Thời trang / Xu hướng thời trang

Thời trang vintage và văn hóa thrifting 2025: làm mới từ những điều đã cũ

Văn hóa thrifting hay "săn đồ si" không còn chỉ là mua đồ cũ giá rẻ nữa mà dần trở thành một xu hướng tiêu dùng thông minh trong tương lai. Thrifting giờ đây mang trong mình nhiều giá trị hơn: đề cao tính cá nhân, sự sáng tạo và hướng tới thời trang vintage bền vững.

Văn hóa thrifting không còn mới lạ trong mắt công chúng nữa, nhưng không chỉ được tiếp cận theo hướng rẻ tiền, mà đồ si dần đáp ứng những nhu cầu mới thiết thực và chính đáng từ phía người dùng: đó là tiến gần với phong cách thời trang vintage của mình, kể lên câu chuyện của mình. Trước nhất một cách tóm gọn, văn hóa thrifting hay “săn đồ si” là hình thức tiêu dùng các sản phẩm thời trang cũ, có thể đã qua sử dụng. 

thrifting thời trang vintage
Ảnh: Pinterest

Văn hóa thrifting hay mua đồ cũ không còn là một khái niệm xa lạ. Nhưng với thế hệ mới, nó không chỉ đơn giản là săn đồ giá rẻ mà còn là một phong cách sống bền vững, có thể đáp ứng những nhu cầu thiết thực và chính đáng từ phía người dùng: dễ dàng tiếp cận, tiêu dùng thời trang thông minh hơn và tiến gần với phong cách thời trang mang hơi hướng vintage “của riêng mình”.

Diện phong cách vintage
Ảnh: Pinterest
Celeb diện thời trang vintage
Ảnh: Pinterest
Người nổi tiếng săn đồ vintage
Ảnh: Pinterest

Văn hóa thrifting bắt nguồn từ các cửa hàng từ thiện ở phương Tây, nơi quần áo cũ được trao tặng hoặc bán với giá bình dân cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đồ si thường xuất hiện rất nhiều ở các chợ đồ cũ với những cái tên như “đồ si đa”, “đồ xôn”, “đồ secondhand” nhờ nhập các kiện hàng cũ hoặc hàng tồn từ những quốc gia khác. Đôi khi, chúng chính là tủ đồ tuổi thơ mà ta thường được bố mẹ dẫn ra chợ mua quần áo mặc. Tuy nhiên theo dòng chảy thời gian, thrifting mang phong cách vintage đã vượt qua khuôn khổ ban đầu, có cho mình một chỗ đứng riêng với sự ưa chuộng từ mọi tầng lớp và dần phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

thrifting săn đồ vintage
Ảnh: Pinterest
Văn hoá thrifting
Ảnh: Pinterest

Năm 2024 đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của văn hóa thrifting. Sự hình thành và phát triển của nhiều “tiểu văn hóa core” xây dựng những nhóm người có chung gout thẩm mỹ như Y2K, cottagecore, grunge core… đã tạo nên sự đa dạng trong phong cách. Nhưng để chạy đua cùng làn sóng xu hướng quá nhanh, tìm những món đồ phù hợp giữa vô vàn thương hiệu lại trở nên khó khăn. 

Để đáp ứng nhu cầu này, các cửa hàng đồ si có “gu thẩm mỹ riêng” đã xuất hiện, đóng vai trò như những nhà tuyển chọn (curator), giúp khách hàng tìm kiếm những món đồ độc đáo, lạ, đúng chủ đề để phù hợp với phong cách cá nhân của mình. Số lượng các điểm bán đồ cũ từ cửa hàng nhỏ lẻ dán mác vintage đến chợ truyền thống hay các cửa hàng trên các nền tảng trực tuyến cũng tăng lên đáng kể.

Năm 2024 cũng chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của văn hóa thrifting với những hướng tiếp cận mới: cam kết của giới trẻ về một lối sống bền vững hơn, không theo đuổi thời trang nhanh và hướng đến những sản phẩm chất lượng nhưng độc đáo. Đó là lời khẳng định vị thế của mình trong văn hóa tiêu dùng hiện đại.

Giới trẻ thrifting săn đồ vintage
Ảnh: Getty Images

Tiếp nối, năm 2025 được dự đoán sẽ là năm tiếp tục bùng nổ của làn sóng đồ si, đủ mạnh mẽ để tách thành một ngành riêng biệt bên cạnh sự phát triển của các thương hiệu sản xuất mới. Nhu cầu thể hiện cá tính, tự do tùy chỉnh trang phục và sự mờ nhạt của ranh giới giới tính đang định hình lại thị trường thời trang tương lai. Công nghệ từ thiết kế ảo đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến, cùng với sự gia tăng của các bộ sưu tập linh hoạt giới tính (genderfluid) đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận và tiêu thụ thời trang.

Săn đồ thrifting vintage
Ảnh: Getty Images

Một trong những xu hướng của thế hệ mới chính là “cá nhân hóa” tủ đồ thời trang, hợp lý khi giới trẻ dần hiểu rõ bản thân mình và thị trường cũng mở ra đa dạng sự lựa chọn. Khi phong cách cá nhân có thể cùng tồn tại với các xu hướng, tư duy mới khuyến khích người tiêu dùng đầu tư vào sản phẩm gắn với trải nghiệm, có ý nghĩa với bản thân mình nhiều hơn. Bạn có thể hiểu đại chúng đang mặc gì, nhưng sẽ tìm cách phối hợp lại các món đồ theo ý thích riêng của mình như có thể khoác thêm chiếc áo kỷ niệm được bà tặng, nghịch tay thể nghiệm đồ cũ như khâu khuy, trang trí thêm họa tiết hoặc tự mình sáng chế ra bản phối mới mỗi ngày.

Ngoài ra, thời trang vintage vẫn đang trong lộ trình “lội ngược dòng” mạnh mẽ khi ta vẫn chứng kiến nhu cầu lớn với những món đồ mang tính biểu tượng từ thời kỳ hoàng kim. Xu hướng này giúp công chúng dễ dàng tiếp cận những món đồ trước giờ chỉ từng dành riêng cho giới thượng lưu từ túi Birkin đến áo khoác Martin Margiela. Không chỉ vì vẻ đẹp, các món đồ cổ điển còn mang chất lượng vượt trội nhờ kỹ thuật may đo chuyên nghiệp của một thời đại coi trọng sự bền bỉ, khác với sự vội vã và “chọn đánh đổi” của ngành công nghiệp thời trang nhanh. Các dự án tái sinh kho lưu trữ cũ từ các thương hiệu lớn như “Upcycled by Miu Miu” hay cách Jay Ahr tái chế các mẫu túi Louis Vuitton, Birkin cũng là những ví dụ điển hình vô cùng thông minh cho xu hướng này.

thời trang vintage Upcycled by Miu Miu
Ảnh: Miu Miu
Bản phối Upcycled by Miu Miu vintage
Ảnh: Miu Miu
Bộ sưu tập Upcycled by Miu Miu vintage
Ảnh: Miu Miu

Và đúng vậy. Tất cả những xu hướng trên đều có thể đáp ứng được bởi đồ si: tiêu dùng thông minh khi tối ưu túi tiền mà lại có thể tìm hàng chất lượng, dễ dàng tiếp cận và thỏa sức cái tôi sáng tạo. Văn hóa thời trang vintage ngày nay dần đã vượt ra khỏi những ký ức cũ, trở thành một không gian mua sắm “có ý thức”, đề cao sức sáng tạo thẩm mỹ và trải nghiệm sống thú vị mà chỉ chính bạn mới có thể tạo ra.

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)