Hiển nhiên thời trang ảo không thể thay thế thời trang vật lý, vốn đem lại nhiều trải nghiệm qua các giác quan hơn. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những điều mới lạ và tiềm năng mà metaverse đem lại.
Khi chưng diện ở hiện thực vẫn chưa đủ
Như chúng ta đã biết, thời trang về cơ bản là trang phục mặc hằng ngày để bản thân cảm thấy đẹp, tự tin, thể hiện được phong cách cá nhân… Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu chúng ta không có thêm một thế giới ảo khác để tồn tại, nơi mỗi người có thể xuất hiện với một phiên bản khác của chính mình theo cách tự do nhất.
Những người đầu tiên có được trải nghiệm này chính là các game thủ. Sự phát triển của đồ họa game mang đến những nhân vật ngày càng giống thật và việc có thể thay đổi ngoại hình theo ý thích là cách để thu hút người chơi. Giống như trò chơi nhà búp bê thuở bé, trò chơi thực tế ảo đầu tiên The Sims cho phép người chơi có thể tạo ra cuộc sống mới với nhà cửa, các hoạt động hằng ngày, các mối quan hệ xã hội và dĩ nhiên là cả thời trang.
Ở dạng game nhập vai sinh tồn như PUBG, các nhân vật cũng có nhiều sự lựa chọn trang phục được cập nhật liên tục. Cuộc chơi trở nên bất ngờ và thú vị hơn khi các thương hiệu lớn bắt tay với dòng game mobile, phải kể đến “tủ đồ” của Louis Vuitton tại League of Legends và Balenciaga tại Fortnite. Đáng nói là các game thủ không chỉ bị “bào tiền” trên game mà còn cả đời thực khi chính hai BST kể trên cũng có hẳn phiên bản quần áo thật.
BÀI LIÊN QUAN
Nhưng mấu chốt ở đây không phải chỉ là thời trang trên game mà là một nền tảng, một thế giới ảo để chúng ta được thỏa sức biến hóa và game không phải là thị trường ảo duy nhất mà thời trang muốn nhắm tới.
Ý tưởng về thế giới ảo với xã hội tồn tại song song không còn mới lạ khi nó từng xuất hiện trên điện ảnh qua một số bộ phim nổi tiếng như The Matrix, Tron Legacy, Ready Player One,… Khái niệm đó càng ngày càng khả thi khi đại dịch Covid-19 xảy ra buộc nhân loại phải tìm ra giải pháp để con người có thể giao tiếp mặt đối mặt một cách phi vật lý. Mark Zuckerberg đã trình làng ý tưởng về thế giới ảo Metaverse vào cuối năm 2021 mà trong đó, việc cá nhân hóa diện mạo và thời trang ảo được Mark nhấn mạnh như một sự hứa hẹn về sức mạnh tiềm tàng của nó với ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.
Thời trang trong thế giới ảo “vận hành” ra sao?
Trước hết hãy nói về những vật phẩm ảo NFT (Non-Fungible Token, nghĩa là tài sản số không thể thay thế, hiển thị trên một chuỗi số blockchain). Các NFT thời trang có thể là định dạng file jpeg, png, mov hay 3D được phát hành giới hạn, lưu hành tại một thị trường ảo nhất định và thanh toán bằng tiền tệ ảo được sử dụng tại thị trường đó.
Người đón đầu xu hướng này không ai khác là Gucci. Để kỷ niệm 100 năm, Gucci không chỉ cho ra BST collab với Balenciaga, một BST trình diễn tại Hollywood mà còn lần đầu tiên phát hành vật phẩm thời trang dưới định dạng phim ngắn mang tên Aria. Bất ngờ thay, đoạn clip dài 4 phút đó được bán đấu giá với con số khủng 25.000 USD và chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền ảo Ethereum.
Và rồi Fashion Week ảo ra đời, nơi hứa hẹn sẽ là một “wonderland” NFT của các thương hiệu. Tháng 3/2021, Hiệp hội Thời trang Haute Couture Paris đã liên kết với sàn giao dịch thời trang số cao cấp Arianee của Pháp để mang đến những trải nghiệm số hóa cho tất cả các khách mời tại các tuần lễ thời trang tại Paris, đầu tiên là Menswear Xuân – Hè 2022 và Haute Couture Thu – Đông 2021. Jonathan Simkhai là thương hiệu đầu tiên trình làng một show thời trang ảo tại Metaverse Fashion Week được phát triển bởi Everyrealm và Blueberry Entertainment, diễn ra cùng lúc với New York Fashion Week vừa qua. Các NFT được bán tại OpenSea và chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo Ethereum, Solana, USD Coin và DAI.
BÀI LIÊN QUAN
Có mặt sau đó không lâu nhưng Decentraland Fashion Week mới được công nhận là tuần lễ thời trang Metaverse đầu tiên quy tụ nhiều thương hiệu và sự kiện thời trang trong nhiều ngày. Tổ chức tại thế giới ảo Decentraland tiêu thụ đồng MANA, tuần lễ thời trang ảo có các thương hiệu lớn như Dolce & Gabbana, Etro, Dundas, Estée Lauder… Tuy nhiên vẫn tồn tại những nhược điểm, đó là vẫn còn ít người sử dụng, tham gia, bên cạnh đó đồ họa chưa được xuất sắc, còn lỗi công nghệ… Có lẽ chính nhà tổ chức cũng đã lường trước được những khó khăn này. Như lời Giovanna Graziosi Casimiro, trưởng ban Metaverse Fashion Week: “Tất cả chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi cần thực hiện từng bước một”.
Phương thức tiếp cận khách hàng mới, hình thức kiếm tiền mới
Tháng 9/2021 là một cột mốc lịch sử của thời trang ảo với đợt phát hành 777 NFT Karl Lagerfeld bán với giá 77 Euro cho một chiếc và cháy hàng chỉ sau 33,77 giây tại thị trường ảo The Materialised. Hiện tượng này cho thấy hai điểm: Hoặc là người mua có dấu hiệu “FOMO” (Fear of missing out – Hội chứng sợ bị bỏ lỡ), hoặc là họ nhận thấy tiềm năng về đầu tư của loại hình thời trang mới này. Riêng với các thương hiệu, đây vừa là cơ hội tiếp cận thêm khách hàng, vừa là cơ hội để tăng doanh số.
Không hổ danh là người dẫn đầu trong phong trào khai phá vùng đất ảo, Gucci liên tục tung ra những hoạt động dành cho lĩnh vực thời trang số. Vừa mới mua bất động sản ảo tại Sandbox để xây dựng thế giới Metaverse, hãng tiếp tục tung ra BST NFT giới hạn SuperGucci, đồng thời cộng tác với 10KTF để cho ra dự án khủng “Gucci Grail”. Có thể thấy cả Gucci và Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đều có tầm nhìn thức thời khi nhìn thấy tiềm năng của thời trang ảo nói riêng cũng như thế giới Crypto nói chung và đang đầu tư khá triệt để.
Dolce & Gabbana cũng không kém cạnh. Cộng tác với sàn UNXD, hãng cho ra đời BST NFT đầu tiên có tên “Genesi” gồm ba dòng thời trang cao cấp cho nam, nữ và trang sức. Người mua NFT sẽ được tặng kèm phiên bản thật. Nổi bật trong đó phải kể đến chiếc đầm Dress from a Dream có giá 500.000 USD (tương đương 164.402 Ethereum). Với BST NFT này, Dolce & Gabbana không hướng đến đối tượng trẻ hay thị trường game crypto mà là tệp khách hàng giàu có thân thiết của mình.
Sân chơi NFT càng ngày càng nhộn nhịp khi chào đón thêm nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ: Louis Vuitton và Burberry phát hành NFT về game. Kenzo tung BST giới hạn 100 NFT ngay sau khi thương hiệu giới thiệu BST ra mắt của NIGO. Tiffany & Co. lại biến biểu tượng NFT Cyptopunk #3167 thành món trang sức thật làm bằng vàng hồng và đá quý. Ngân hàng SoftBank của Nhật mạnh tay chi 150 triệu USD vào nền tảng metaverse thời trang Zepeto của Hàn Quốc, từng cộng tác với các thương hiệu lớn như Gucci, Dior và Ralph Lauren.
Tiền ảo là thứ duy nhất được dùng để thanh toán các NFT và mỗi thị trường ảo lại có một đồng tiền riêng. Biến động tiền tệ của những đồng Coin này tăng giảm tùy thuộc vào số tiền thật được rót vào thị trường đó. Khi giá trị một đồng Coin tăng thì giá trị của một NFT trong thị trường đó cũng sẽ tăng theo, khiến việc sở hữu NFT trở thành một loại hình đầu tư.
Có thể kể ra một số start up trong thế giới thời trang ảo bước đầu thành công. Overpriced đã cho ra đời một chiếc hoodie thật với mã code có thể scan được bán với giá 26.000 USD trên sàn BlockParty. RTFKT ra đời năm 2019 chỉ chuyên bán sneakers ảo cũng đã kêu gọi được số vốn đầu tư lên đến 8 triệu USD ở vòng gọi vốn gần nhất. Fabricant bán được chiếc đầm ảo “Iridescence” với giá 9.500 USD qua sàn Portion. Có thể nói, ngành công nghiệp thời trang tìm thấy một thị trường mới nhưng đồng thời cũng tìm thấy thêm những đối thủ mới.
Những bất cập
Không giống thời trang vật lý, các NFT không tốn vải vóc và nhân công để tạo ra. Nghe có vẻ phù hợp với những tiêu chí của thời trang xanh, nhưng chúng lại phụ thuộc vào các đồng tiền ảo căn bản ngốn rất nhiều năng lượng và thải ra lượng CO2 đáng kể. Ví dụ lượng điện chỉ để vận hành Bitcoin được xếp vào cùng nhóm những quốc gia tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới, chưa kể mỗi phiên giao dịch Bitcoin qua Visa tốn 148,63kWh, tương đương với hàng trăm nghìn giao dịch qua thẻ thông thường (Số liệu của Statista) và thải ra 1.212,38kg CO2 (Số liệu của Digiconomist).
BÀI LIÊN QUAN
Một vài NFT ẩn chứa nguy cơ vi phạm bản quyền, đơn cử đoạn phim 3D Baby Birkin của nghệ sĩ Mason Rothchild và Eric Ramirez được bán đấu giá với mức giá 23.500 USD tại sàn Basic.Space. Thừa thắng xông lên, Mason tiếp tục cho ra loạt NFT “MetaBirkins” gồm những chiếc túi Birkin lông sặc sỡ. Hermès đã lập tức kiện chủ NFT tội vi phạm bản quyền. Hãng thời trang Pháp cho rằng Mason đã cố tình bắt chước chiếc túi Birkin kinh điển rồi gọi tác phẩm của mình là “MetaBirkins” nhằm luồn lách. Mặc dù làn sóng thời trang ảo chỉ mới bắt đầu nhưng đã có một “case study” để những nhà sáng tạo NFT cũng như người chơi hệ đồ ảo cần nghiên cứu để tránh rủi ro tiền mất tật mang.
Tạm kết
Liệu gia nhập metaverse có phải là một xu hướng nhất thời của thời trang? Có lẽ là không, bởi ngành thời trang cũng đã bắt đầu có những nước đi mang tính chiến lược hơn bên cạnh việc phát hành các NFT (CFDA đang cộng tác với Sandbox và Polygon Studio để cho ra chương trình đào tạo về Metaverse cho thời trang Mỹ), nhằm lấp đầy những khoảng cách giữa thời trang và thế giới tiền ảo, cũng như tư duy sáng tạo kỷ nguyên số.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE