Áo dài Việt Nam đã trải qua một quá trình biến động đầy hào hoa theo những phong trần ở từng thời đại. Từ giao lĩnh, Lemur cho đến Raglan, tất cả đã định hình nên một dáng hình áo dài thật duyên dáng và vừa vặn. Có lẽ cũng chẳng cần thêm một cuộc cách mạng nào vì sự trường tồn hàng chục năm của thiết kế tuyệt đẹp ấy đã khái quát được một định nghĩa “vượt thời gian”. Tuy nhiên, áo dài cũng chỉ thực sự được nhớ đến vào các dịp lễ Tết hay ở trường học. Tất nhiên vì nó không tiện lợi như suit và cũng chả lôi kéo ánh nhìn bằng những chiếc đầm dạ hội lộng lẫy. Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề, tại sao áo dài phải đổi mới trong khi không phải là những trang phục phổ biến khắp thế giới ấy tự tìm thấy cho mình nguồn tư liệu sáng tạo bất tận tại đây? Lâm Gia Khang, Peter Do và Nguyễn Hoàng Tú là ba trong số nhiều nhà thiết kế trẻ đang nỗ lực “nhập gia tùy tục” cho những thiết kế hiện đại hòa quyện cùng văn hóa truyền thống.
Lâm Gia Khang – Đi làm với áo dài thì sao?
Với quan niệm đi tìm và giải mã những nét xưa cũ qua lăng kính của người hiện đại, Lâm Gia Khang đã đem đến cho giới mộ điệu những thiết kế thanh lịch và tinh tế lấy cảm hứng từ áo dài Việt. Những đường cắt may gọn gàng trong chất vải cứng cáp của đồ suit nhưng lại lắt léo với cấu trúc áo dài khiến trang phục truyền thống tưởng như vừa được phát minh gần đây.
Các tông màu chủ đạo trắng, kem, beige và đen gặp lại trong phong cách “less is more” quen thuộc. Những thiết kế của Lâm Gia Khang hướng tới vẻ đẹp trang nhã và tối giản, không hào nhoáng, lộng lẫy mà trái lại, chúng thông dụng và có thể dùng hàng ngày ở nhiều thời điểm khác nhau. Ngoài ra, cảm hứng từ áo dài cũng được thể hiển qua chi tiết cổ trụ, layer chân váy và quần ống rộng.
BÀI LIÊN QUAN
Peter Do – Dệt kim không thể thiếu cho mùa Đông
Gửi gắm tình yêu quê hương vào những sáng tạo nghệ thuật, nhà thiết kế gốc Việt Peter Do mới đây đã cho những tà áo dài lả lướt trong phong thái thật hiện đại. Nếu ở bản địa, áo dài gắn liền với gấm vóc lụa là thì tại New York Fashion Week tháng 9 vừa qua, nó đã hòa nhập thành công vào xu hướng dệt kim đang thống trị làng mốt. Thiết kế cổ tròn khiến áo dài không còn lạc lõng khỏi nhịp sống nhộn nhịp và tấp nập.
Với phong cách minimalism đặc trưng phối hợp cùng phom dáng nhẹ nhàng, nữ tính, Peter Do đưa áo dài đến giới mộ điệu thế giới một cách đầy tươi mới. Đôi khi điểm thêm những bông hoa từ trang phục của mẹ, dấu ấn hồn Việt càng trở nên rõ nét giữa đô thị New York.
nguyễn hoàng tú – Áo dài nay còn gợi cảm hơn
Lấy cảm hứng từ Nam Phương Hoàng hậu, BST Phượng Hoàng của Nguyễn Hoàng Tú là hình ảnh của sự tái sinh và nhập cuộc đầy kịch tính của những người phụ nữ mang khí chất ở thập niên 40 – 60. Tinh thần thấm đậm truyền thống chịu tác động mạnh mẽ và bất ngờ của các trào lưu phương Tây tạo ra một diện mạo pha trộn đầy ấn tượng, mà người thời đó sẽ miêu tả là “mode”.
Dáng dấp đương đại hiện lên qua thiết kế đầm maxi, sự bó sát, chất liệu dệt kim, vải xuyên thấu,… Vỏn vẹn trong bốn màu cơ bản trắng, đen, đỏ và vàng, cuộc chơi của sự quyến rũ và táo bạo “nửa kín nửa hở” từ những “madame” giờ đây đủ sành điệu và trẻ trung để khuấy động mọi bữa tiệc. Đồng thời, kỹ thuật tinh tế của văn hóa Việt với “những món đồ thủ công vượt thời gian mang tính thử nghiệm và nghệ thuật” cũng tìm thấy một sức bật mạnh mẽ.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Hòa Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE