Eco fashion: Xu hướng thời trang dành cho người văn minh
Eco fashion là một xu hướng thời trang trái ngược với fast fashion như Zara, H&M, Topshop… Liệu bạn đã sẵn sàng để thay đổi tư duy của mình trong mua sắm?
Sự phát triển của nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong đó có quần áo. Có một sự thật rằng thời trang là ngành công nghiệp ô nhiễm đứng thứ 2 trên thế giới sau dầu mỏ. Bởi lẽ đó mà xu hướng thời trang Eco Fashion – thời trang xanh đã ra đời, nhằm giảm thiểu những vấn đề về môi trường và đạo đức.
Vì sao người văn minh nên chọn eco fashion?
Eco fashion – thời trang sinh thái (thời trang xanh) hay còn gọi là sustainable fashion – thời trang bền vững, là một triết lý trong thiết kế thời trang với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm làm ra, nhằm hạn chế những ảnh hưởng của con người đối với hệ sinh thái. Nền công nghiệp thời trang hiện đại đã sản sinh ra khái niệm Fast Fashion, với trữ lượng sản phẩm làm ra vượt mức tiêu thụ của người tiêu dùng, giá thành rẻ, không bền bỉ và gây ra tình trạng bóc lột sức lao động của những nguồn lực nhân công ở các quốc gia kém phát triển. Eco Fashion nằm ở thế đối trọng với Fast Fashion, khi mà Eco Fashion giảm thiểu tối đa tất cả những hậu quả nặng nề của Fast Fashion gây ra cho chất lượng cuộc sống con người.
Khi được biết về ảnh hưởng của eco fashion – thời trang xanh đối với thiên nhiên, cách thức thời trang vận hành để bảo tồn môi trường sống tự nhiên thì đã có rất nhiều nhiều người ủng hộ cách thức này; trong đó có sự hiện diện của rất nhiều những ngôi sao hàng đầu trên thế giới như Emma Watson, Will.i.am, Pharrell William, Anne Hathaway, Gisele Bundchen, Gwyneth Paltrow, Olivia Wilde…
Trong tour truyền thông cho phim” Beauty and the Beast”, “người đẹp” Emma Watson đã lập một tài khoản Instagram để giới thiệu đến người hâm mộ xu hướng thời trang thân thiện với môi trường. Như bộ trang phục của nhà mốt Stella Mccartney, sử dụng vải tái chế, bông hữu cơ và chất liệu thân thiện với rừng. (Hình: Instagram @emmawatson)
Nhiều nhà mốt nổi tiếng ủng hộ eco-fashion như Christopher Bailey, Victoria Beckham, Christopher Kane, Erdem, và Roland Mouret… Cùng nhau họ đã hợp tác cho Green Carpet Challenge của sự kiện Green Fashion Carpet Awards. Chiến dịch nhằm tuyên truyền mối nguy hại của ngành công nghiệp Fast fashion, đồng thời kêu gọi mọi người nên xem xét và đầu tư kỹ lưỡng khi mua sắm những sản phẩm bền vững thay vì mua những sản phẩm mặc vài lần rồi vứt bỏ.
Fast fashion: Khi thời trang đe doạ môi trường sống
(Hình: Shutterlock)
Nhu cầu tăng cao và nhanh chóng của lối sống vội vàng ở thời điểm hiện tại đã sản sinh ra khái niệm fast food hay fast fashion. Fast fashion cho ra đời những sản phẩm quần áo được cập nhật liên tục, có giá thành rẻ và hạn sử dụng ngắn ngủi. Nhờ những tiêu chí đó của fast fashion mà người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi tủ quần áo của mình thường xuyên và vứt đi lượng lớn quần áo cũ khi bị hư hại hoặc lỗi mốt. Điều này vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như ô nhiễm nguồn nước từ thuốc nhuộm hoá chất độc hại, hay nguồn lương thực bị đe doạ bởi các sợi vải li ti có mặt trong thực phẩm. Nếu không có hướng giải quyết kịp thời, vấn nạn này sẽ tiếp tục và khó lòng kiểm soát hay khắc phục hoàn toàn. Chính điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống chúng ta.
Bên cạnh đó, fast fashion còn liên quan đến những vấn nạn về quyền con người ở các nước đói nghèo. Để đảm bảo mức giá hấp dẫn cho người tiêu dùng, các thương hiệu thời trang phải thuê nhân công ở những quốc gia đang phát triển, điều này giúp họ khai thác sức lao động con người với mức thù lao thấp nhất. Sự việc đã trở nên tồi tệ và trầm trọng hơn khi trẻ em cũng là nạn nhân bị bóc lột sức lao động ở các nhà máy sản xuất. Sức khoẻ hay an toàn lao động đều không được đảm bảo cho người lao động tại những nước đói nghèo này, họ phải sống một cuộc sống cơ cực và không có tương lai như vậy qua nhiều thế hệ.
(Hình: The Made in America movement)
Năm 2013, vụ sụp đổ toà nhà Rana Plaza tại Bangladesh do sự quá tải của lượng lớn máy may trên toà nhà, tước đi mạng sống của 1.134 công nhân. Tai nạn đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho giới thời trang trên thế giới. (Hình: Wikipedia)
Trách nhiệm thuộc về ai?
Khi nói đến vấn đề này, các thương hiệu thường hay quy kết trách nhiệm cho các nhà sản xuất và ngược lại. Trong khi đó, người tiêu dùng mới chính là nhân tố tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp Fast Fashion, và chính họ cũng là người có thể thay đổi được hiện trạng ở thực tại. Điều đáng buồn là không phải ai cũng ý thức và làm được điều đó.
Nếu đã ý thức được, tại sao lại khó thay đổi? Điều dễ hiểu là trong cuộc sống bận rộn thường nhật, con người ta dễ bị cuốn theo những vấn đề xung quanh nên không còn dành thời gian để quan tâm đến những hậu quả nặng nề đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta chọn cách sống thờ ơ với những vấn đề vẫn xảy ra, tiếp diễn mỗi ngày, bởi vì nó chưa trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta. Phần đông trong số chúng ta của thế kỉ 21 chỉ sống cho thời điểm hiện tại, quan tâm đến vấn đề hưởng thụ nhiều hơn và vô tình quên đi trách nhiệm đối với những thế hệ sau.
Liệu những thế hệ về sau có còn được thừa hưởng một môi trường an toàn từ chúng ta? (Hình: Zoriah)
Là một thương hiệu thời trang, nhà sản xuất hay người tiêu dùng, chúng ta đều có những trách nhiệm riêng đối với môi trường xung quanh.
Vai trò của người văn minh đối với Eco Fashion
Các thương hiệu fast fashion lớn trên thế giới đã đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam như Gap, Topshop, Zara và gần đây nhất là H&M. Chúng ta đều có thể chứng kiến sức mạnh thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng của các hãng thời trang này không chỉ riêng tại thị trường Việt mà còn trên các quốc gia khác.
Ngày khai trương thương hiệu H&M đã thu hút rất các bạn trẻ xếp hàng đông đúc tại Vincom
Vai trò chung của chúng ta vẫn là ý thức và cân nhắc trong quá trình tiêu thụ các sản phẩm quần áo. Việc mua một sản phẩm đắt tiền đôi lúc lại là sự đầu tư khôn ngoan cho chính bạn, thông thường các sản phẩm chất lượng cao sẽ có tuổi thọ lâu dài và bền hơn. Ngoài ra, khách hàng khi lựa chọn mua hàng tại những thương hiệu thời trang cao cấp sẽ nhận được những chế độ đãi ngộ tương xứng với khoản tiền mình bỏ ra như chế độ chăm sóc khách hàng, đổi trả, phục hồi và sửa chữa trang phục… Bên cạnh đó, tính độc đáo, nguyên bản của các mẫu thiết kế từ các nhà mốt sẽ chính là điểm tạo dựng nên phong cách thời trang cá nhân của người mặc.
Một trong những câu nói của nhà thiết kế nổi tiếng Vivienne Westwood kêu gọi mọi người nên có ý thức trong việc mua sắm các sản phẩm thời trang.
Tại Việt Nam, các nhà thiết kế nổi tiếng lẫn thiết kế trẻ cũng định hướng cho mình xu hướng thời trang bền vững như nhà thiết kế Võ Việt Chung, Linda Mai Phùng, Li Lam hay Công Trí. Nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam cũng đang trên đà hướng đến Eco Fashion cho chặng đường phát triển lâu dài.
Fashion 4 freedom là một thương hiệu Việt theo xu hướng thời trang phát triển bền vững, tạo cơ hội phát triển cho các làng nghề truyền thống.
—
Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.
Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3/10 – 5/11/2017
Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY
Hào Trần (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE Việt Nam)