Eco beauty – mỹ phẩm xanh
Mỹ phẩm và làm đẹp không đứng ngoài xu hướng “sống xanh” trên thế giới. Hiện nay các quý cô ngoài quan tâm đến việc “đẹp” còn muốn biết những sản phẩm mình đang dùng có được coi là eo (sạch/thiên nhiên/hữu cơ) hay không?
Không chỉ đẹp mà còn xanh
Có rất nhiều sản phẩm với nguồn gốc thiên nhiên trong thế giới chăm sóc sắc đẹp. Từ các chất chống oxy hóa và tinh chất chống lão hóa làm từ quả dâu acai trong sản phẩm Acai Damage Protecting Tonight Mist của Kiehl’s hay chất làm cân bằng và tinh chỉnh kết cấu của da làm từ protein thực vật của Keraskin Lait N-27 hay kết hợp giữa trà xanh và mật ong Green Tea Honey Drops Body Cream từ Elizabeth Arden.
Bà Lieve Declercq, Tiến sĩ và cũng là người phát ngôn toàn cầu của nhãn hiệu Origins trong bài phỏng vấn với ELLE Mỹ đã cho biết: “Thực vật chính là nguồn cung cấp các nguyên liệu làm mỹ phẩm lâu đời nhất. Các loại cây, hoa, quả đã phát triển và tiến hóa trong điều kiện khắc nghiệt, vượt qua mọi thách thức về môi trường. Và trong khi những sản phẩm tổng hợp thường chỉ có một mục tiêu chức năng thì những thành phần từ thiên nhiên lại có rất nhiều lợi ích”.
Yael Alkaly, Sáng lập viên kiêm CEO của Red Flower – thương hiệu làm đẹp hữu cơ cao cấp bình luận. “Đó là một sự bất khả thi khi con người muốn nhân tạo những thành phần làm đẹp từ thực vật, thử lấy ví dụ tảo biển spirulina: chúng chứa nhiều thành phần từ vitamin, đường, sắt, natri, đồng, canxi, phốt pho, magiê và oxy. Thật sự là không thể để có thể tạo ra một sản phẩm như vậy trong phòng thí nghiệm”.
1001 điều về mỹ phẩm xanh
Chúng ta đang sống trong một xã hội luôn coi trọng vẻ đẹp tự nhiên và những gì mang thành phần thiên nhiên. Mọi chuyện có thể được khởi đầu từ người phụ nữ mang tên Anita Roddick khi bà sáng lập nên The Body Shop vào năm 1976. Thương hiệu này đã tạo cho người tiêu dùng toàn thế giới một thói quen mới trong lựa chọn mỹ phẩm: bắt đầu để ý và yêu thích những gì tự nhiên như kem dưỡng thể ô-liu bơ đậu mỡ, quýt, dầu gội đầu chuối, gel chải tóc cỏ mạch (wheat grass)…
Hơn thế nữa, The Body Shop đã dấy lên phong trào quan tâm đến vấn đề “Công bằng thương mại” (Fair Trade) khi họ mua nguyên liệu từ các nước kém phát triển và giúp các cộng đồng nông dân cải thiện cuộc sống. Làm đẹp “có đạo đức” là vậy.
Ngoài ra, các hãng mỹ phẩm lớn cũng quan tâm đến việc kết hợp thiên nhiên và khoa học trong việc chế tạo sản phẩm. Meeta Awatramani, Giám đốc Đào tạo của Clarins Ấn Độ đã nói “AHAs (Alpha-Hydroxy Acid) có thể chiết xuất từ những trái cây mang tính axit, rất tốt cho việc tẩy tế bào chết. Glycolic lấy từ mía, lactic axit từ sữa, malic axit từ táo…
Khi chiết xuất chúng và dùng chúng trong những sản phẩm làm đẹp, những sản phẩm này mang lại kết quả tích cực trên nhiều loại da và thời gian tác dụng kéo dài lâu hơn. Vì thế, các hãng mỹ phẩm không thể bỏ qua sự kết hợp giữa tự nhiên và khoa học”.
Nhóm thực hiện
Bài Khánh Ngọc, Thúy Nhàn
Ảnh Tư liệu, 123rf