Thời trang / Xu hướng thời trang

Đi tìm nguồn gốc của xu hướng thời trang nhựa

Nhựa, dưới đủ mọi hình thù phom dáng từ quần áo đến kính mắt, giày dép hay túi xách, đang xâm chiếm các sàn diễn và lan tỏa khắp đường phố. Nhưng liệu bạn có tự hỏi: đâu là nguồn gốc của xu hướng thời trang này?

Nhịp độ nhanh chóng vẫn là bản chất đặc trưng của thời trang. Trong một thời gian ngắn, ngành công nghiếp này có thể hạ một xu hướng từ đỉnh cao của phong cách xuống một thứ lỗi thời, không liên quan – hoặc ngược lại.

Ý nghĩa của việc sử dụng nhựa trong quần áo, phổ biến nhất dưới dạng PVC – polyvinyle chloride hay ngắn ngọn là vinyl, đã thay đổi chóng mặt xuyên suốt quá trình tồn tại của nó. Và “nhân dịp” chất liệu này đang được yêu thích, hãy cùng tìm hiểu về con đường dẫn nhựa đến với thế giới của thời trang.

Chất liệu nhựa đang được giới thời trang rất yêu thích. (Ảnh: Love Magazine)

Cơn sốt suốt nhiều mùa liên tiếp

Được phát minh ra từ 1926 bởi kỹ sư hóa học người Mỹ Waldo Selmon, nhựa PVC là một trong những vật liệu tổng hợp lâu đời nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ban đầu chất liệu này chỉ thường được sử dụng trong sản xuất ô hay áo mưa.

Vậy mà suốt 3 mùa nay, từ Thu 2017 qua Xuân 2018 rồi lại Thu 2018, người ta thấy thời trang nhựa – khi bóng bẩy lúc cứng cáp, khi trong suốt lúc màu mè – hoành hành trong hàng chục BST từ các thương hiệu nổi tiếng. Gucci và Balmain dùng PVC holographic để tạo ra những bộ đồ ngũ sắc óng ánh. Trong khi đó Marine Serre lại chọn phong cách đậm chất giấy bóng kính, nhuộm màu các trang phục qua lớp PVC đỏ gắt. Còn John Galliano thì dùng nhựa để bọc lấy những chiếc áo khoác oversize của Maison Margiela.

Nhựa PVC liên tiếp xuất hiện trên các sàn diễn thời trang Thu – Đồn 2018. Từ trái qua phải: Marine Serre, Balmain, Maison Margiela . (Ảnh: firstVIEW)

Chanel đứng trên đỉnh lên làn sóng thời trang nhựa đầu năm nay với bốt, mũ và áo mưa trong suốt đi kèm với chất liệu tweed đặc trưng của hãng. Vinyl và PVC cũng xuất hiện trên sàn diễn của hàng loạt các tên tuổi lớn khác như Balenciaga, Burberry hay Miu Miu. Đó là chưa kể đến tất cả các loại phụ kiện bằng nhựa, từ giày của OFF-WHITE, tới túi của Valentino.

Từ trái qua phải: Balenciaga Xuân – Hè 2018, Chanel Xuân – Hè 2018, Miu Miu Thu – Đông 2017. (Ảnh: firstVIEW)

Để thực sự nắm bắt được xu hướng thời trang này, chắc hẳn phải quay trở lại với thời điểm lần đầu tiên chất liệu nhựa xuất hiện như một phần của quần áo.

Thập niên 60 và những nhà tiên phong

“Thời đại không gian”

Những “bước đi lớn” của Yuri Gagarin và Neil Amstrong đã khiến thời trang những năm 60 thực sự bị ám ảnh bởi không gian. Vậy nên, nhiều NTK bắt đầu thể hiện ý niệm về thế giới tương lai của mình qua chất liệu nhựa.

Related image

Những thiết kế mang tính tương lai của NTK André Courrèges.

Người đầu tiên chính thức giới thiệu PVC đến với làng thời trang cao cấp là André Courrèges. Sau 10 năm làm việc cho Balenciaga, NTK người Pháp này đã lập nên thương hiêu riêng của mình vào 1961, nơi ông cho ra mắt những sản phẩm mang hơi hướng futuristic được tạo nên từ nhựa PVC.

Những chiếc mini jupe, cặp kính mắt nhựa trắng và đôi bốt từ BST “Cô gái Mặt trăng” đã mang lại cho Courrèges tên gọi người sáng lập của “thời đại không gian”. Theo sau ông còn có NTK Pierre Cardin cũng nổi tiếng thường xuyên sử dụng chất liệu nhựa trong thời trang

Mẫu kính nhựa nổi tiếng do André Courrèges sáng tạo nên.

Các loại vải được bọc vinyl không chỉ tạo ra một bề mặt mới mẻ cho các mẫu thiết kế mà còn mang đến một tầm nhìn hiện đại về cấu trúc quần áo. Những đường cắt tối giản, những phom dáng hình học sạch sẽ, vuông vắn đặc trưng trong sáng tạo của các NTK lúc bấy giờ thay thế cho những đường xếp li mềm mại cổ điển trước đây.

Thử nghiệm cùng thời trang nhựa

Ở một cách tiếp cận khác, Pacco Rabanne, NTK từng bị người đời mỉa mai gọi là “thợ đồ nhựa của làng mốt”, áp dụng những kỹ thuật xây dựng trang sức tinh xảo của mình vào quần áo, dựng nên những bộ váy từ đĩa nhựa. Hai BST để đời của ông: “Mười hai bộ váy thử nghiệm”(1964) và “Mười hai bộ váy không thể mặc được từ các vật liệu đương đại” (1966).

Từ trái qua: Người mẫu – ca sĩ Twiggy trong một mẫu váy trong suốt; một thiết kế kết hợp vải và PVC từ những năm 60, show diễn năm 1966 của Pacco Rabanne. (Ảnh: Getty Image)

Xu hướng Mod

Cùng lúc đó, tại Anh, trên những con phố của London nổi lên làn sóng thời trang Mod, khởi xướng bởi NTK Mary Quant. Lấy nguồn cảm hứng từ op art và pop art, bà dùng các chất liệu phủ vinyl để tạo ra xu hướng “wet look” với không chỉ các mẫu áo mưa mà còn có chân váy bó mini, bốt cao và balo đeo vai.

Mary Quant cho ra mắt dòng giày làm từ nhựa PVC mang tên Quant Afoot năm 1967. (Ảnh: Getty Image)

Thời trang nhựa xuống dốc

Nhựa PVC có thể được sản xuất với giá rẻ và số lượng lớn. Nó được coi như một biểu tượng tiên tiến của thời đại và rồi trở thành chất liệu đại diện tượng trưng cho thập kỉ 60.

Ở một cảnh trong bộ phim “The two on the Road”, nàng thơ của Givenchy, Audrey Hepburn đã gây ấn tượng khi diện một bộ đồ màu đen bóng được làm từ PVC của Pacco Rabanne.

Tuy nhiên, 10 năm sau đó, nhựa bắt đầu mất vị thế trong giới thời trang chính thống và thay vào đó lại được ưu ái bởi các dòng văn hóa ngầm như goth và punk. Quấn áo làm từ PVC từng là một trong những mặt hàng đặc trưng được yêu thích và bán chạy tại SEX – một cửa hàng khét tiếng trên đường Kings Road do NTK Vivienne Westwood và MalCom McClaren chung tay quản lí, nơi được nhiều người coi là nơi khai sinh ra thời trang punk.

Vivienne Westwood trong cửa hàng SEX. (Ảnh: William English)

Quay trở lại vào những năm 90 qua các phương tiện truyền thông

Đến giữa những năm 1990, thời trang nhựa quay trở lại và trở nên phổ biến trong giới trẻ. Những món đồ được yêu thích thời đó là áo khoác, chân váy và quần nhựa. Đặc biệt, PVC xuất hiện rất nhiều nhiều trên các phương tiện truyền thông. Người ta thường xuyên thấy người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ và những người nổi tiếng khác xuất hiện trong trang phục làm từ nhựa trên TV hay các tạp chí. Một vài nhà mốt lớn như Issey Miyake hay Givenchy cũng đưa nhựa vào các BST của mình.

Chất liệu nhựa trên các sàn diễn thời trang những năm 90 – từ trái qua: Perry Ellis, Issey Miyake (1992), Givenchy (1998).

Câu hát nổi tiếng của nhóm nhạc pop Aqua, “Life in plastic is fantastic” (Tạm dịch: Cuộc sống bằng nhựa thật tuyệt vời) đã tóm tắt ngắn gọn thời trang trong thời kỳ này.

Image result for scream janet jackson

Micheal Jackson cùng em gái Janet diện quần nhựa PVC đen bóng trong video âm nhạc Scream.

Cách xử lý thời trang nhựa của thế kỷ mới

Tính độc hại của nhựa đã được các nhà khoa học phát hiện và phổ biến rộng rãi, theo đó, sự phổ biến của vật liệu này cũng dần suy yếu trong ngành thời trang. Sự ưu ái bất ngờ trở lại của các thương hiệu hàng đầu dành cho thời trang nhựa gần đây đang được đưa lên cán cân suy xét.

Một bức ảnh trong dự án thực hiện bởi tổ chức Surfrider nhằm nâng cao nhận thức về lượng rác thải nhựa trong đại đương. (Ảnh: Surfrider Foundation)

Câu hỏi được đặt ra: đây có còn là một xu hướng đáng theo đuổi nữa không hay nó đang đại diện một mối nguy lớn với môi trường?

Trong thời đại ưu tiến lỗi sống xanh, và sự bền vững, câu trả lời có lẽ nghiêng về phía sau hơn. Tổ chức Hòa bình Xanh thường xuyên bày tỏ sự phản đối với chất liệu nhựa PVC. “Xử lý không an toàn” và “các vấn đề trong tái chế” là những luận điểm chính của tổ chức bảo vệ cho lập trường của mình.

Đối diện với nỗi lo này, nhiều cá nhân đã đưa ra các biện pháp giải quyết. Ocean Plastics là một tấm gương sáng tiên phong trong việc chuyển hóa rác thải nhựa từ biển thành sợi vải dùng trong thời trang. Công ty này đã nhiều lần hợp tác cùng Adidas trên nhiều mẫu giày tái chế của hãng. Năm vừa qua, Ocean Plastics đã nhận được sự ủng hộ từ NTK đi đầu trong dòng chảy bền vững, Stella McCartney.

thời trang nhựa

Mẫu giày keets hợp giữa Adidas và Oceans Plastic.

Thời trang nhựa hẳn sẽ không thể có được lại vị trí hoàng kim như 60 năm trước đây. Tuy vậy quay vòng cũng là một điểm đặc trưng khác của thời trang. Và dù có phải mất đến 60 năm nữa để xu hướng này quay trở lại, thì hãy an tâm rằng, tới lúc đó, món đồ nhựa mà bạn mới sắm mùa vừa qua chắc vẫn sẽ còn nguyên vẹn lắm.

Xem thêm:

Nhựa dẻo – thời trang hay nỗi lo môi trường?

Thời trang bền vững: không đơn thuần chỉ là nhận thức

Nhóm thực hiện

Hương Giang (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)