5 thói quen giặt đồ mang đến sự thay đổi tích cực cho môi trường
Bên cạnh hạn chế mua sắm thời trang nhanh, những thay đổi nhỏ trong cách giặt đồ hay chọn mua máy giặt đều là khoản đầu tư bền vững và lâu dài trong hành trình sống xanh vì môi trường.
Chăm sóc quần áo chu đáo và khôn ngoan hơn không chỉ kéo dài tuổi thọ của món đồ mà còn góp nhỏ vào mục tiêu lớn là một tương lai thời trang hoàn toàn bền vững. Hạn chế sử dụng thiết bị hong khô hay đơn giản là thay đổi nhiệt độ nước khi giặt đồ không đòi hỏi quá nhiều sức lực mà vẫn thắp sáng hy vọng về diện mạo rạng rỡ vẻ đẹp xanh của ngành may mặc.
Ưu tiên máy giặt cửa trước
Không chỉ tiêu thụ điện ít hơn, máy giặt cửa trước còn có khả năng giảm thiểu lượng nước so với máy giặt cửa đứng. Theo nguyên lí hoạt động phun chứ không ngâm nước, loại máy giặt này chỉ cần 1/3 lượng nước so với loại cửa trên để làm sạch toàn bộ quần áo. Chưa kể, với cơ chế quay cao, trung bình 1400 vòng/ phút, nó thúc đẩy quá trình vắt khô, từ đó tiết kiệm một lượng điện đáng kể. Một trong những ưu điểm mà bạn nên để tâm nằm ở cách nó “đối đãi” với từng chất liệu vải. Thiết kế lồng giặt nằm ngang, đi kèm là các lỗ thoát nước siêu nhỏ chính là điểm cộng giúp trang phục của bạn tránh tình trạng sờn vải sau nhiều lần giặt.
Sử dụng máy sấy bơm nhiệt
Máy sấy quần áo xuất hiện như trợ thủ đắc lực để tiết kiệm thời gian làm việc nhà, đặc biệt cho những căn hộ không có diện tích ban công đủ rộng để phơi khô sau khi giặt đồ. Xét về khía cạnh môi trường, lượng tiêu thụ điện của máy sấy lại là một vấn đề đáng quan ngại. Theo báo cáo năm 2014 của Hội đồng Quốc phòng Tài nguyên Thiên nhiên Hoa Kỳ (NRDC), mặc dù máy giặt đã được cải tiến để giảm thiểu 75% lượng điện tiêu thụ so với năm 1981, mức tiêu thụ của máy sấy lại hầu như không “nhúc nhích” so với cùng kỳ. Một bên là sự tiện lợi, một bên là môi trường, máy sấy bơm nhiệt (Heat Pump Dryer) được thiết kế để giải quyết vấn đề này. Máy sấy bơm nhiệt là loại máy không có lỗ thông hơi. Cơ chế hoạt động của nó là tái chế khí nóng, thay vì xả khí như các loại máy thông thường nhằm sấy khô quần áo nhờ nguồn năng lượng tái tạo. Cũng bởi thế mà giá thành của nó sẽ “chát” hơn so với các loại máy trên thị trường.
Tận dụng áng sáng mặt trời
Gió và ánh sáng là nguồn năng lượng vĩnh cửu nên được tận dụng triệt để. Phương pháp phơi quần áo “rất Việt Nam” này chính là hành động dễ dàng, thân thuộc và “zero-waste” nhất mà tất cả chúng ta có thể áp dụng. Nếu rảnh rỗi vào một ngày nắng đẹp, hãy giúp những bộ trang phục, giày dép và túi vải được “hít thở” khí trời và tận hưởng mùi nắng bung tỏa trong từng thớ vải.
Giảm nhiệt độ nước trong chu trình giặt
Bạn có biết, chỉ riêng hệ thống sưởi nước đã chiếm tới 90% năng lượng cần thiết để chạy một chu trình của máy giặt? Vì thế, một trong những cách giặt đồ ít tốn sức và thời gian nhất chính là giảm mức nhiệt vừa xuống trước khi bấm máy. Tất nhiên, không phải lúc nào sử dụng nước lạnh cũng là ý hay. Một số loại vải, chẳng hạn như thun và nylon, nên được giặt trong nước ấm để đảm bảo độ bền. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đang bị ốm, sử dụng nước nóng được cho là có hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt một số vi trùng và vi khuẩn.
Đầu TƯ bộ lọc vi sợi
Một trong những nguyên do khiến Trái Đất đang ngày một nóng lên chính là hạt vi nhựa (microplastics) với đường kính rất nhỏ, ít hơn 5mm. Những loại hạt nhựa mà mắt thường không nhìn thấy được ấy lại chiếm gần 1/5 trong tổng số 8 triệu tấn nhựa thải ra trong đại dương mỗi năm. Đáng buồn thay, vi nhựa phần lớn được “sinh ra” từ quần áo, đặc biệt là sợi tổng hợp polyester – loại sợi phổ biến trong ngành dệt may. Trong quá trình giặt đồ, hạt vi nhựa sẽ tách ra khỏi quần áo để theo chân nước thải đi vào đại dương. Việc ngăn chặn triệt để hạt vi nhựa trong việc “chuồn” ra ngoài đại dương là điều bất khả thi ở thời điệm hiện tại, nhưng ta hoàn toàn có thể khắc phục bằng việc đầu tư tiền vào bộ lọc vi sợi. Filtrol – công ty sản xuất mặt hàng này cho biết bộ lọc vi sợi có thể loại bỏ 89% sợi vải bị bong ra khỏi quần áo trong quá trình giặt.
Bài: Minh Khuê
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: South Morning China
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE