Vì sao phụ nữ làm đẹp?
Phụ nữ nào cũng thích làm đẹp, điều đó là hiển nhiên. Nhưng đã bao giờ bạn hỏi “Vì sao mình làm đẹp?”, “Vì sao nhiều người muốn đẹp lên bằng mọi giá?”
Các nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử đều cho thấy từ xa xưa, phụ nữ đã biết tìm cách để trở nên cuốn hút hơn trong mắt người khác giới thông qua trang phục, đồ trang sức, phong thái, diện mạo, dáng đi, giọng nói, tiếng cười… Tâm lý làm đẹp ở mỗi người, mỗi độ tuổi có sự khác nhau rõ rệt, từ đó dẫn đến sự khác nhau về mục đích của việc làm đẹp.
Tôi thấy mình thật xấu xí
Một người đàn ông sẽ khó chịu thậm chí nổi khùng nếu bị gọi là ngốc, còn một phụ nữ sẽ sôi sùng sục lên khi phát hiện ra một nếp nhăn mới nơi khóe mắt hoặc một đốm mụn mọc bất ngờ. Có lẽ, chẳng có người phụ nữ nào trên thế giới này hoàn toàn hài lòng với diện mạo của mình. Một số không thích cái mũi hơi thấp, một số tự ti vì vòng một nhỏ, vòng hai nhiều mỡ thừa, tóc thưa, răng ngắn…
Có một điểm chung là tất cả phụ nữ đều tự săm soi và đau khổ với các khiếm khuyết của mình mà không mấy để ý đến cảm nhận của người đối diện. Cô bạn của tôi không dám đi gặp bạn trai chỉ vì có một cái mụn ở cằm dù cái mụn ấy bé tí teo và nếu cô ấy không chỉ thì tôi chẳng bao giờ nhìn thấy. Còn chị gái tôi thì giận ông xã cả ngày chỉ vì anh lỡ miệng bảo rằng “Sao tự nhiên dạo này em mập ra thế!” dù chị thừa biết trong mắt anh, chị luôn luôn là một thiên thần.
Tâm lý trầm trọng hóa vấn đề làm cho người phụ nữ luôn cảm thấy buồn phiền về ngoại hình, dẫn đến tự ti và họ quyết tâm phải làm cho mình đẹp hơn nữa. Rất nhiều người đi nâng mũi, gọt cằm, cắt mắt, bơm ngực, sao cho mình hoàn hảo đến từng centimet. Mới đây, công chúng ngỡ ngàng khi nhìn thấy gương mặt hoàn toàn khác của một cô ca sĩ thuộc hàng nổi tiếng. Được biết, không chỉ thu hẹp cánh mũi như cô thừa nhận, toàn bộ gương mặt cô đã được làm mới, trở nên hoàn hảo hơn nhưng nó khiến người hâm mộ thấy cô thật xa lạ và gượng gạo.
Bạn đừng quên, khiếm khuyết có thể có thật nhưng cũng có thể chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hay thói quen trầm trọng hóa vấn đề. “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp” và để biết cách làm đẹp trước tiên bạn cần yêu cơ thể của chính mình, kể cả khi nó có khiếm khuyết. Rồi sau đó, bạn cần đánh giá đúng mức độ những khiếm khuyết. Bạn có thật sự có xấu không, những người quan trọng nhất với bạn nói gì về khiếm khuyết đó và cuối cùng hãy so sánh mình với những người xung quanh trước khi quyết định chỉnh sửa nhan sắc.
Anh ấy sẽ để ý nếu tôi đẹp
Một trong những động lực thúc đẩy phụ nữ làm đẹp nhất chính là cuốn hút đàn ông. Những lời khen “Hôm nay em đẹp quá”, “Em thật quyến rũ”… luôn làm phụ nữ phấn khích, nhưng mặt khác họ lại nghi ngờ “Anh ấy chỉ khen xã giao”, “Anh ấy chỉ nịnh thế thôi”. Phụ nữ luôn làm đẹp theo tiêu chí của mình mà bỏ qua quan điểm của đàn ông. Chẳng hạn, với anh trai tôi, phụ nữ phải tròn trịa một chút mới hấp dẫn trong khi vợ anh ấy cứ ra sức tập luyện để có thân hình mình hạc xương mai.
Hầu hết đàn ông thích một phụ nữ khỏe mạnh, đầy sức sống hơn những cô gái xanh xao, gầy gò. Sự khỏe khoắn toát lên từ làn da, vóc dáng và thần thái, nó có khả năng để lại một ấn tượng mạnh và sức cuốn hút lâu bền. Đương nhiên không thể bỏ qua vai trò then chốt là sự nữ tính.
Một điều bạn nên lưu tâm, đó là những gì đàn ông thích nơi người phụ nữ khác chưa chắc họ đã thích ở người bạn đời của mình. Họ say mê ngắm những cô gái Victoria’s Secret ngực đầy, bụng phẳng nhưng lại đùng đùng phản đối khi vợ mình đi phẫu thuật thẩm mỹ (thống kê cho thấy hơn 50% đàn ông được hỏi không thích điều này). Họ có thể đắm say một đôi mắt sâu thăm thẳm màu xám khói nhưng sẽ khuyên bạn đừng chọn phấn mắt màu xám, tối.
Vì vậy, khi bạn muốn đẹp hơn vì chồng, vì người yêu hay vì một đối tượng bí mật nào đó thì hãy nhớ tham khảo gu và ý kiến của họ thật kỹ trước khi “ra tay”.
Đẹp để thành công
Không ai phủ nhận rằng diện mạo là yếu tố quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp. Mọi người sẽ ngưỡng mộ nếu bạn làm việc nghiêm túc, giỏi chuyên môn, thân thiện và còn thời trang nữa. Nhưng nếu chỉ biết chăm chút ngoại hình mà làm việc thiếu nghiêm túc thì bạn vẫn bị xem thường.
Xét về góc độ công việc, ngoại hình chỉ tạo nên ấn tượng ban đầu, nét đẹp của sự chuyên nghiệp mới thực sự lâu bền trong mắt đối tác, đồng nghiệp và cấp trên. Các sếp luôn khen ngợi các nhân viên là “Cô ấy rất năng động”, “Cô ấy là người nhiều ý tưởng”, “Cô ấy tổ chức tốt”… chứ ít khi ca tụng “Cô ấy hấp dẫn lắm” hay “Cô ấy ăn mặc rất đẹp”.
Chính vì thế, bạn hãy tạo cho mình tác phong điềm tĩnh, thanh lịch, ăn mặc phù hợp và quan trọng là luôn trau dồi chuyên môn. Cân bằng giữa vẻ đẹp hiện có với yêu cầu công việc, cuộc sống và đánh giá của người xung quanh về bạn mới là cách làm đẹp thông minh nhất.
Bài Thụy Miên – Ảnh Corbis