Nước hoa và hội họa

Cách mà nước hoa được sáng tạo ra rất giống với cách những tác phẩm hội họa ra đời. Cùng ELLE tìm hiểu về nước hoa thông qua lăng kính lịch sử nghệ thuật, từ dòng nước hoa Floriental cho đên Trường phái Dã thú (Fauvism), từ nước hoa Cologne cho tới Hội họa Lập thể (Cubism)...

Share

Chế biến nước hoa có thể không được liệt vào một loại hình nghệ thuật dạng như Hội họa hay Nhiếp ảnh, nhưng những người yêu mùi hương đích thực – hay đơn giản chỉ là những cái mũi thính nhạy, chuyên nghiệp – có thể cam đoan với bạn rằng: những thứ không được treo trên tường gallery vẫn có thể là tuyệt tác.

Sự giao thoa với nghệ thuật

Nước hoa đã giao thoa với những loại hình nghệ thuật khác từ rất lâu: Salvador Dalí đã thiết kế chai đựng cho Le Roy Soleil của Schiaparelli khoảng năm 1946 và thậm chí đã cho dùng tên ông để đặt cho một loại nước hoa ra đời vào thập niên 80. Nghệ sĩ Pháp Jean-Michel Othoniel, người nổi tiếng với nghệ thuật sắp đặt thủy tinh xứ Murano trên diện rộng, gần đây vừa sáng tạo ra chai đựng phiên bản giới hạn dành cho nghệ sĩ của J’adore L’Absolu (giá khoảng 3.500 đôla Mỹ). Và còn vô số loại nước hoa khác được tạo cảm hứng trực tiếp từ những tác phẩm nghệ thuật.

Những sản phẩm thuộc Olfactive Studio – một nhãn hàng mới của thị trường nước hoa Paris – chẳng hạn, mỗi loại cộng tác riêng với một nhiếp ảnh gia. Thậm chí có những loại nước hoa đã bắt tay với Nghệ thuật thị giác như là Wode của nhà mốt Anh quốc Boudicca. Chai này khi xịt lên sẽ làm bắn tung sắc xanh lơ lên da bạn, như kiểu tranh của Jackson Pollock. Thế nhưng, điều ít người biết đến nhất chính là: cách mà nước hoa được sáng tạo ra rất giống với cách những tác phẩm hội họa ra đời.

 

Bức tranh The key của họa sĩ Jackson Pollock

Tới khoảng sau của thế kỷ 19, mùi nước hoa vẫn chủ yếu nằm trong khuôn khổ mùi hương như thứ mùi ta có thể ngửi thấy khi dạo ngang qua một khu vườn (vườn hồng, violet, cam hay oải hương), hoặc là mùi eau de cologne (hỗn hợp mùi cam quýt). Nhưng tương tự như sự phát triển của ngành Nhiếp ảnh và việc thoát ly khỏi Trường phái Ẩn dụ đã mở rộng cánh cửa cho Nghệ thuật đương đại, sự ra đời của nền công nghệ hóa mùi vào những năm 1880 đã tạo cơ hội cho những nhà sáng chế nước hoa bước ra khỏi ranh giới mùi hương rập khuôn của tạo hóa.

Nước hoa Jicky của nhà Guerlain ra đời năm 1889 được công nhận là loại nước hoa hiện đại ứng dụng công nghệ hóa mùi đầu tiên. Đó là sự hòa trộn Âm-Dương của coumarine (là một chất dạng hạt có thể tìm thấy trong hạt cây dây mật, ngửi giống mùi cỏ khô còn mới) và vanillin (thứ mùi ngọt hơn, nhẹ hơn, đỡ nồng gắt hơn mùi va-ni) nhân tạo giống hệt tự nhiên với những note mùi cam chanh và mùi thơm cỏ cây mạnh mẽ. Thứ nước hoa này là một dấu ấn mạnh mẽ tương tự như việc Dylan chuyển sang chơi nhạc điện tử: thay đổi mọi lề thói được tuân theo trước đây.

Tương tự như thế, màn chào sân náo động dư luận của Chanel No.5 vào năm 1921 có thể được ví như sự ra đời của Trường phái Lập thể: nhà sáng chế’ nước hoa Ernest Beaux đã phóng tay sử dụng aldehyde, một hợp chất hữu cơ khá trừu tượng, ngửi như mùi kim loại và hơi nước, nhưng lại có thể khiến cho mùi hương trở nên mềm nhuyễn và thăng hoa, lan tỏa. Mùi hương lúc này, với lượng aldehyde hào phóng mà Ernest Beaux cho vào, đã mang một hiệu ứng ba chiều đầy tính đột phá.

Khoảng giữa thế kỷ 20, xuất hiện thêm nhiều loại nước hoa trừu tượng với mùi hương là ẩn dụ của những mơ ước, khát vọng và ý niệm thay vì chỉ mang đến cảm giác về một cánh đồng hoa trải dài cho người dùng. Rốt cuộc, nước hoa lúc này đã trở nên rất gần gũi với Nghệ thuật Ý niệm – như Beige của Chanel được lấy cảm hứng từ những thứ hoàn toàn không có mùi hương gì. Đó đích thực là một tuyệt tác về ý niệm, khắc họa thần sầu tiếng của vô thanh, mùi của vô hương.

Một số trường phái nước hoa

“Người ta cho rằng nước hoa không phải là một tác phẩm được chủ ý sáng tạo ra” – Christopher Brosius, người sáng lập ra nước hoa Demeter (nổi tiếng với những mùi cực thực như Dirt, Snow, Play-Doh) trước khi rời bỏ thương hiệu này và cho ra đời dòng CB I Hate Perfume, một phân khúc nước hoa phản truyền thống được bày bán ở phòng triển lãm nghệ thuật Brooklyn.

“Người ta thường nghĩ mùi hương tự nó đã thế, nhưng thực tế quá trình sáng tạo ra nó giống y hệt như quá trình sáng tạo ra bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Tất cả đều là quá trình sàng lọc ý niệm, để rồi thể hiện một ý tưởng cụ thể bằng một phương cách cụ thể”.

Cũng giống như họa sĩ Monet tham vọng có thể trộn hàng đống sắc độ để chỉ tạo ra màu xanh da trời ông mong muốn, một nhà sáng chế nước hoa cũng có thể ngồi trộn hàng đống phân tử mùi lại với nhau chỉ để cho ra một mùi hoa hồng mà họ cho là hợp lý.

“Diorissimo của Christian Dior là một tuyệt phẩm về tả thực”, Calice Becker – nhà sáng chế nước hoa của Gaudivan đã ngợi ca. Calice Becker cũng chính là chuyên gia về mùi hương của Tommy Girl, J’adore và dòng nước hoa cao cấp mới ra đời của Oscar de la Renta. Cũng như việc phân loại tác phẩm hội họa lại theo Trường phái Ân tượng hay Trường phái Lập thể, Becker cho rằng cách nhóm các loại nước hoa theo phong cách của chúng lại sẽ phân loại nước hoa chính xác hơn cách làm truyền thống.

“Nếu tôi mô tả Moschino Cheap and Chic là một thứ nước hoa theo phong cách graffiti – thoải mái và vui nhộn – hẳn bạn sẽ hình dung về nó rõ hơn là tôi nói rằng nó là nước hoa có mùi fruity floral aldehydic. Còn nếu như phân loại theo thành phần chất cấu thành, Moschino Cheap and Chic cùng nhóm với Chanel No.5, mà bạn thấy hai loại này có liên quan gì đến nhau không chứ?!”.

Nếu phân loại theo cách đó, Poison của Dior sẽ là một cái gì đó lộng lẫy hoa mỹ như tranh của Ruben (thuộc Trường phái Baroque), hoặc Beyond Paradise của Estée Lauder sẽ lãng mạn ấn tượng như ánh hoàng hôn trong tranh Monet (Trường phái Ân tượng): thứ hương nồng ấy sáng chói rồi tắt dần và tan đi.

Còn Sargasso của Oscar de la Renta – sản phẩm của chính mình – Becker tự nhận nó thuộc Trường phái Cực thực (Hyper-realism). Trong loại nước hoa này, bà cố truyền tải cảm giác khi ngửi một mẩu rong nằm trên bờ biển bằng mùi a-ti-sô, chanh, nước, muối và dưa chuột.

Barel cho rằng Angel của Thierry Mugler thuộc Trường phái Dada, còn Becker lại xếp nó vào Trường phái Lập thể bởi nó có những khối hương mạnh mẽ sắp đặt cạnh nhau.

Mùi hương, như một tác phẩm nghệ thuật, có sự tác động trực tiếp đến cảm nhận của chúng ta, thậm chí có thể nhóm lên được nhiều phản ứng khác nhau giữa những người tiếp nhận nó. Chúng ta cần một nguồn sức mạnh kinh khủng để chống chọi lại những xúc cảm và nước hoa chính là cứu tinh của ta trước nỗi tuyệt vọng.

Xem thêm Nghệ thuật thiết kế lọ nước hoa

Xem thêm Cảm hứng sáng tạo đằng sau những lọ nước hoa đình đám

Và các bài viết khác về nghệ thuật nước hoa

Bài viết mới nhất

7 sản phẩm giúp định hình chân mày dành cho các cô nàng “clean girl”

Ngoài chì kẻ, gel định hình sẽ giúp các sợi lông mày vào nếp hoàn…

21 hours ago

ELLEMAN Fashion Show 2024: NTK Phi Phạm – Nơi “Rong chơi” là ký ức bất tận

Đi chơi và rong ruổi, chạy đuổi theo ký ức. Tinh thần trong bộ sưu…

1 day ago

6 thức uống lành mạnh giúp giảm cân hiệu quả

Giảm cân không còn là thách thức khi bạn biết cách bổ sung những thức…

1 day ago

Trải bài tarot: Điều gì sẽ đến với bạn trong tuần lễ 4/11 – 10/11?

Vũ trụ muốn gửi đến bạn thông điệp gì vào tuần này? Chọn 1 tụ…

1 day ago

Dự đoán tuần mới từ 4/11 đến 10/11 cho 12 cung hoàng đạo

Cùng ELLE Việt Nam tìm hiểu xem 12 cung hoàng đạo sẽ đón chờ những…

1 day ago

Bí quyết đánh má hồng tone đỏ cà chua tạo hiệu ứng tự nhiên

Chỉ với vài chấm màu đỏ rực, má hồng cà chua sẽ khiến gương mặt…

2 days ago