Slut Era – Vẻ đẹp lẳng lơ mở ra một kỷ nguyên thời trang mới
Vượt khỏi những quy chuẩn khắc khe, slut era là lúc con người sử dụng thời trang một cách phóng khoáng, đầy hoa mỹ để lột tả khao khát tự do và tâm hồn bay bổng của mình.
Dù biến đổi muôn hình vạn trạng, thời trang vẫn giữ vững một tôn chỉ, đó là khiến con người ta trở nên xinh đẹp và tự tin hơn. Đi cùng với những thay đổi trong lối sống và suy nghĩ của thế hệ Z, một khái niệm mới với tên gọi “slut era” đã ra đời, “thổi” nhiều chút sexy, gợi cảm và hư hỏng vào phong cách giới trẻ đương thời. Không đơn thuần như thế, thuật ngữ này còn ngập tràn sắc thái tự do cá nhân, phóng khoáng và phá bỏ những rào cản về định kiến xã hội. Không ngoa khi nói rằng, “slut era” chính là “giao điểm” của thời trang và văn hóa, càng củng cố một khẳng định chắc nịch đã được các tín đồ sành điệu tuyên bố trước đó: “2022 sẽ là một năm ngập tràn sự hoang dại”.
Theo định nghĩa, khái niệm “slut” được dùng để chỉ những phụ nữ lẳng lơ, lăng nhăng, “người có nhiều bạn tình”, và ẩn chứa hàm ý xúc phạm, khinh rẻ người được nhắc đến. Thế nhưng, cụm từ này lại dần trở nên biến tướng, bị lạm dụng để miệt thị những người có ngoại hình, phong cách thời trang cá tính, khác biệt, hay thậm chí để phân biệt giới tính, giai cấp, bất kể họ có mang nét tính cách như khái niệm gốc đã đề cập hay không. Năm 2011, một cuộc diễu hành mang tên SlutWalk đã diễn ra ở Toronto sau khi một sĩ quan cảnh sát phát ngôn rằng “phụ nữ nên tránh ăn mặc như gái điếm (sluts) để tránh bị tấn công tình dục”, với hơn 3000 người tham gia trong những bộ quần áo đậm chất “slut”.
Cùng với SlutWalk, sự nổi loạn và ngông nghênh của thế hệ Z đã bắt đầu biến từ ngữ này từ một sự xúc phạm trở thành một nền văn hóa. “Slut” và những cụm từ gợi lên sự hư hỏng, lẳng lơ xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Trên Spotify, danh sách phát với tên gọi “slutty songs for hoes” hay “whore anthems” chứa đầy những bài hát của Beyoncé, Ariana Grande, Nicki Minaj, Doja Cat, Megan Thee Stallion… Còn ở TikTok, hashtag #sluttok thu về hàng triệu lượt xem với phần lớn nội dung là giới thiệu về khái niệm mới, âm nhạc, thời trang và nghệ thuật mang đậm tinh thần phóng khoáng, trần tục và khiêu khích.
Trong quá trình hình thành nên “kỷ nguyên hư hỏng” này, thời trang đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Paris Hilton, Megan Fox, những nàng IT girls của thập niên 2000 từng bị chế giễu khi ấy vì phong cách ăn mặc có chút lẳng lơ, dường như đang có thêm cơ hội để trở lại thời kỳ phục hưng của mình. Bên cạnh đó, một trong những tượng đài “hư cấu” đại diện cho trào lưu này là Faye trong Euphoria, với những chiếc quần short, mini skirt cạp trễ và chiếc áo khoác hững hờ trên cánh tay.
“Slut era” không dành riêng cho phái nữ. Nhân vật Ken do Ryan Gosling thủ vai trong Barbie (2023) là một ví dụ. Với sự trở lại sàn runway, NTK đình đám Mowalola đã mang đến một BST “hư hỏng” từ ý tưởng của vụ cướp ngân hàng, với thiết kế cut-out táo báo phơi bày nhũ hoa trên nền vải da. Trong khi đó, nhà mốt Courréges chủ trương phô diễn đường cong của dàn mẫu nam với phần cơ thể lõa lồ cùng quần áo, giày và túi khoác trên vai như những kẻ bộ hành.
Với sự phá cách và sáng tạo vô hạn, thế hệ trẻ đã và đang từng bước khẳng định “slut” hay không thì chỉ là một tên gọi, và cách chúng ta ăn mặc càng không thể định nghĩa chúng ta là người như thế nào. Chính vì thế, hãy tận hưởng khoảng “thời gian hư hỏng” này.
Bài: Mẫn Nhi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE