Xuất hiện trong cuộc diễu hành tuổi trẻ của Louis Vuitton với những thiết kế Thu-Đông 2022, cà vạt (hay kravat) trở thành một từ khóa sẽ được nhắc đến ngày càng nhiều trong các cuộc thảo luận thời trang mùa tới. Tuy nhiên, trước cả khi giành được vai diễn chính trên sàn runway của nhà mốt nước Pháp, xu hướng này đã âm thầm nở rộ nhờ các trào lưu hoài niệm trên TikTok và Instagram như Academia Aesthetic, Preppy, Highteen,…
BÀI LIÊN QUAN
Đối với Gen Z, nguồn cảm hứng về những nút thắt thời thượng có lẽ đã đến từ loạt phim học đường đình đám. Gossip Girl chính là cái tên nổi bật nhất. Trở lại những năm 2010, Blair Waldorf và Serena van der Woodsen đã thống trị những xu hướng thời trang của thiếu niên Mỹ. Nhưng trang phục mà hai nữ hoàng tuổi teen này mặc nhiều nhất lại là những bộ đồng phục. Trong các trường học danh giá ở Âu Mỹ hoặc mang hơi thở phương Tây tương tự, đồng phục học sinh thường là suit với điểm nhấn là thắt nơ hoặc cà vạt. Những phụ kiện này chưa bao giờ thiếu trong quá trình trưởng thành của các cậu ấm cô chiêu. Nó hào nhoáng mà không cần lấy một hiệu ứng lấp lánh nào.
“Tốt nghiệp” từ giảng đường tuổi trẻ, cà vạt vẫn tiếp tục tháp tùng tầng lớp tri thức đến những văn phòng cao cấp, những tòa cao ốc chọc trời. Giống như kính cận hay sơmi, món phụ kiện này gắn liền với một hình ảnh chuyên nghiệp, tác phong nghiêm chỉnh và khí chất đạo mạo trong từng chuyển động. Người ta có thể đeo cà vạt vì nhiều mục đích nhưng cà vạt lại luôn vô tình nâng tầm cho phong thái cao cấp và đắt tiền của bạn.
Đến một độ tuổi trưởng thành hơn, cà vạt sẽ là thứ “đồ chơi mới” được những đứa trẻ tìm thấy trong tủ quần áo của bố. Chúng có thể không được may bằng một loại vải đắt tiền, không có những hoa văn hợp thời và thậm chí có phần “cổ lỗ sĩ” nhưng vẫn gợi lên một nguồn cảm hứng cổ điển nồng đượm dấu vết thời đại. Đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo trên sàn diễn của Louis Vuitton, chúng ta đeo cà vạt, mặc những bộ đồ rộng thùng thỉnh không phải “chính chủ” nhưng không ở lại trong quá khứ mà nô đùa bằng một tâm hồn tươi trẻ chưa từng có. Phiên bản thanh xuân của thế hệ trước sẽ được sống dậy, gặp gỡ và trực tiếp trao đổi các quan điểm thời trang vốn thường “trái dấu” với những thiếu niên hiện đại.
BÀI LIÊN QUAN
Nhân nhắc tới chuyện cũ và những kỷ niệm, hãy đi xa hơn một chút về nguồn gốc của những chiếc cà vạt. Ít ai biết rõ về sự ra đời thực sự của sáng tạo này nhưng mọi manh mối đều quy về hoàng gia và quý tộc. Các nhà sử học đã cho rằng cà vạt thể hiện địa vị của những quý ông Ai Cập cổ đại. Cuộc khai quật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vào năm 1974 đã xác nhận 7.500 tượng binh lính bằng đất nung bao quanh mộ đều mang khăn lụa trên cổ. Trong các tác phẩm nghệ thuật từ thời Hoàng đế La Mã (năm 113 sau Công nguyên), nam giới đều thắt những chiếc khăn gần giống với cà vạt hiện nay.
Nhưng sự thăng hoa của trào lưu này phải kể đến thế kỷ XVII, khi binh lính Croatia đã đặt chân đến nước Pháp hoa lệ cùng những chiếc khăn bắt mắt quấn quanh cổ. Phong cách này để lại ấn tượng sâu sắc cho vua Louis XIV đến nỗi ông đã biến nó trở thành một quy tắc trong trang phục nam của các quý tộc và đặt ra cái tên La Cravate. Trào lưu thắt khăn cũng nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu.
Như vậy, đeo cà vạt thực sự thể hiện nhiều giá trị hơn chúng ta nghĩ. Ngay cả khi nói đến tính thực tế nằm ngoài thời trang, tác dụng cơ bản của nó là để tinh tế che giấu các nút áo sơ mi. 2022 không còn là thời kỳ đầu của phong trào nữ quyền trong thời trang như khi Le Smoking giáng xuống một “cơn địa chấn” trong thập niên 60. Chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một cô nàng cá tính khi theo đuổi những aesthetic “hường phấn” cực điểm. Giờ đây, những cô gái sành điệu đeo cà vạt có thể vì các lý do nhẹ nhàng hơn như nỗi nhớ nhung quá khứ, cách “nâng giá” diện mạo hay chỉ đơn giản là “trendy”.
Nhóm thực hiện
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE