Chuyển hướng sử dụng “mỹ phẩm sạch” để theo kịp thế giới
Thị trường làm đẹp biến động khi thế giới nổ ra các công cuộc bảo vệ môi trường. Kết quả là, khái niệm “mỹ phẩm sạch” ra đời.
Ngày nay, với nhiều công trình bảo vệ sự trong lành cho trái đất, người ta đã giảm tải sử dụng chất thải không thể tái chế, ni lông, nhựa,… Ngay cả mỹ phẩm cũng đã chuyển hướng sang “mỹ phẩm sạch”. Ở Việt Nam, cụm từ “mỹ phẩm sạch” có vẻ còn xa lạ. Tuy nhiên từ năm 1938, Mỹ đã kêu gọi điều chỉnh thành phần mỹ phẩm để sản phẩm thân thiện hơn với người dùng và môi trường.
“Mỹ phẩm sạch” là gì?
Nhiều người vẫn đánh đồng mỹ phẩm sạch và mỹ phẩm thiên nhiên. Hai khái niệm này có vẻ như gần giống nhau nhưng nếu hiểu đúng sẽ thấy chúng khác nhau. Mỹ phẩm sạch hoàn toàn có thể có nhiều loại thành phần khác nhau bao gồm cả hóa chất, còn mỹ phẩm thiên nhiên thì chỉ chiết xuất từ thiên nhiên. Mỹ phẩm sạch được định nghĩa bởi các sản phẩm được phát triển và sản xuất “có tâm”. Chúng không chứa bất kì thành phần độc hại thậm chí là những chất chỉ đang bị nghi ngờ. Khái niệm này được hình thành khi ngành công nghiệp mỹ phẩm quan tâm hơn về sức khỏe và môi trường.
Mỹ phẩm sạch đang là một xu hướng
Nhu cầu của người tiêu dùng là động lực hàng đầu cho sự phát triển của các phong trào làm đẹp. Theo một báo cáo uy tín, thị trường làm đẹp tăng trưởng 10% lượng khách hàng ưu tiên chọn dùng mỹ phẩm sạch. Vì vậy, nhà phân phối mỹ phẩm đang dần xóa bỏ những thành phần độc hại để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều này khiến xu hướng sử dụng mỹ phẩm sạch lan tỏa toàn cầu.
Những điều bạn cần lưu ý khi muốn trải nghiệm mỹ phẩm sạch.
Ai cũng biết rằng mỹ phẩm sạch tốt hơn cho bạn mà lại thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, bạn lo sợ mình chỉ là “tay mơ” trong lĩnh vực phức tạp này. Lưu ý 4 điều sau đây giúp bạn có nền tảng vững chắc để sử dụng mỹ phẩm sạch.
Biết đọc bản thành phần
Việc này thực sự không dễ dàng gì so với những người không am hiểu hóa-sinh. Bình thường bạn chỉ cần một loại mỹ phẩm phù hợp với làn da, giờ đây bạn cần quan tâm đến bảng thành phần của chúng nữa. Hãy chú ý một chút, bạn sẽ thấy việc này tuy khó mà dễ. Những sản phẩm mỹ phẩm sạch thông thường sẽ không chứa các chất gây hại chẳng hạn như sulfate, paraben, phthalate và hương liệu. Các thành phần dễ thấy trong mỹ phẩm sạch có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng chất. Ngoài ra, nếu trên sản phẩm có đóng dấu ISO, EcoCert và NaTrue thì bạn có thể yên tâm phần nào.
Nơi bán mỹ phẩm sạch
Khoảng 10 năm trước, để mua được mỹ phẩm sạch chắc chắn là bạn phải đặt đơn hàng của nước ngoài và chờ đợi khá lâu. Hiện nay, không khó để bạn tìm mua mỹ phẩm sạch trong nước. Với sự giao thoa văn hóa và kinh tế, nhiều nhãn hàng mỹ phẩm đảm bảo an toàn với người dùng và thân thiện với môi trường đã có cửa hàng chính thức ở Việt Nam. Đối với những thương hiệu lớn như Dior, Chanel, Guerlain,…bạn có thể tìm mua ở các trung tâm thương mại lớn. Còn những sản phẩm thuộc phân khúc thấp hơn, bạn có thể tìm thấy ở các cửa hàng Guardian hay Watsons. Việc mua hàng được phân phối chính hãng giúp bạn tiết kiệm được thời gian chờ đợi mà còn không sợ hàng giả.
Bao bì thân thiện với môi trường
Những người ưa chuộng mỹ phẩm sạch không chỉ để ý đến chất lượng mà còn quan tâm đến bao bì bên ngoài. Nhiều công ty phân phối mỹ phẩm đã quan tâm nhiều đến môi trường hơn. Họ hạn chế sử dụng hộp nhựa và giấy bóng kính, thay bằng hộp giấy, lọ thủy tinh, nhựa tái chế… Khi bạn đi mua sắm mỹ phẩm sạch, hãy tìm các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm. Chẳng hạn như có tem tái chế, phân hủy sinh học.
Đừng vội vứt rác
Đa số các thương hiệu mỹ phẩm đều đang trong công cuộc thay đổi bao bì có thể tái chế. Nên nếu bạn sử dụng hết một loại sản phẩm nào đó, có thể giữ lại hộp, lọ của sản phẩm để gửi lại cửa hàng. Điều này giúp ích rất nhiều cho cửa hàng tiết kiệm chi phí bao bì mà còn bảo vệ tài nguyên môi trường. Chẳng hạn như hệ thống cửa hàng Innisfree Việt Nam có chương trình ưu đãi khi mua kem nền của họ khi bạn mang đến một lọ kem nền rỗng bất kỳ.
—
Bài: Ngọc Điệp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp