Thời đại để ăn diện như búp bê Barbie – Mỗi lần thay váy là một lần “đổi đời”
Lên đồ như Barbie để nhìn đời qua lăng kính màu hồng! Các IT-Girl hàng đầu thế giới như Hailey Bieber, Kim Kardashian, Megan Fox,… cũng nhập cuộc trò chơi búp bê bằng tủ đồ hàng hiệu của mình.
Những hình ảnh được tiết lộ xoay quanh bộ phim Barbie live-action với sự góp mặt của Margot Robbie đã truyền cảm hứng cho giới mộ điệu về một phong cách thời trang mang đầy niềm vui. Màu hồng đặc trưng trong trang phục của Barbie như một liều “dopamine” kích hoạt sự sáng tạo. Hashtag #barbiecore đã thu hút hơn 7,7 triệu lượt xem trên TikTok và đang không ngừng tăng lên. Có vẻ người bạn thời thơ ấu của chúng ta sẽ trở thành nàng thơ nổi bật nhất năm nay.
Ai cũng từng là một stylist
Barbara Millicent Roberts (tên đầy đủ của Barbie) lần đầu xuất hiện trên thị trường đồ chơi Mỹ vào năm 1959 bởi công ty Mattel. Barbie mặc một bộ đồ tắm sọc đen trắng, đôi môi đỏ mọng và cột tóc đuôi ngựa ngổ ngáo. Ruth Handler – người được xem là mẹ đẻ của búp bê Barbie đã “thai nghén” đứa con tinh thần của mình dựa trên những người đẹp huyền thoại như Elizabeth Taylor và Marilyn Monroe.
Bài học phong cách đầu tiên của bạn có thể đến từ mẹ, từ bà, từ các minh tinh, thần tượng,… nhưng bài “thực hành” thời trang đầu tiên có lẽ chính là ở trò chơi búp bê. Với khả năng “hóa trang” tài tình, Barbie có thể trở thành tất cả mọi thứ, từ một bác sĩ đến một nhà khảo cổ, một ngôi sao nhạc rock hay một kỹ sư máy tính… Mỗi cuộc chơi như một cuộc đời khác. Số lượng trang phục đồ sộ được bày bán và tự may thêm của Barbie xuất hiện mỗi mùa cứ như một phiên bản thu nhỏ của tuần lễ thời trang.
Thưở bé, ta có thể không được quyền quyết định quần áo của mình, nhưng luôn có cơ hội thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân qua người bạn Barbara trên tay và đạo diễn tất cả suy nghĩ, hành động cũng như “số mệnh” của nàng ta. Barbie chính là trải nghiệm đầu tiên của một đứa trẻ về thế giới thời trang của người lớn.
“Sống kịch” và “vẻ đẹp nhựa”
Barbie là đại diện cho giấc mơ Mỹ, một ngọn hải đăng của các tiêu chuẩn sắc đẹp và là hình mẫu về sự sang trọng. Barbie giàu và đẹp, có ngôi nhà lộng lẫy, có bạn trai trong mơ và lối sống “chanh sả” vô lo vô nghĩ. Barbie tóc vàng, ba vòng nóng bỏng và gương mặt hoàn hảo đến tội lỗi. Nhưng rốt cuộc, một cô gái “đẹp như Barbie” là lời khen hay chê khéo trí tuệ?
Barbiecore Aesthetic không chỉ là một phong cách thời trang mà được xem là một thái độ sống. Nó tôn vinh những nữ hoàng Y2K như Paris Hilton và dàn cast Mean Girls – Hội Plastics. “Vẻ đẹp nhựa” và lối ứng xử kịch hóa của các “drama queen” đã trở nên cuốn hút và “viral” trong “thời đại meme”. Những cô gái một thời bị xem là “não ngắn, tóc vàng” ngày nay được ca ngợi vì “sống thật với bản chất xấu” của mình và tạo ra vô vàn tình huống “lan tỏa niềm vui”.
Màu hồng ngọt ngào đã “lên ngôi” và dẫn lối cảm hứng cho hàng loạt các NTK, nổi bật nhất là Valentino và Moschino. Bên cạnh đó, dấu hiệu nhận diện tín đồ của Barbie còn bao gồm các trang phục lấp lánh như thập niên 80, phụ kiện “bling bling” và lối trang điểm mi cong, môi mọng siêu nữ tính.
Càng “hường phấn” càng uy quyền
Ở khía cạnh khác, Barbie cũng là một biểu tượng nữ quyền. Trước kia, búp bê tạo ra các tiêu chuẩn phi thực tế về thân hình và nhan sắc. Nhưng từ khi những ngôi sao mang vẻ đẹp đi ngược chuẩn mực như Tyra Banks, Nicki Minaj hay Kim Kardashian,… lăng xê những món đồ ôm sát và màu sắc không hề tôn da đậm chất Barbiecore, có vẻ như quyền quy chuẩn đã bị đảo ngược vị trí. Giờ đây, mặc đồ cho Barbie không còn là khoác áo mới cho đồ chơi mà là tự tin lên đồ với chính cơ thể “Barbie thời đại mới” của mỗi người. Càng dùng màu đậm và sáng càng làm bật tính tuyên ngôn cá nhân.
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE