Phẫu thuật thẩm mỹ: Chuyện không của riêng ai
Nếu vẫn còn giữ suy nghĩ chuyện phẫu thuật thẩm mỹ chỉ cho “đàn bà”, có lẽ bạn sẽ sửng sốt khi biết được tại thời điểm hiện tại cứ 10 người đàn ông Hàn Quốc sẽ có 1 người đã từng phẫu thuật thẩm mỹ.
Dĩ nhiên đó là chuyện của nước khác, nhưng thế hệ trẻ của Việt Nam đang lớn lên và đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa cũng như nền giải trí Hàn Quốc… vậy nên sau này có ra đường mà cứ 10 người đàn ông Việt thì có 1 người đã từng giải phẫu thuật thẩm mỹ, thì đó cũng không hẳn là chuyện lạ.
Đã từng có một thời chuyện chỉnh răng bị người Việt quy chụp cho là “phẫu thuật thẩm mỹ”. Một vài tờ báo mạng muốn câu view đã lục tung hình quá khứ của ca sĩ Bảo Thy để tìm ra bằng chứng phẫu thuật thẩm mỹ của cô này, nhưng kết quả có được là hai tấm hình trước và sau khi Bảo Thy niềng răng. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ để cho những người không thích Bảo Thy vào chê trách và dè bỉu chuyện “vẻ đẹp dao kéo”. Thật may mắn cũng chính nhờ sự kiện này mà Bảo Thy cũng góp phần giúp người Việt hiểu ra rằng răng đẹp hơn thì bạn cũng đẹp hơn.
Quay lại vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ, vẫn còn rất nhiều người đàn ông cũng như phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà là toàn cầu còn dè dặt với việc làm đẹp bằng dao kéo. Thật sự thái độ dè dặt là hoàn toàn đúng với tâm lý của một người bình thường. Song, đối với một người có nhan sắc không được mãn nhãn cho lắm thì tâm lý của họ sẽ là cân nhắc, thậm chí là rất cân nhắc chuyện phẫu thuật để cải thiện dáng vẻ bề ngoài. Đặc biệt hơn, ở Châu Á, với một đại bộ phận mê tín dị đoan, thì hình ảnh bề ngoài cũng rất quan trọng vì nó là một trong những yếu tố quyết định cuộc sống của bạn có tốt đẹp hay không.
Luồng tư tưởng đối lập về giải phẫu thẩm mỹ hình thành ngày một mạnh mẽ hơn khi truyền thông lúc thì lên tiếng quảng bá cho các công nghệ làm đẹp hiện đại, lúc thì làm cả phim tài liệu phơi bày những ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng và những chuyện đáng chê trách của ngành này. Điều này càng làm các chị em phụ nữ hoang mang hơn và đàn ông thì lại càng trở nên bảo thủ với dao kéo vì họ cho rằng kết quả sau khi phẫu thuật thẩm mỹ là không bền và rồi “xấu cũng hoàn xấu”. Thế nhưng, tại sao bạn chỉ chú ý đến chuyện con sâu làm rầu nồi canh và đạp đổ luôn nền y khoa hiện đại – nơi mà người ta có thể giúp bạn cải thiện hình hài để hòa nhập với thế giới và thậm chí giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn?!
Viện trưởng của bệnh viện thẩm mỹ Jelwery (Top 3 bệnh viện về thẩm mỹ uy tín nhất tại Seoul), Giáo sư Shin Yongwon, một trong sáu tiến sĩ về ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc, cho biết: “Công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ đang thay đổi từng ngày từng giờ, đòi hỏi bác sĩ cũng thường xuyên cập nhật và nâng cao tay nghề để đem đến những kết quả tốt nhất cho khách hàng. Theo thời gian, các bác sĩ đã đơn giản hoá các ca đại phẫu (sửa ngực, gọt xương hàm,..) trở nên rất nhẹ nhàng, chỉ mất vài ngày nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng trên gương mặt, hiện nay có đến 370 kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Các xu hướng về cái đẹp cũng thay đổi dần, những năm trước nét đẹp búp bê rất được ưa chuộng thì gần đây là sự lên ngôi của vẻ đẹp tự nhiên, sửa mà như không, khiến cho người ngoài nhìn vào chỉ biết rằng bạn đẹp hơn nhưng không thể nói rằng bạn đã sửa những chỗ nào.”
Giáo sư Shin còn cho biết rằng ông đã 47 tuổi và cũng là người từng trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh mũi. Ông còn khẳng định luôn: “Kết quả của những ca phẫu thuật thẩm mỹ tốt sẽ là mãi mãi nếu như bạn không “quá tham lam” chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần một bộ phận trên cơ thể.” Minh chứng của những ca phẫu thuật thẩm mỹ “ngàn năm không hỏng” có thể kể đến diễn viên Lee Da Hae, Kim Huyn Joong, Lee Sang Woo…
Trong chương trình truyền hình Knee-Drop Guru, chàng cựu trưởng nhóm SS501, Kim Huyn Joong, đã rất thành thật trả lời: “Chúa đã ban tặng vẻ đẹp đó cho tôi và bác sĩ chỉ chỉnh sửa chút xíu”.
Giáo sư thẩm mỹ Kim Byung Gun nhấn mạnh: “Người muốn phẫu thuật thẩm mỹ phải luôn chuẩn bị tư tưởng và lường trước những hậu quả xảy ra ngoài mong muốn. Để giảm thiểu những tai nạn hoặc kết quả không mong muốn, bạn cần đi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trước khi quyết định trả tiền cho dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Điều quan trọng nhất là hãy chọn những bệnh viện có nhiều bác sĩ chuyên gia được đánh giá cao cũng như có bằng cấp chuyên môn.”
Ông cho biết thêm là một bác sĩ thẩm mỹ giỏi chỉ có thể đảm nhiệm việc “sửa chữa” vài bộ phận nhất định trên cơ thể ví dụ như: mũi, cằm, ngực hay bụng… Để có tay nghề cao và tránh rủi ro, các bác sĩ có chuyên môn cao chỉ tập trung vào đúng sở trường của mình. Giống các ngành y khoa thông thường, bác sĩ tai mũi họng chỉ chữa các bệnh về tai mũi họng hoặc bác sĩ tim thì chỉ quan tâm tới các loại bệnh về tim, vì thế mà bệnh nhân cần biết rằng cầu thầy phải cầu cho đúng người.
Với tốc độ “lây lan” chóng mặt của công nghệ thẩm mỹ Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay, hàng loạt các bệnh viện thẩm mỹ viện hoành tráng có vốn đầu tư của Hàn cũng đã và đang có mặt để phục vụ những ai có nhu cầu cải thiện sắc đẹp. Tuy nhiên, các bác sĩ có tâm với nghề đều không bao giờ lạm dụng ước muốn làm đẹp của khách hàng để khuyên bệnh nhân phẫu thuật thật nhiều. Một ca phẫu thuật thẩm mỹ hoàn hảo chỉ là để bệnh nhân có được một sắc vóc hoàn thiện phù hợp với cơ địa bản thân cũng như làm bật lên nét đẹp mềm mại tự nhiên vốn có của mỗi người.
—
Xem thêm
Vân Trang (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)