Nếu yêu thích một số thương hiệu như Supreme, Off-white, Yeezy, Vetements… có lẽ bạn là một tín đồ của phong cách thời trang streetwear. Tuy đã xuất hiện cách đây hơn 40 năm, streetwear vẫn được giới trẻ hiện đại đặc biệt yêu thích nhờ sự thoải mái và mang đậm dấu ấn riêng.
Điều gì đã giúp phong cách thời trang vốn bắt nguồn từ một cửa hàng bán đồ lướt sóng ở Nam California trở thành trào lưu không nên bỏ qua vào đầu thế kỷ 21? Hãy cùng ELLE nhìn lại cách streetwear vượt qua những định kiến để tạo nên cuộc cách mạng và “thống trị” thế giới thời trang hiện đại.
BÀI LIÊN QUAN
từ “kẻ ngoại đạo” đến “ông hoàng” thời trang đường phố
Nhắc đến streetwear, ta không thể không nói tới Shawn Stussy – nhà thiết kế đến từ vùng biển California. Logo thương hiệu Stüssy lần đầu xuất hiện trên những tấm ván lướt sóng và áo thun với số lượng ít ỏi vào những năm 1980. Phom dáng thoải mái cùng thiết kế logo độc đáo là những điểm cộng lớn giúp sản phẩm của Stüssy nhanh chóng được cộng đồng lướt sóng và trượt ván trong khu vực săn đón.
Thập niên 90 đánh dấu sự “bùng nổ” của phong cách streetwear. Không bị giới hạn trong bờ Đông nước Mỹ, streetwear còn nhận được sự đón nhận đông đảo của cộng đồng người trượt ván và tín đồ Hip-hop tại New York. Năm 1993, thương hiệu streetwear Nhật Bản A Bathing Ape (BAPE) được thành lập sau khi NTK Nigo ghé thăm thành phố này và tìm được nguồn cảm hứng. Năm 1994, Supreme mở cửa hàng đầu tiên tại Manhanttan, nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi sự kiện “drop” – khi mỗi tuần thương hiệu ra mắt thiết kế mới với số lượng có hạn.
Trong thời gian mới xuất hiện, streetwear bị xem là “kẻ ngoài cuộc”, không được đánh giá cao trong làng thời trang chính thống. Tuy vậy, với sức lan tỏa mạnh mẽ cùng ảnh hưởng từ những nghệ sĩ Hip-hop như Nelly, Kanye West… streetwear đã trở thành một trong những phong cách thời trang được nhiều người yêu thích nhất.
Màn hợp tác Supreme x Louis Vuitton 2017, Dior x KAWS 2018 hay BAPE x Coach 2020 là những cột mốc đánh dấu sự phổ biến và vị trí của streetwear trong thế giới thời trang hiện đại. Một số NTK phong cách streetwear còn giữ trọng trách Giám đốc sáng tạo cho những nhà mốt thời thượng nhất: Virgil Abloh tại Louis Vuitton, Kim Jones tại Dior và Fendi…
sức hút “bùng nổ” của phong cách thời trang streetwear
“mình thích thì mình mặc thôi”
Khi mới ra mắt, streetwear gây ấn tượng bằng sự đơn giản và phóng khoáng, tương phản với phong cách rực rỡ sắc màu trong những năm 1980. Các tín đồ thời trang có thể tự do thể hiện cá tính và tạo nên xu hướng mới, không còn bị phụ thuộc vào những thương hiệu xa xỉ lúc bấy giờ. Vẻ “ngầu” tự nhiên cùng điểm nhấn trong phong cách cá nhân giúp streetwear chiếm được tình cảm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc Thế hệ Z.
độc đáo và chân thực
Bên cạnh đó, với nguồn gốc gắn liền với dân trượt ván và văn hóa Hip-hop, streetwear còn chứa đựng giá trị cộng đồng. Khi diện trang phục streetwear của bất kỳ thương hiệu nào, bạn đang ủng hộ cho những người cùng lý tưởng, cùng nhau chia sẻ những giá trị chung nhất về sự độc đáo (originality) và chân thực (authenticity). Trong văn hóa streetwear, không khó để tìm ra những màn “bắt tay” ấn tượng với thiết kế đậm chất nghệ thuật.
“Bức tranh” Streetwear hiện đại
Theo một báo cáo về ảnh hưởng của streetwear được Hypebeast và Strategy& phát hành, streetwear hiện đại có thể được chia làm 4 nhóm thương hiệu chính như sau:
Streetwear chính thống (Original streetwear)
Những thương hiệu thời trang thuộc nhóm này đóng vai trò “nền tảng” cho cả văn hóa streetwear. Từ Supreme, BAPE, Stüssy đến một vài cái tên mới hơn như Palace và Polar. Sản phẩm đến từ những thương hiệu này có chất lượng cao, mang đậm tinh thần streetwear và được sản xuất với số lượng rất giới hạn. Đây cũng là những thương hiệu được “hét giá” cao nhất trong thị trường mua bán hàng secondhand.
Trang phục thể thao (Sportswear)
Vốn chỉ được vận động viên thể thao yêu thích, áo khoác dù, giày sneakers là những món đồ không thể thiếu trong phong cách thời trang streetwear. Nike, addidas là những thương hiệu được tín đồ streetwear săn đón nhiều nhất. Sportwear cũng là điểm khởi đầu của phong cách athleisure đang “làm mưa làm gió” trong những năm gần dây.
BÀI LIÊN QUAN
Thương hiệu chịu ảnh hưởng của Streetwear (Adopted streetwear)
Đây là những thương hiệu không gắn với xu hướng streetwear nhưng vẫn ra mắt sản phẩm theo phong cách này đến khách hàng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc áo thun, áo khoác bomber, quần thun đậm chất streetwear trong cửa hàng H&M, Zara hay cao cấp hơn là Prada và Gucci.
Streetwear xa xỉ (Luxury streetwear)
Ranh giới ngày càng phai mờ giữa phong cách streetwear và thời trang cao cấp là một nhân tố dẫn đến sự ra đời của vài thương hiệu như Off-White™, AMBUSH và Vetements. Vẫn trung thành với sự độc đáo và chân thực nhưng sản phẩm từ những thương hiệu này có thiết kế hiện đại, táo bạo hơn và giá thành cao hơn.
Cá tính cá nhân kết hợp với giá trị cộng đồng là những yếu tố tạo nên sức hút lan tỏa toàn cầu của streetwear. Không chỉ là một phong cách thời trang, streetwear còn là lối sống, thể hiện thái độ “bình tĩnh” trước hàng loạt những xu hướng chớp nhoáng, nhằm hướng đến một ngành thời trang chân thực, bền vững và mang nhiều giá trị nghệ thuật hơn.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Bảo Châu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Hypebeast