Thời trang / Xu hướng thời trang

“Điểm vàng gợi cảm” trong xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015

Những mẫu thiết kế thân thức (body-conscious) không chỉ là cuộc cách mạng giúp thay đổi diện mạo của ngành thời trang mà còn được nhìn nhận là cuộc cách tân trong nhận thức xã hội về vẻ đẹp gợi cảm của người phụ nữ từng thời kỳ. Tầm ảnh hưởng lan tỏa của những mẫu thiết kế bó sát trưng diện những “điểm vàng gợi cảm” trên cơ thể người phụ nữ được thể hiện rõ nét trong xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015.

Những năm đầu thế kỷ XX ghi nhận sự dịch chuyển trong quan niệm xã hội về vẻ đẹp hình thể người phụ nữ khi trang phục là “biểu ngữ di động” thể hiện sự cách biệt về văn hóa và phân tầng xã hội. Vinh danh hình thể đồng hồ cát, những mẫu áo nịt ngực (corset) và đầm kiểu hobble với phần gấu váy bó buộc là những mã từ tiêu biểu thời kỳ này. Chính quan niệm kín đáo, có phần bảo thủ và dè dặt trong việc trưng diện nét đẹp gợi cảm của người phụ nữ là nguồn cảm hứng cho các thiết kế trong xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015. Jean Paul Gaultier đảo ngược chi tiết dây buộc siết chặt ở phía sau những mẫu áo nịt ngực ra trước. Calvin Klein với thiết kế gợi nhớ mẫu đầm kiểu hobble với áo ba lỗ vải lưới kéo dài lửng ngang đầu gối tạo điểm bó gấu chân váy.

Tư duy cách tân của kỷ nguyên nhạc jazz

Bước sang thập kỷ 1920, sự lên ngôi của kỷ nguyên nhạc Jazz với những âm điệu phóng khoáng là bức thông điệp “thay lời muốn nói” thể hiện tư duy cách tân muốn thoát khỏi những quan niệm văn hóa truyền thống của giới trẻ. Những mẫu thiết kế thân thức trong giai đoạn này nhấn mạnh kiểu dáng ôm vừa phải, lửng ngang đầu gối, khoét tay áo tạo điều kiện giúp cơ thể chuyển động theo giai điệu nhịp nhàng của những bản nhạc Jazz. Cảm hứng này được bộ đôi NTK Jack McCollough và Lazaro Hernandez của thương hiệu Proenza Schouler thể hiện qua kiểu đầm ôm lấy cơ thể vừa phải với phần gấu đầm được xử lý tua rua giúp đưa vạt váy chuyển động cùng nhịp điệu.

Sang đến những năm 1930, đây là giai đoạn ghi nhận sự trưởng thành trong quan niệm về vai trò của người phụ nữ từ “những kẻ ân ái yếu thế” đến vị trí ngang bằng với nam giới. Những mẫu thiết kế thân thức, do đó, là sự giao thoa giữa kiểu dáng ôm sát và đường nét phóng khoáng đặc trưng của hai thập kỷ trước đồng thời tái khẳng định vẻ đẹp quyến rũ của phái đẹp. NTK Ralph Lauren với kiểu đầm hai quai làm từ chất liệu mềm mại, có độ rủ lớn là đại diện tiêu biểu cho xu hướng thiết kế chứa đựng tinh thần thập kỷ 1930.

Từ trái qua: Jean Paul Gaultier, Calvin Klein, Ralph Lauren, Chanel
Từ trái qua: Jean Paul Gaultier, Calvin Klein, Ralph Lauren, Chanel

Giai đoạn thập kỷ 1940 ghi nhận sự ảnh hưởng của phong cách menswear – địa hạt vốn là thế giới biệt lập với phái đẹp trước đó. Lựa chọn chất liệu cứng cáp giúp định hình phom dáng cùng kỹ thuật xử lý bố cục nhấn mạnh vào eo và bầu ngực được các NTK ưu ái. Trong xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015, hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho quá trình dịch chuyển quan niệm xã hội về vai trò người phụ nữ được hai thương hiệu Chanel và Dior lần lượt thể hiện qua những mẫu thiết kế “Bó trên, rộng dưới” điển hình như áo blouse kết hợp cùng chân váy peplum mini hay áo bó kết hợp cùng đầm làm từ vải cotton.

Tiếp đến thập kỷ 1950, sự phân hóa về phong cách được định hình rõ ràng hơn. Bên cạnh những mẫu đầm bó kiểu sheath thì hình ảnh những cô nàng tuổi hoa niên trong trang phục từ-đầu-đến-chân với quần bó sát và áo ngực phần nào cho thấy xu hướng xã hội hóa phong cách. Lấy ý tưởng dòng trang phục work-out wear, triết lý thân thức được Tomas Maier truyền tải qua thiết kế quần leggings và áo ba lỗ trên nền gam màu undertone (tông màu nằm phía dưới da) trong BST Bottega Veneta Xuân-Hè 2015.

Tôn vinh vẻ đẹp hình thể

Thập kỷ 60-70-80 chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tư tưởng tiến bộ trong nhận thức về vai trò của phụ nữ trực tiếp ảnh hưởng đến phong cách thiết kế thân thức.

Tom Ford là đại diện tiêu biểu cho thập kỷ 60 thể hiện qua những mẫu đầm lửng ngang đầu gối mang âm hưởng trào lưu Mod. Thiết kế pant suit đặc trưng của xu hướng “power dressing” trong thập kỷ 70 được Balmain biến tấu lạ mắt lồng ghép hai tà áo. Trong khi đó, suy nghĩ bứt phá, nâng tầm mức độ táo bạo của thập kỷ 80 được Alexander Wang phô diễn qua thiết kế áo ngực tạo thành từ những dải màu đỏ và ghi thuôn về hai bên vai trong BST mới nhất.

Từ trái qua: Bottega Veneta, Balmain, Alexander Wang, Louis Vuitton
Từ trái qua: Bottega Veneta, Balmain, Alexander Wang, Louis Vuitton

Bước tới thập kỷ 90, nhận thức xã hội về nét đẹp hình thể người phụ nữ có sự chuyển biến lớn. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa thể hình (body building) và khỏe khoắn được đại bộ phận giới trẻ hưởng ứng. Vì vậy, để thích nghi với lối sống mới, những mẫu thiết kế thân thức tìm kiếm “tiếng nói mới” qua chất liệu vải bó sát và xuyên thấu. Thiết kế áo ngực không còn mặc bên trong mà trở thành một thiết kế độc lập hoàn toàn. Người phụ nữ mặc áo ngực làm từ chất liệu nhung the và quần cắt gấu (cropped pant) trong BST Xuân-Hè 2015 của Louis Vuitton là hình mẫu tiêu biểu thời kỳ này.

Phụ nữ thập niên 2000 có ý thức hơn trong việc giữ gìn hình ảnh bản thân; họ nâng niu nét đẹp hình thể để làm nổi bật mình giữa đám đông. Sự tiến bộ trong nhận thức xã hội, do đó, cũng thay đổi. Phái đẹp thời kỳ này tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân, sống hết mình để tận hưởng những điều tuyệt vời nhất từ cuộc sống.

Chính vì vậy, những mẫu thiết kế thân thức là thứ “ngôn ngữ” hoàn hảo giúp phụ nữ tái khẳng định quan điểm sống cá nhân. Versace Xuân-Hè 2015 với thiết kế trưng diện những “điểm vàng gợi cảm” trên cơ thể làm từ chất liệu vải đính hạt kim sa và vải tuyn phần nào cho thấy xu hướng vượt lên chuẩn mực của dòng trang phục thân thức.

Xem thêm: 

BTV ELLE thế giới nói về xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015

Các biểu tượng thời trang định hình phong cách cá nhân

Bộ sưu tập Xuân-Hè 2015

Nhóm thực hiện

Bài: Thanhhuysing - Ảnh: Imaxtree
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)