Làm đẹp / Xu hướng & Cảm hứng

Son đỏ: biểu tượng của sắc đẹp và quyền lực

Dù qua bao lâu đi nữa, son đỏ vẫn mãi là biểu tượng của nữ quyền và vẻ đẹp quyến rũ, ngọt ngào của mỗi người phụ nữ.

Son môi đỏ không đơn thuần chỉ là một món đồ trang điểm dành cho phái đẹp mà còn đại diện cho sắc đẹp và quyền lực của phụ nữ. Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu về lịch sử của son đỏ, kéo dài từ thời cổ đại đến thời hiện đại.

Son đỏ trong các nền văn minh cổ đại

Từ hàng nghìn năm trước, bóng dáng của màu son đỏ đã hiện diện trong các nền văn minh cổ đại như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Hoa… Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về sự xuất hiện của son đỏ trong suốt chiều dài lịch sử, từ bức bích họa vẽ một người phụ nữ tô son đỏ của nền văn minh Minoan cho đến các tấm giấy cói mô tả động tác son môi ỏ Ai Cập hay bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti – người biết đến với công thức làm đẹp bằng màu son đỏ từ vỏ độc đáo.

Trước đó, người cổ đại sử dụng các sắc tố tự nhiên từ Mẹ trái đất và thực vật để tạo ra mỹ phẩm. Nghệ sĩ trang điểm Erin Parsons cho biết. “Trong triều đại nhà Chu ở Trung Quốc, phụ nữ thường sử dụng chu sa làm son môi đỏ tiếp nối cho đến triều đại nhà Đường và nhà Hán. Phong cách trang điểm và hình dạng tô son đã thay đổi trong suốt những thời đại này. Ở Ai Cập và Sumer cổ đại, hoàng thổ được sử dụng để tạo ra sắc tố đỏ dùng trong mỹ phẩm. Chất này còn được tìm thấy trong vỏ sò gần mộ của Nữ hoàng Puabi tại thành phố Ur. Thật ngạc nhiên, ngày nay người ta vẫn sử dụng loại chất tạo màu này trong trang điểm bằng phương pháp tổng hợp.”

Đầu thế kỷ 20

Vào năm 1912, khi phong trào nữ quyền diễu hành qua một salon làm đẹp ở ở Đại lộ số 5, New York, họ đã được bà Elizabeth Arden – chủ của salon đưa cho những thỏi son màu đỏ để thể hiện sự ủng hộ của bà. Thỏi son nhanh chóng được những người đứng đầu phong trào như Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman yêu thích và quyết định dùng sắc đỏ đó như một dấu hiệu của sự nổi loạn và giải phóng.

Janet Curmi, phó chủ tịch giáo dục và phát triển toàn cầu của thương hiệu Elizabeth Arden, cho rằng Elizabeth Arden đã tiên phong đưa son môi đỏ vào xu hướng làm đẹp của người Mỹ. Cô nói:

“Trước năm 1912, hầu hết phụ nữ Mỹ không thích trang điểm, và son đỏ thường chỉ được những người biểu diễn trên sân khấu sử dụng. Trong chuyến đi đầu tiên tới Paris vào năm 1912, Elizabeth Arden đã chú ý đến phụ nữ trong giới thượng lưu của thành phố – những người đến nhà hát opera với hàng mi cong và đôi má ửng hồng. Khi trở về New York, bà đã nhanh chóng tạo ra những loại phấn má hồng và phấn phủ có màu đầu tiên, cũng như mascara và phấn mắt – những có thể khiến phụ nữ Mỹ trông khỏe mạnh và trẻ trung hơn. Ngay sau đó, trang điểm đã trở thành đỉnh cao thời trang trong xã hội Mỹ.”

Trong khi các nữ diễn viên của thế kỷ trước như Sarah Bernhardt và Mary Pickford giúp son môi đỏ trở nên thịnh hành vào năm 1912, thì chính Elizabeth Arden đã trao cho nó quyền lực chính trị, nâng nó lên thành biểu tượng của sự nổi loạn và trao quyền cho phụ nữ. 

Theo Rachel Felder, tác giả cuốn sách “Red Lipstick: An Ode to a Beauty Icon” (tạm dịch: Son môi đỏ: Sự ngợi ca cho một biểu tượng vẻ đẹp), “Không một biểu tượng nữ quyền nào có thể hoàn hảo hơn màu son môi đỏ bởi nó không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ, nó là nữ giới. Phong trào đòi nữ quyền không chỉ nói về sức mạnh mà là về sức mạnh của phụ nữ”.

Những năm 1920

Đây được xem là thời đại hoàng kim của son đỏ khi nó trở thành xu hướng trang điểm chủ đạo và được tôn vinh như biểu tượng thời trang bật nhất đối với giới trẻ. Điều này phần lớn là nhờ sự lăng xê nhiệt tình của các minh tinh màn bạc như Mary Pickford, Marilyn Monroe, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor – những người thường xuyên xuất hiện trước công chúng với đôi môi đỏ quyến rũ. Erin Parsons nói: “Điều đã thay đổi nhận thức về son môi là những người phụ nữ thế hệ mới (the flapper) và Hollywood những năm 1920. Thời đại của nhạc jazz và sụ nổi loạn của giới trẻ, những thứ chống lại các chuẩn mực đạo đức cổ hủ. Họ cắt tóc, mặc váy ngắn đến đầu gối và tất nhiên là trang điểm rất nhiều.”

Những năm 1940

Đây là giai đoạn đặc biệt thú vị trong lịch sử của son môi đỏ. Khi Hoa Kỳ bước vào Thế chiến thứ hai, son môi đỏ một lần nữa không chỉ được xem như một loại mỹ phẩm mà còn là một lập trường chính trị rõ ràng. Erin Parsons nói:

“Tôi thấy thật thú vị khi tô son đỏ đã trở thành nghĩa vụ yêu nước của phụ nữ trong Thế chiến thứ hai. Có tin đồn rằng Adolf Hitler ghét mỹ phẩm, vì vậy các lực lượng đồng minh đã sử dụng nó như một tuyên bố chống lại chủ nghĩa phát xít. Thậm chí hai thỏi son đỏ đa sắc thái như Montezuma Red và Victory của hãng Elizabeth Arden còn được khuyến khích sử dụng để phù hợp với đồng phục nữ mặc trong quân đội. Trong thời gian này, tất cả các quảng cáo đều hướng đến các dòng giới thiệu như ‘Hãy luôn đẹp khi làm nhiệm vụ!'”

những năm 1990 đến nay

Các tín đồ làm đẹp không thể nói về son môi đỏ mà không nhắc đến những khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong thập niên 90, đặc biệt là khi ca sĩ Madonna sử dụng màu son này trong chuyến lưu diễn Blonde Ambition. Thỏi son mà Madonna dùng chinh là MAC Russian Red, một màu đỏ thực sự rực rỡ. Parsons nói:

“Màu son đỏ lì đậm nét đã biến MAC trở thành công ty mỹ phẩm thống trị ngành công nghiệp làm đẹp!”

Ngày nay, son đỏ vẫn là màu sắc được yêu thích bởi nhiều diễn viên, ca sĩ, siêu mẫu và bất kì người phụ nữ nào muốn làm mình nổi bật hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Thư

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)