Ugly Chic là một trào lưu nóng sốt đang được hưởng ứng rầm rộ bởi thế hệ Z trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram và TikTok. Xấu xí mà nghệ thuật, sang trọng mà thoải mái, xu hướng này sẽ khiến bạn đặt ra câu hỏi về về định nghĩa truyền thống của từ “ugly”. Ngày nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của những bản phối maximalism với toàn đồ vintage hay preppy phiên bản luộm thuộm ở tuần lễ thời trang. Vậy đâu là ý nghĩa đằng sau trào lưu đang nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ Gen Z?
BÀI LIÊN QUAN
Sự trỗi dậy của Ugly chic
Ugly Chic là một khái niệm không mấy phổ biến, cho đến khi những bản phối “không giống ai” đổ bộ vào các tuần lễ thời trang như kết quả của một cuộc vui cùng hoạ tiết, chất liệu và màu sắc. Xuất phát từ những người trẻ đã quá nhàm chán với sự gò bó của dịch bệnh, Ugly Chic trỗi dậy hậu COVID-19 với khao khát tự do trên mọi phương diện, bao gồm cả thời trang nói riêng và cách thể hiện bản thân nói chung.
Trên các nền tảng chia sẻ nội dung như Instagram hay TikTok, hashtag #uglychic đang “lũng đoạn” bài post OOTD của người dùng. Dù nhận được nhiều phản hồi trái chiều, có người yêu thích, có người phản đối và chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận rằng trào lưu này thổi vào làng mốt một nguồn sinh khí mới bởi tính cá nhân và hầu như không tồn tại một quy luật phối đồ nào.
BÀI LIÊN QUAN
Vẻ đẹp của sự xấu xí
Miuccia Prada – “bà trùm” của những thiết kế bất quy tắc là người đặt nền móng cho khái niệm Ugly Chic. Từ những dấu ấn khác biệt trong việc pha trộn các màu sắc và chất liệu không được yêu thích bởi số đông, NTK người Ý đã trình làng những hình mẫu trừu tượng được coi là kém hấp dẫn so với tiêu chuẩn cái đẹp thông thường đương thời, kể từ những năm 1990.
Thời trang thập niên 90 được cân bằng bởi hai thái cực: “sự xấu xí sang chảnh” của Miuccia Prada đối lập với nghệ thuật khêu gợi của Tom Ford tại Gucci. Trong BST “Banal Eccentricity” mùa Xuân/Hè 1996 của Prada, dàn mẫu đình đám tiêu biểu là Kate Moss đã sải bước trên sàn diễn trong trang phục được tạo ra từ những ý tưởng, màu sắc, hình dạng và chất liệu vải đan xen nhau theo cách chưa từng có. Khi nói về nguồn cảm hứng cho hình ảnh “Ugly Chic”, Miuccia cho rằng “xấu xí” là một sự bổ sung mới mẻ và đầy kích thích cho thời trang, nó cũng là sự phác hoạ chính xác về nhân loại.
Theo nhà thiết kế người Ý, con người thường cho những thứ xa lạ, kém thân thuộc với họ là “lập dị”, “quái đản”. Thế nhưng, sự “xấu xí” là một mắt xích quan trọng trong nghệ thuật, nó là nơi đầu tiên ấp ôm những phát kiến mới mẻ, điên rồ và đảo lộn trật tự của thế giới, là nguồn dopamine vô hạn của cảm xúc và là vũ khí để đập tan mọi giới hạn. Không chỉ có thời trang, địa hạt âm nhạc cũng tồn tại dòng nhạc thử nghiệm có chức năng tương tự.
khuyến khích người trẻ đi tìm kiếm bản ngã độc nhất
Ugly Chic là một aesthetic nổi tiếng với Gen Z phương Tây khi những rào cản trong việc thể hiện cá tính ngày càng trở nên vô hình. Họ từ chối theo đuổi phong cách tối giản và bóng bẩy kiểu Kim Kardashian mà tìm thấy bản ngã của mình trong những món trang sức nhiều màu, kính to bản làm từ nhựa, màu sắc xung đột… mà thoạt nhìn tưởng rằng chẳng có chút gì liên quan đến nhau. Trào lưu này cho phép người trẻ theo đuổi niềm vui phối đồ vượt ngoài những chuẩn mực sẵn có và cho phép họ dùng thời trang như một tuyên ngôn.
Chính bởi tính chất “hyper-individual,” không có một công thức mix & match cố định cho Ugly Chic. Nhưng bạn có thể bắt đầu gia nhập trào lưu bằng cách thêm vào bản phối “bình thường” những món phụ kiện “bất thường”. Một khi tự tin với sự khác biệt, bạn sẽ thấy thời trang mang lại niềm hạnh phúc vì tìm được “lớp da” vừa in với cá tính của mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE