Hóa nàng thơ với những sản phẩm làm đẹp tân thời
Xem lại bộ phim “những lá thư gửi Juliet” vài tuần trước lễ tình nhân, tô bồi hồi nhận ra, đã bao lâu rồi mình chưa viết lá thư nào gửi cho người thân và bạn bè? Nhìn lại bàn làm việc và những chiếc bút máy đang dần bám bụi cũng những lọ mực Ferris Wheel lấp lánh sắc màu, tôi bỗng nhớ tới những lá thư tình nổi tiếng và những chuyện tình lãng mạn vượt thời gian.
NAPOLEON BONAPARTE VÀ JOSEPHINE
Thiên tình sử nổi tiếng của Napoleon Đại Đế và Josephine cuốn hút đến mức những lá thư tình của họ đã được lưu danh vào vô số sách vở, phim ảnh và cả nghiên cứu lịch sử. Dù hôn nhân không lâu dài nhưng Josephine chính là tình yêu lớn nhất cuộc đời của Napoleon. Lớn đến mức có một huyền thoại kể rằng lời nói cuối cùng của Napoleon trước khi trút hơi thở cuối cùng chính là gọi tên Josephine.
Một vĩ nhân như Napoleon, người đã chinh chiến hơn 20 năm với 80 trận chiến khi viết những dòng thư gởi người yêu lại bẽn lẽn như một chàng thiếu niên mới biết yêu:
—
“Josephine! Josephine! Hãy nhớ điều mà đôi khi ta đã nói với nàng: Tạo hóa đã phú cho ta một tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Nó đã tạo nên tính cách của nàng từ đăng ten và tơ tằm. Nàng đã hết yêu ta chưa…?”.
—
Một trong những câu hỏi nhiều nhà sử học và văn học vẫn luôn tìm câu trả lời là Josephine có gì để Napoleon Bonaparte say như điếu đổ? Khi Josephine gặp Napoleon, bà đã 32 tuổi, qua một đời chồng và có con riêng. Thế nhưng những bức họa để lại của François Gérard cho thấy một Josephine sang trọng, quý phái cùng nụ cười mỉm hiền hậu. Đôi gò má ửng hồng như màu sản phẩm phấn má Rosy Glow của Dior Backstage làm nổi bật lên làn da trắng sáng. Màu son môi hồng trầm làm tôi nghĩ tới sản phẩm 276 Timeless Romance của dòng son Lancôme L’Absolu Rouge Cream Lipstick. Chất son quyện dầu dưỡng mang lại bờ môi mướt như bơ lại tự nhiên như cánh hoa. Tên của son “Timeless Romance” thực sự xứng với chuyện tình yêu lãng mạn vượt thời gian của Napoleon và Josephine.
VUA HENRY ĐỆ VIII VÀ ANNE BOLEYN
—
“Người vô tình nhất đôi khi là người đa tình nhất”.
—
Câu nói này được viết nên như để dành cho vua Henry VIII của Anh quốc. Nổi tiếng là một vị vua vừa đa tình vừa tàn bạo với sáu vị hoàng hậu, nhưng chuyện tình đình đám nhất và cũng tai tiếng nhất của ông gắn liền với hoàng hậu thứ hai: Anne Boleyn. Đây cũng là mối tình làm nên lịch sử khi Henry đệ VIII hoàn toàn trở mặt với nhà thờ Công giáo. Giáo hoàng Clement VII mạnh mẽ ngăn cấm việc vua Henry đệ VIII ly hôn với người vợ đầu là Hoàng hậu Katherine xứ Aragon để cưới Anne Boleyn nhưng vẫn không thành công. Tháng 3/1534, Giáo hoàng đưa ra phán quyết cuộc hôn nhân thứ hai của Henry đệ VIII và Anne Boleyn không hợp lệ. Để đáp trả, Henry tuyên bố tước thẩm quyền của Giáo hoàng tại Anh quốc và tháng 11 cùng năm, Quốc hội Anh cũng thông qua đạo luật tuyên bố Henry đệ VIII là người đứng đầu Giáo hội Anh quốc.
Trớ trêu thay, những bức thư tình mùi mẫn của vua Henry đệ VIII gửi Anne Boleyn khi chưa chính thức ly hôn, hiện nay được bảo giữ trong thư viện Vatican. Một vài giả thuyết cho rằng những lá thư này được một điệp viên của Vatican đánh cắp để làm chứng cứ từ chối yêu cầu hủy hôn của Henry VIII và Katherine của Giáo hoàng. Trong những lá thư này, vị vua nổi tiếng của Vương tộc Tudor đã gọi Anne với cái tên trìu mến “Tình nhân và người bạn của tôi”:
—
“Ta và trái tim ta đặt vào tay nàng, cầu xin nàng hãy làm ơn coi chúng như đối tượng yêu thương, và rằng tình cảm của nàng sẽ không nhạt nhòa khi cách xa. Sẽ rất đáng tiếc khi làm nỗi buồn tăng thêm vì sự chia cách đã làm điều đó quá đủ rồi, và hơn bao giờ hết, ta có thể nghĩ đến một điều trong thiên văn học, đó là, ngày càng dài thì cách mặt trời càng xa, nhưng lại khốc liệt nhất”.
—
Là vua một nước nhưng ông cũng không ngần ngại hạ mình ký tên “Người hầu và người bạn trung thành của nàng” cuối lá thư để thể hiện lòng thành cũng như lời hứa hẹn với tình yêu bị ngăn cấm. Thế nhưng mối tình của Henry đệ VIII và Anne Boleyn không thoát khỏi vận mệnh của đóa hồng Tudor, tràn ngập sắc đỏ của tình yêu, máu và bi kịch.
Là một hãng nước hoa với lịch sử hơn 150 năm, Penhaligon’s cũng tạo nên Elisabethan Rose lấy cảm hứng từ đóa hồng biểu tượng của thời kỳ Tudor. Bông hồng đỏ được thiết kế như hình con dấu sáp để khóa lại những lá thư tình. Sản phẩm Elisabethan Rose mở ra một vườn hồng tươi tắn, thoảng chút hương gỗ và nốt trầm của cỏ hương bài. Càng về sau, sắc hương phấn bột của rễ hoa diên vĩ cuốn lấy sắc hồng thể hiện rõ phong cách boudoir (phòng the) của thời kỳ Tudor.
Yêu càng sâu, hận càng nhiều, sau khi kết tội và xử trảm Anne Boleyn, Henry đệ VIII đã phá hủy rất nhiều tranh vẽ về bà. Những tranh vẽ lưu lại đến ngày nay có số lượng khan hiếm và chủ yếu được vẽ bởi những họa sĩ không tên. Vì vậy vẻ ngoài của Anne Boleyn thực sự vẫn là một ẩn số. Tiêu chuẩn sắc đẹp “quý phái” ở thời kỳ Tudor là nước da sáng đến nhợt nhạt, tương phản với màu má và môi đỏ chót. Ở thời kỳ nào thì một màu son đỏ cổ điển cũng là màu cô gái nào cũng cần có. Sắc đỏ hơi sẫm, sắc nét của sản phẩm Gucci Rouge à Lèvres Mat màu Eadie Scarlet 502 với kết cấu son lì mướt như nhung thực sự có thể biến bờ môi bạn hóa thành những cánh hồng.
PIETRO BEMBO VÀ LUCREZIA BORGIA
Không nổi tiếng như chuyện tình của Napoleon hay vua Henry đệ VIII, mối tình say đắm của Pietro Bembo và Lucrezia Borgia lại khiến người ta thổn thức. Lucrezia Borgia là con gái của Rodrigo de Borgia, Hồng y người Tây Ban Nha sau này trở thành Giáo hoàng Alexander VI.
Lucrezia được miêu tả là một người phụ nữ tuyệt đẹp có mái tóc vàng óng ả dài quá gối, nước da sáng mịn, đôi mắt màu xanh nhạt như đổi màu và nhất là sự duyên dáng khiến cô như bước đi trên mây. Hồng nhan bạc phận, trong cuộc đời 39 năm ngắn ngủi, Lucrezia trải qua 3 cuộc hôn nhân sắp đặt và có một mối tình nổi tiếng với nhà thơ, Pietro Bembo.
Sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Venice, Pietro Bembo được biết đến là một nhà thơ và học giả đáng kính, sau này trở thành Hồng y ở thánh địa Vatican. Pietro đã viết rất nhiều bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ tới Lucrezia và họ thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Những bức thư tình Lucrezia và Pietro viết cho nhau đã được nhà thơ người Anh nổi tiếng Lord Byron coi là “Những bức thư tình đẹp nhất thế giới” khi ông thấy chúng trong Thư viện Ambrosian tại Milan vào năm 1816.
—
“Vì tôi sẽ không bao giờ hài lòng cho đến khi tôi chắc chắn rằng cô ấy biết những gì cô ấy có thể ban cho cho tôi và ngọn lửa mà những giá trị lớn lao của cô ấy đã thắp lên trong ngực tôi to lớn và mạnh mẽ đến nhường nào. Ngọn lửa của tình yêu đích thực là một sức mạnh to lớn, và trên hết là khi hai ý chí ngang nhau trong hai tâm hồn cao thượng tranh nhau xem ai yêu nhiều nhất, mỗi người đều cố gắng đưa ra bằng chứng quan trọng hơn”.
—
Nét đẹp của Lucrezia là hiện thân của tiêu chuẩn sắc đẹp của Thời kỳ Phục hưng Ý. Mái tóc vàng óng ả xoăn dài dày dặn cùng nước da trắng sứ, bộ ngực cao đầy như bước ra từ tuyệt tác La Nascita di Venere (Sự ra đời của thần Vệ Nữ) của bậc thầy Sandra Botticelli. Để có được nước da trắng sứ, căng bóng như phong cách Phục hưng, bạn cần một lớp kem nền có độ che phủ tầm trung và có kế cấu lỏng như sản phẩm Luminous Silk của Giorgio Armani. Công nghệ độc quyền Micro-fil giúp cải thiện cấu trúc, làm mờ khuyết điểm khiến da của giúp da bạn sáng hơn đồng thời glycerin tăng cường giữ ẩm cho da và giữ lớp nền bền cả một ngày.
Cuộc đời của Lucrezia Borgia ngập tràn sóng gió với những tai tiếng và cáo buộc ghê gớm, nhưng chuyện tình của bà và nhà thơ Pietro Bembo lại chưa từng vượt quá giới hạn của những lá thư thể hiện sự ái mộ và ngưỡng mộ từ đôi bên. Khi đọc những dòng chữ Pietro viết cho Lucrezia, tôi nghĩ đến sản phẩm Under My Skin của nhà hương indie cũng đến từ nước Ý, Francesca Bianchi. Mùi hương chủ điểm amber bí ẩn và quyến rũ, những nốt hương diễn vỹ mềm mượt như bao bọc lại tầng hương gỗ và da thuộc như những con sóng ngầm cảm xúc được che dấu dưới lớp da. Một mùi hương vừa mãnh liệt lại mềm mại mang dáng vẻ trưởng thành.
Tình yêu hoàng gia ở thời kỳ Trung cổ và Phục hưng tràn ngập trái ngang và xen lẫn bi kịch như chuyện tình của Romeo và Juliet vậy. Những lá thư tình ngày ấy là minh chứng lịch sử tồn tại và được lưu truyền mãi cho đến mai sau.
Bài: Minh Clarke
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE