Làm đẹp / Xu hướng & Cảm hứng

6 xu hướng chăm sóc sức khỏe cho năm 2023

Đâu là những xu hướng chăm sóc sức khỏe sẽ thịnh hành vào năm 2023?

Những tác động lâu dài của COVID-19 vẫn còn nguyên vẹn, gây ra sự biến đổi không ngừng đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống, bao hàm cả cách con người nhìn nhận tầm quan trọng của sức khỏe tổng thể. Trong những ngày đầu năm 2023, đây là lúc mỗi người phải chọn cho mình một số cách tiếp cận vấn đề sức khỏe bền vững hơn. 

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng ELLE khám phá 6 xu hướng chăm sóc sức khỏe sẽ bùng nổ vào năm 2023 theo dự đoán từ các chuyên gia.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến

Mặc dù đại dịch đã đặt gánh nặng lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một xu hướng hoàn toàn mới: chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Việc chẩn đoán, chữa trị qua video và giám sát từ xa trở nên phổ biến đối với các trường hợp bệnh không quá khẩn cấp, từ đó giảm bớt căng thẳng cho bệnh nhân khi họ buộc phải cách ly và không thể trực tiếp đến phòng khám hay bệnh viện.

Theo thống kê của Zocdoc (một nền tảng cung cấp dịch vụ y tế trực tuyến), chưa đến 1% tổng số lượt đặt trước của Zocdoc vào tháng 2/2020 là dành cho chăm sóc sức khỏe từ xa và đến tháng 5/2020, tỷ lệ đó đã tăng vọt lên khoảng 30 – 40%. Ngoài ra, cuộc khảo sát năm 2021 của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, khi sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, có hơn 80% bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, 62% bệnh nhân hài lòng hơn và 3/4 người dân cho biết họ muốn tiếp tục được chăm sóc sức khỏe như vậy.

Tái chế thực phẩm để sống bền vững hơn

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng áp dụng lối sống “không lãng phí”. Trong thời kỳ đại dịch, lãng phí thực phẩm vẫn là một vấn đề đáng để quan tâm. Bếp trưởng Boris Ginet, chủ sở hữu của nhà hàng Risbo, cho biết:

“Mặc dù khái niệm ‘tái chế thực phẩm’ không mới đối với các đầu bếp như tôi, nhưng chắc chắn đại dịch đã thúc đẩy tôi thay đổi cách điều hành công việc kinh doanh của mình. Giờ đây, tôi tập trung vào việc duy trì ý thức tái chế thực phẩm trong nhà hàng càng lâu càng tốt.”

Ginet nói thêm rằng mọi người có thể thực hiện việc tái chế thực phẩm tại nhà bằng cách “tái sử dụng bã trái cây sau khi ép nước để làm nước dùng cho món chay…” chẳng hạn. Phương pháp dễ thực hiện này có thể giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực và tạo thói quen lành mạnh, bền vững, đồng thời giúp cứu lấy Trái Đất thân yêu của chúng ta.

Tập thể dục 24/7 mọi lúc mọi nơi

Các phòng tập thể dục buộc phải tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch, vì thế các huấn luyện viên cá nhân và chủ sở hữu các không gian chăm sóc sức khỏe truyền thống đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu có thể, họ phải chuyển sang sử dụng các lớp học trực tuyến để tái tạo cảm giác kết nối với nhiều người. Những người tiếp tục làm việc ở nhà có thể tham gia những lớp học thể dục trên mạng với liều lượng vận động ngắn hơn, nhanh hơn, riêng tư hơn. Thể dục sẽ không còn là một hoạt động “có cũng được, không cũng chẳng sao”, mà là một tiêu chuẩn cần thiết phải có của con người hiện đại.

Nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trong thời kỳ dịch bệnh, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu tăng lên đáng kể, với 43% số người cảm thấy lo lắng nhiều hơn và 45% số người bị trầm cảm. Lia Avellino, LCSW (nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép) và là đồng sáng lập của trang Spoke Circles, giải thích:

“Sáng kiến ​​kết hợp hỗ trợ kỹ thuật số là cần thiết và liệu pháp từ xa đã cho phép thế giới tiếp cận nhiều hơn. Ý tưởng về việc trị liệu đã được bình thường hóa và đại dịch đã khiến mọi người cởi mở hơn về những khó khăn của họ.”

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ người dân trưởng thành trong độ tuổi 18-44 được điều trị sức khỏe tinh thần đã tăng từ 18,5% lên 23,2% chỉ trong 12 tháng qua. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 5/2022 do Zocdoc thực hiện, 77% bệnh nhân được hỏi cho biết họ dự định sử dụng kết hợp chăm sóc sức khỏe từ xa và khám bệnh trực tiếp trong tương lai, trong khi 83% nhà cung cấp cho biết tương lai của chăm sóc sức khỏe sẽ kết hợp chăm sóc sức khỏe từ xa và khám trực tiếp, bao gồm tham vấn về tâm thần.

Đơn giản hóa quy trình chăm sóc da

“Simplification” (Đơn giản hóa) sẽ trở thành từ ngữ được nhắc lại nhiều nhất trong ‘từ điển làm đẹp” của phụ nữ hậu đại dịch. Phái đẹp ít trang điểm hơn hẳn hoặc hoàn toàn không trang điểm, thay vào đó họ sử dụng các sản phẩm chăm sóc da. Trong một nghiên cứu năm 2022, so với năm 2019 thì doanh thu đồ trang điểm giảm 19%, chiếm 16% thị trường toàn cầu, trong khi doanh thu bán sản phẩm chăm sóc da tăng vọt, hiện chiếm 42% thị trường toàn cầu, dự kiến sẽ tạo ra 177 tỷ USD vào năm 2025 ở Mỹ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng thích mua sản phẩm có bao bì tái sử dụng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, thị trường bao bì tái sử dụng cho các sản phẩm làm đẹp đã tăng 65% từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 chỉ riêng ở Mỹ và sẽ tăng lên hằng năm.

Du lịch giải trí vì sức khỏe

Đại dịch không chỉ gây ra sự chuyển đổi mô hình lớn trong ngành du lịch dựa trên sức khỏe, mà mọi người còn có cách nhìn mới tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần và thể chất của mình. Tanyka Renee – một doanh nhân du lịch đã đến thăm 111 quốc gia cho đến nay và thực sự cảm thấy du lịch là một phương pháp rèn luyện sức khỏe rất tốt. Renee cho biết:

“Xu hướng được ưa thích là du khách kết hợp công việc trong hành trình du lịch của họ, tận dụng lịch làm việc từ xa linh hoạt bằng cách lựa chọn các hành trình du lịch tự nhiên bằng đường bộ.”.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy rằng du lịch có thể mang lại “kết quả tâm lý tích cực”. Do đó, trong thời kỳ hậu đại dịch, nhu cầu nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ thúc đẩy mọi người tìm kiếm các phương pháp tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe của họ, làm tăng nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe tại mỗi quốc gia.

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Thư

Tham khảo: ELLE US

Ảnh: Tổng hợp 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)