá mập) và thực vật. Tuy nhiên Squalene khi không được hydro hóa sẽ bị ôxy hóa rất nhanh và mất đi tác dụng. Chưa kể việc khai thác gan cá mập còn đặt ra câu hỏi về việc bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật. Do đó, Squalane được ra đời để khắc phục những nhược điểm của người họ hàng gần giống tên. Squalane có nguồn gốc thực vật được chiết xuất từ ô liu hoặc gạo thường không ổn định. Do đó, khi Biossance cho ra mắt Squalane được tổng hợp từ đường mía vừa ổn định, tốt cho môi trường thực sự là bước đột phá trong ngành mỹ phẩm. Đó cũng là thành phần tạo nên thương hiệu của Biossance, có mặt trong những sản phẩm nổi tiếng nhất từ kem dưỡng mắt Squalane and Marine Algae Eye Cream đến kem dưỡng Squalane and Probiotic Gel Moisturizer. Tuy nhiên, quá trình tổng hợp này được thực hiện trong phòng thí nghiệm và sử dụng rất nhiều các tác động, quá trình lên men và các phản ứng hoá học khác nhau để tạo thành. Vậy chúng ta còn có thể xem đó là thành phần tự nhiên nữa không? Chúng ta sẽ định ra ranh giới ở đâu?

kem dưỡng mắt Biossance

Kem dưỡng mắt Squalane and Marine Algae Eye Cream BIOSSANCE.

Mỹ phẩm “Xanh” liệu có an toàn?

Một trong những lý do người tiêu dùng hướng đến những sản phẩm tự nhiên vì họ nghĩ rằng tự nhiên là an toàn. Điều này không đúng hoàn toàn. Cũng giống như những sản phẩm chúng ta ăn mỗi ngày, rau củ và hoa quả, không phải cái gì cũng an toàn. Mỹ phẩm cũng vậy, những thành phần chiết xuất tự nhiên đôi khi lại dễ gây kích ứng hơn những thành phần nhân tạo, đặc biệt trong những sản phẩm tạo mùi. Do đó nhiều thành phần tự nhiên bị Ủy ban châu Âu cũng như FDA của Mỹ ra lệnh hạn chế sử dụng trong mỹ phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu bạc hà hay tinh dầu hoa nhài cao cấp (jasmine absolute).

Thậm chí có khá nhiều thành phần tự nhiên trong mỹ phẩm và nước hoa đã bị Ủy ban châu Âu cấm triệt để như tinh dầu rêu gỗ sồi (oakmoss) vì chứa 2 chất là atranol và chloroatranol có thể gây ra tình trạng viêm da, dị ứng, mẩn ngứa đối với 1% đến 3% dân số châu Âu.

mỹ phẩm tự nhiên có an toàn không

Rất nhiều phụ nữ mang bầu chọn dùng những sản phẩm thiên nhiên vì nghĩ rằng chúng lành tính và an toàn hơn, nhưng không hẳn là thế. Một số sản phẩm này đôi khi chứa một lượng lớn các loại tinh dầu tạo mùi vừa không đem lại hiệu quả lại dễ gây dị ứng. Thay vào đó một dòng sản phẩm cơ bản, lành tính dù không hoàn toàn tự nhiên lại tốt hơn như dòng sản phẩm Toleriane và Lipikar của La Roche Posay. Sữa rửa mặt Toleriane Gentle Cream Dermo-Cleanser là một loại sữa rửa mặt dạng kem tối giản (minimal) chỉ với 8 thành phần giúp nhẹ nhàng làm sạch da mà không gây kích ứng và có độ an toàn cao.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, những tổ chức quốc tế uy tín như Ủy ban châu Âu, FDA của Mỹ đều thường xuyên ra lệnh “cấm” những chất có khả năng không an toàn cho người tiêu dùng. Tháng 3 năm nay châu Âu chính thức cấm Lilial (hay còn gọi là butylphenyl methylpropional) – một chất tạo mùi hoa trắng thông dụng trong mỹ phẩm đã bị cấm hoàn toàn sau khi được xếp vào danh mục CMR 1B gồm những chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Quyết định này dựa trên một nghiên cứu trên chuột ở nồng độ rất cao. Lệnh cấm đã gây nên một làn sóng tranh cãi lớn trong ngành mỹ phẩm vì nhiều chuyên gia về da liễu cho rằng nghiên cứu này không phản ánh thực tế lượng Lilial có trong mỹ phẩm và chất tạo mùi nào dùng ở nồng độ cao đều có hại, dù có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo.

Tính hiệu quả cao

Khoảng thời gian trở lại đây, phái đẹp đã chú ý hơn đến một thành phần rất quan trọng trong mỹ phẩm: chất chống ôxy hóa. Những chất chống ôxy không chỉ cứ đắp lên da ở dạng cơ bản sẽ đem lại hiệu quả mà cần đến sự can thiệp của khoa học để đưa chúng tới định dạng mà da có thể dễ dàng hấp thụ.

Một trong những chất chống ôxy hóa đa năng và được phái đẹp ưu ái nhất – vitamin C – lại như một nàng tiểu thư đỏng đảnh. Vitamin C đặt trong công thức dạng nước không ổn định, dễ biến chất nhanh; vitamin C trong dầu hay silicone lại dễ gây khó chịu cho da. Chưa kể vitamin C trong mỹ phẩm còn có hàng chục dẫn xuất khác nhau như: L-ascorbic acid (LAA), Sodium Ascorbyl Phosphate (SAP) hay Ascorbyl palmitate (AA-PAL).

Để tạo được công thức chứa vitamin C hiệu quả, ổn định và không gây kích ứng cần đến sự can thiệp của khoa học cũng như những chất đi kèm để giữ được độ ổn định như Ferulic Acid. Ferulic Acid là một chất chống ôxy hóa không chỉ giúp chống lại các gốc tự do mà còn giúp tăng cường hiệu quả của những chất chống ôxy hóa khác. Sự phối hợp giữa vitamin C và Ferulic Acid mang lại khả năng bảo vệ cũng như tái tạo làn da, giúp làm sáng da và mờ đi vết thâm nám. Vì vậy bạn có thể thấy sự kết hợp này ở những serum cao cấp của những thương hiệu mỹ phẩm đình đám như Skinceuticals với serum C E Ferulic, serum C15 Super Booster của Paula’s Choice hay Pure vitamin C 15% with Ferulic Acid của By Wishtrend.

serum vitc Paula's Choice

Serum C15 Super Booster PAULA’S CHOICE.

mỹ phẩm vitc Skinceuticals

Serum C E Ferulic SKINCEUTICALS.

Mỹ phẩm “Xanh” – Bền vững và thân thiện với môi trường

Rất nhiều người tìm đến những sản phẩm tự nhiên, mỹ phẩm “xanh” với mục đích bảo vệ môi trường, cùng niềm tin rằng những chất hóa học sẽ gây ô nhiễm khí thải ra không khí. Điều này không hề sai.

Một thành phần rất phổ biến trong mỹ phẩm ngày nay, từ dầu gội đến kem dưỡng da đều có chứa chính là silicone. Silicone trong mỹ phẩm xuất hiện vô cùng đa dạng. Cơ bản nhất có thể kể tới Dimethicone hay Phenyl Trimethicone. Cao cấp hơn, đắt tiền hơn sẽ có các silicone đàn hồi như vinyl dimethicone crosspolymer. Nhưng hầu hết các loại silicone đều không thể tự phân hủy. Dù các nghiên cứu gần đây đều không đủ bằng chứng để chứng minh Dimethicone có làm ô nhiễm nguồn nước biển hay không, nhưng cũng như chất thải nhựa, ảnh hưởng của silicone đối với môi trường là không tránh khỏi.

Có những thành phần hóa học bảo vệ làn da nhưng lại gây hại cho môi trường như Oxybenzone và Octinoxate. Đây là hai thành phần chống nắng hóa học rất phổ biến nhưng gây ô nhiễm cho nguồn nước biển, ảnh hưởng đến ADN của san hô, làm chúng trở nên suy yếu dẫn đến tự diệt. Kem chống nắng cũng là một bài toán khó cho những người muốn hướng đến mỹ phẩm thiên nhiên vì hầu hết những thành phần chống nắng vật lý hay hóa học đều được tổng hợp từ phòng thí nghiệm. Và không phải hợp chất nhân tạo nào cũng có hại cho môi trường. Những loại kem chống nắng với thành phần chính là Zinc Oxide vừa an toàn, lành tính lại không ảnh hưởng đến môi trường như Dr. Dennis Gross All-Physical Lightweight Wrinkle Defense Broad Spectrum Sunscreen SPF 30 hay Dermalogica Invisible Physical Defense Sunscreen SPF 30. Cả hai đều có thành phần chống nắng chính là Zinc Oxide nhưng lại dễ dàng tán đều trên da mà không để lại vệt trắng – điều mà nhiều kem chống nắng chứa Zinc Oxide hay mắc phải.

kem chống nắng DrDennis

Kem chống nắng DR. DENNIS GROSS.

Mọi thứ đều có hai mặt. Để sản xuất được 1 kg tinh dầu hoa hồng cao cấp (rose absolute) cần đến 4 tấn hoa hồng (tương đương với 1,6 triệu đóa hồng). Trung bình mỗi ngày thế giới dùng đến 9,5 tỉ lít nước sạch để phục vụ cho việc phát triển trồng trọt quả bơ. Dầu quả bơ được dùng rất nhiều trong mỹ phẩm nhờ khả năng chống ôxy hóa cũng như chống viêm, giúp làm dịu, làm mềm, bảo vệ cũng như nuôi dưỡng làn da. Tuy nhiên, nhu cầu cho quả bơ tăng cao ở cả ngành mỹ phẩm và ẩm thực đã đẩy nhanh tốc độ phá rừng cũng như ăn mòn đất do độc canh. Những khu vực thiên nhiên xung quanh các trang trại trồng bơ cũng bị ảnh hưởng do hạn hán vì thiếu nước trầm trọng. Mỹ phẩm thiên nhiên chỉ thực sự tốt khi các thương hiệu giữ được nguồn cung ứng bền vững để không ảnh hưởng đến môi trường.

Gặp nhau ở điểm cân bằng

Để có được một sản phẩm tốt, điều chúng ta cần là một sự cân bằng: Độ lành tính và tinh khiết của nguyên liệu từ thiên nhiên cùng với hiệu quả của thành phần nhân tạo. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về thành phần, về bao bì, và cả những hành động thiết thực mà thương hiệu đó đã và đang cam kết với người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường. Trên tất cả, chúng ta chỉ có một Trái đất mà thôi. Vì vậy khi lựa chọn những sản phẩm làm đẹp cho bản thân, hãy làm những gì bạn có thể để bảo vệ nâng niu mái nhà chung, không chỉ cho chúng ta mà còn cho những thế hệ mai sau.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thảo
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more